TTCT - Trái đất nhìn từ không gian là một hòn bi ve màu xanh nước biển. Ở đó, éo le thay, tần suất và cường độ của nắng hạn và cháy rừng, dân số thế giới và khủng hoảng tài nguyên nước, tất cả đều đang gia tăng. Để đưa con đến bệnh viện ở Rajshahi, Bangladesh, gia đình này phải đi hơn 16km băng qua mảnh đất khô hạn. 8 tháng hạn, 4 tháng lụt nhưng nước sạch lúc nào cũng khan hiếm, cây trồng không thể lớn, bệnh tật phát sinh. Đứa trẻ cuối cùng đã kịp điều trị khỏi bệnh tiêu chảy nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Ảnh: Sharwar Apo / Wellcome Photography Prize 2021Nước dường như là nguồn tài nguyên tái tạo bất tận. Nước mưa từ trên trời rơi xuống, nước biển bao quanh chúng ta - chiếm gần 3/4 bề mặt Trái đất, chưa kể lượng nước khổng lồ đang "chờ đợi" trong các dòng sông băng và băng vĩnh cửu.Thế nhưng hằng năm có khoảng 4 tỉ người (gần một nửa dân số toàn cầu hiện nay) phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng kéo dài ít nhất một tháng, theo nghiên cứu năm 2016 của Mekonnen và Hoekstra. Vậy, nước đã biến đi đâu?Trái đất không hết nước, nhưng…Làm cách nào để chứa 130 lít nước trong một chiếc cốc? Câu trả lời: đổ nước vào cây cà phê. Trồng cà phê là một ngành "háo nước", nhưng vẫn chưa bằng ngành chăn nuôi bò - cần 628 lít nước để sản xuất 1 lít sữa bò và 15.400 lít cho 1kg thịt rút xương. Những thứ chúng ta mặc trên người cũng không ngoại lệ - 10.000 lít nước cho một chiếc quần jean và 2.500 lít cho một chiếc áo thun bình thường. Ngay cả một chai nhựa đựng nước cũng tiêu tốn nhiều nước hơn dung tích của nó.Nếu xem xét tài nguyên nước ít ỏi của toàn thể sinh vật sống, mọi sản phẩm quanh ta đều là xa xỉ. Trên thực tế, lượng nước mà con người và muôn loài có thể sử dụng không bằng 1% tổng lượng nước trên Trái đất. Bởi vì chúng ta chỉ có thể uống và sử dụng nước ngọt ở các sông, hồ, đầm lầy và các mạch nước ngầm. Phần nước ngọt còn lại - chiếm khoảng 2% nữa - đang bị đóng băng nên không thể tiếp cận.Vì vậy, trong khi quả địa cầu này có thể chẳng bao giờ hết nước, lượng nước mà nhân loại sử dụng được - nước ngọt và sạch - vẫn có khả năng cạn kiệt. Mặt khác, các điều kiện tự nhiên đa dạng khiến cho nước ngọt phân bổ không đồng đều giữa nơi này và nơi khác.Bằng việc xuất khẩu hàng hóa, nhất là các loại nông sản "háo nước", một số khu vực đang tích cực xuất khẩu… tài nguyên nước của họ, gọi là mua bán "nước ảo" (virtual water). Chẳng hạn, với Saudi Arabia, một đại gia dầu mỏ nhưng luôn khốn khổ vì thiếu nước ngọt, tại sao phải chia nhỏ lượng nước quý giá cho nông nghiệp trong khi họ có thể nhập khẩu lương thực từ khu vực khác? Nếu một quốc gia không kiểm soát được lượng nước họ đổ vào hàng hóa xuất khẩu, nhìn bề nổi thì có vẻ mọi chuyện đang sinh lời, nhưng về lâu dài hậu quả sẽ đến, khi mà tài nguyên nước ngày càng bị đe dọa.Ảnh: thingslog.comThiên tai và nhân taiBiến đổi khí hậu đang gây ra tình trạng hạn hán và sóng nhiệt trên toàn cầu, cũng như lũ lụt và nước biển dâng. Đồng thời, các hoạt động gây ô nhiễm của con người đang thay đổi chất lượng nước mặt và cả nước ngầm, khiến nguồn nước sẵn có không còn thích hợp để uống hay tưới tiêu.Với bang California của Mỹ, các lớp tuyết (snowpack) từng cung cấp đến 30% lượng nước ngọt của bang, theo Viện Chính sách công California, nhưng giờ đã trở nên khan hiếm giữa khí hậu ngày càng khô hạn. Ở bên kia Đại Tây Dương, người dân Kenya đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước thậm chí còn phức tạp hơn, dẫn đến nạn đói nghiêm trọng. Để lấy được nước, dân Kenya phải dùng tay đào những cái hố sâu ở nơi dòng sông từng đi qua. Ngawosa Eregai, một nhân viên y tế cộng đồng ở Hạt Turkana, nói với Wellcome: "Chúng tôi uống loại nước này vì chúng tôi không có sự lựa chọn… Chúng tôi tin rằng nó không độc hại".Còn ở Trung Đông, hồ nước mặn nổi danh Urmia của Iran càng ngày càng mặn, diện tích hồ thu hẹp vì nhiệt độ tăng mà lượng mưa giảm, trong khi hoạt động xây đập và nông nghiệp của con người không tỏ ra nhân nhượng.Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nature, sử dụng dữ liệu vệ tinh của NASA, đã gọi tên 19 điểm nóng - nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - nơi tài nguyên nước đang cạn kiệt nhanh chóng, trong đó có California, tây bắc Trung Quốc, bắc và đông Ấn Độ và Trung Đông. Nhìn chung, các nhà khoa học khí hậu đồng thuận rằng khu vực nào vốn thường gặp hạn hán thì sẽ ngày càng khô khốc hơn, còn nơi nào vốn đã ẩm ướt lại càng trở nên ẩm ướt hơn.Ảnh: UNICEF/UN0607653/RichTrông chờ gì ở nước ngầm và nước biển?Những tầng ngậm nước (aquifer) sâu dưới lòng đất chứa gấp 100 lần lượng nước ngọt trên bề mặt Trái đất. Tuy nhiên, khoảng 1/3 trong số 37 tầng ngậm nước lớn nhất đã cạn kiệt nghiêm trọng, ít hoặc không nhận được nước mưa bổ sung, theo nghiên cứu của ĐH California (Mỹ) từ 2003-2013.Còn theo nghiên cứu trên tạp chí Science tháng 4-2021, ít nhất 6% giếng nước trên khắp thế giới (20% với kịch bản xấu nhất) có thể sẽ sớm cạn khô. Đào giếng sâu hơn nữa có thể giúp "hạ nhiệt" vấn đề, nhưng giải pháp này có thể nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều người, nhóm nghiên cứu lưu ý. "Khi mực nước ngầm hạ thấp trên khắp thế giới, chỉ những người tương đối giàu có mới có khả năng chi trả cho việc khoan những cái giếng sâu hơn và tiền điện phát sinh bắt buộc để bơm nước ngầm lên từ độ sâu đó" - James Famiglietti và Grant Ferguson, hai chuyên gia về nước thuộc ĐH Saskatchewan (Canada) viết trong một bài bình luận độc lập cũng trên Science.Song song đó, khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến sụt lún đất, "làm chìm" một số khu vực của châu Á, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Những tầng nước cạn kiệt cũng khiến nước biển mặn dễ dàng xâm nhập vào đất liền.Lại nói về nước biển - chiếm 97% lượng nước trên Trái đất và hầu như không có nguy cơ cạn kiệt. Liệu ta có thể biến nó thành nước uống? Thật ra, công thức cơ bản nhất để "chuyển mặn thành ngọt" chẳng có gì xa lạ với tổ tiên chúng ta: chưng cất (đun sôi nước biển, lấy hơi nước, rồi cho ngưng tụ thành nước tinh khiết). Nhưng ở quy mô lớn, tỉ như để cung cấp nước sạch cho cả thành phố Thủ Đức, quá trình này sẽ tốn nhiều nhiên liệu, chưa kể cần áp dụng các kỹ thuật hiện đại (và hại điện) để hạ nhiệt độ sôi… Còn những cách làm tân tiến hơn, như màng lọc RO (Reverse Osmosis, thẩm thấu ngược), đều tiêu hao năng lượng đầu vào, giá thành cao và có thể phát thải thêm khí nhà kính.Vì vậy, khách hàng chủ yếu của các công nghệ khử muối hiện nay là một số quốc gia giàu có nhưng khô cằn ở Trung Đông. Tuy nhiên, khủng hoảng về nước ngày càng trầm trọng đã buộc nhiều chính quyền phải lựa chọn giải pháp tốn kém này, chẳng hạn như Úc, Singapore, Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ. Một điểm tích cực là nếu chúng ta sử dụng năng lượng tái tạo cho các nhà máy khử muối, ta có thể giảm đáng kể tác động đến biến đổi khí hậu.Để đưa con đến bệnh viện ở Rajshahi, Bangladesh, người phụ nữ đang mang thai này phải đi hơn 16km băng qua mảnh đất khô hạn. 8 tháng hạn, 4 tháng lụt, nhưng nước sạch lúc nào cũng khan hiếm, cây trồng không thể lớn, bệnh tật phát sinh. Đứa trẻ cuối cùng đã kịp điều trị khỏi bệnh tiêu chảy, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Ảnh: Sharwar Apo / Wellcome Photography Prize 2021Quản trị nguồn nước"Khi chúng ta nói đến an ninh nguồn nước, cái "an ninh" đầu tiên là trong suy nghĩ của người ta" - tiến sĩ Dương Văn Ni của ĐH Cần Thơ - chia sẻ. Một khi người dân hiểu được rằng sắp tới đây mưa nắng thất thường nên nguồn nước bị đe dọa, giải pháp đã nằm trong vốn tri thức bản địa, chẳng hạn như chuẩn bị lu khạp, đào ao hồ để trữ nước, hứng nước mưa.Đôi khi, cách quản lý nước hiệu quả nhất cũng là cách đơn giản nhất: giảm thiểu rò rỉ nước ở hộ gia đình và hệ thống đường ống tại địa phương. Các nhà sáng chế cũng đã nhiệt tình "vá lỗi" cho các thiết bị đời thường, từ bồn cầu hai chế độ xả đến vòi sen tiết kiệm nước.Nông nghiệp vừa tốn đất vừa tốn nước thật nhưng nhân loại cũng không thể sống thiếu nó. Ngày nay, nông dân ở những vùng khô cằn đã có thể trồng trọt nhờ vào các tiến bộ về thủy lợi và tưới tiêu, ví dụ công nghệ tưới nhỏ giọt để nước không kịp bốc hơi vào không trung và tránh lãng phí. Các nhà sinh vật học cũng đang lai tạo những giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn thông qua chọn lọc tự nhiên hoặc chỉnh sửa gene. Mặt khác, người tiêu dùng có thể góp sức bằng cách hạn chế lãng phí thực phẩm và ủng hộ những hàng hóa, doanh nghiệp sử dụng nước có trách nhiệm.Khoa học và công nghệ có thể tiến xa trong việc gìn giữ lượng nước ngọt quý giá của thế giới. Nhưng để các giải pháp đi sâu vào đời sống, công tác quản trị giữ vai trò rất lớn, bao gồm cảnh báo, ứng phó, đảm bảo công bằng... Tờ The Guardian dẫn lời Jonathan Farr, nhà phân tích chính sách của Tổ chức phi chính phủ WaterAid: "Chúng ta đã giải quyết được câu chuyện tiếp cận nguồn nước từ buổi đầu của nền văn minh. Chúng ta biết cách lấy nước. Chúng ta chỉ cần quản lý nước".■Trong tháng 11 tới, vệ tinh Nước mặt và địa hình đại dương (tên viết tắt là SWOT) - dự án hợp tác giữa Hoa Kỳ và châu Âu - sẽ bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát nước ngọt toàn cầu đầu tiên trên thế giới. Còn ở trên mặt đất, các "nhà khoa học công dân" có thể giúp NASA giám sát các nguồn nước trên thế giới bằng chiếc điện thoại trong lòng bàn tay. Chẳng hạn thông qua app GLOBE Observer, người dùng có thể tải lên thông tin về lượng mưa, độ che phủ của mây…, cung cấp dữ liệu cho các nhà nghiên cứu. Tags: Hạn hán thiếu nướcHạn hánBiến đổi khí hậuTài nguyên nướcThiếu nước
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh lên thành bão số 10 CHÍ TUỆ 23/12/2024 Dự báo trong ngày hôm nay (23-12), áp thấp nhiệt đới ở phía nam Biển Đông mạnh lên thành bão, cơn bão số 10 trong năm 2024.