Người dân Đà Nẵng khổ vì thiếu nước - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Vì vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ kéo dài đến nửa đầu tháng 9.
Theo ông Thành, lượng nước ở các hồ chứa khu vực miền Trung còn không đáng kể. Tại hồ Đăk Mi 4 chỉ còn khoảng 23 triệu m3, hồ A Vương khoảng 16 triệu m3, hồ Sông Tranh 2 xấp xỉ mực nước chết, hồ Sông Bung 4 dưới mực nước chết khoảng 1,4m, trong khi dòng chảy đến các hồ cũng rất nhỏ, không đáng kể.
Đặc biệt, trong bối cảnh Đà Nẵng thiếu trầm trọng nước sạch, theo Bộ TN-MT, căn cứ tình hình nguồn nước các hồ chứa trên lưu vực hiện chỉ còn khoảng 40 triệu m3, dự báo đến nửa đầu tháng 9 vẫn không có mưa trên lưu vực, nếu huy động tổng lưu lượng xả của các hồ quá lớn, thường xuyên (95 m3/s trở lên) để cấp nước cho Đà Nẵng, chỉ trong khoảng 6-8 ngày các hồ cũng sẽ hết nước.
Ông Chu Ngọc Thắng - phó trưởng Phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) - cho biết tình hình thiếu hụt nguồn nước trên các lưu vực sông một phần do nền nhiệt độ trên cả nước cao hơn 0,5-1,5oC.
Đặc biệt liên tiếp vừa qua đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng, có nhiều điểm đã xuất hiện giá trị vượt ngưỡng lịch sử. Tổng lượng mưa ở các khu vực phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt khu vực Trung Bộ thấp hơn 60-80%. Do thiếu hụt mưa, dòng chảy trên các sông suy giảm, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 15-50%. Các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên thiếu hụt 60-90%.
Theo ông Thắng, do thiếu hụt nguồn nước, tình hình hạn hán, thiếu nước ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đang diễn ra gay gắt hơn. Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã xảy ra tại các tỉnh thành Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Ông Thắng nhận định tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ còn tiếp tục diễn ra, kéo dài đến nửa đầu tháng 9 khi dự báo trên lưu vực vẫn không có mưa. "Cần khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý. Các địa phương ở Đồng bằng Nam Bộ cũng cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020" - ông Thắng nói.
Đà Nẵng tiếp tục chờ... mưa
Ngày 25-8, ông Phan Lưu, giám đốc xí nghiệp sản xuất nước Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết trong vòng 24 giờ qua, các nhà máy sản xuất nước trong thành phố đã vận hành với tổng sản lượng khoảng 310.000m3. Đây là mức tương đương với nhu cầu sử dụng của người dân toàn thành phố.
Thiếu nước ở Đà Nẵng - Ảnh: TTO
Theo ông Lưu, do trong ngày 24-8 tại vị trí lấy nước thô ở Cầu Đỏ độ mặn nhiều thời điểm duy trì ở mức dưới 1.000 mg/l, nhờ vậy nhà máy này sử dụng nước lấy tại chỗ kết hợp với nước pha trộn lấy từ Nhà máy bơm An Trạch về để vận hành hết công suất.
"Nhờ vậy một số vùng mấy ngày trước không có nước nay đã khá hơn, nước chảy trong đường ống. Tuy nhiên dù lượng nước sản xuất ra tương đương nhu cầu sử dụng thì cũng cần một khoảng thời gian "bù rỗng" trong đường ống do tụt áp lực nước mấy ngày qua" - ông Lưu phân tích.
Đêm qua, tại thượng nguồn Quảng Nam có vài nơi mưa lác đác nên tình hình có cải thiện hơn khi chiều cao mực mước ở nhiều nơi đã khá lên. "Nguồn nước Đà Nẵng giờ chỉ trông chờ vào hai nguồn là trời và thủy điện. Mà thủy điện giờ đã xả nước ít lại theo quy trình, nếu những ngày tới mà trời không mưa thì còn tiếp tục khốn đốn" - một chuyên gia thủy lợi phân tích.
Theo kịch bản cấp nước an toàn của UBND TP Đà Nẵng, trong tình hình xấu nhất là nguồn nước thô không đủ để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thì sẽ thực hiện phương án xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ. Tuy nhiên kịch bản này cũng không nói tới tình huống "tình hình xấu nhất" là thời gian thiếu nước kéo dài bao lâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận