18/12/2012 07:14 GMT+7

Hạn hán bắt đầu hoành hành

TIẾN THÀNH - BẢO TRUNG - DUY THANH
TIẾN THÀNH - BẢO TRUNG - DUY THANH

TT - Hạn hán đến quá sớm, gây hại nhiều nơi khi mùa khô chỉ mới bắt đầu. Ở bắc Tây nguyên, nhiều diện tích cây trồng khô cháy, trong khi đồng ruộng ở Bình Định đang thiếu nước trầm trọng cho mùa gieo sạ mới.

2gnf6UEc.jpgPhóng to
Nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) khoan giếng chống hạn cứu lúa - Ảnh: Ng.Hân

Trên sông Ba - một trong những con sông lớn nhất miền Trung, cuộc tranh chấp nước giữa thủy điện và thủy nông bắt đầu quyết liệt.

Bắp chết khát

Ở các huyện phía đông tỉnh Gia Lai như Kông Chro, K’Bang, Đắk Pơ... đã có hàng ngàn hecta bắp chết khát. Tại xã Chơglong (huyện Kông Chro), một trong những nơi bị hạn nặng nhất, những nương bắp vừa trổ cờ đã bị khô háp đến mức bò cũng chẳng thèm ăn.

Ông Lê Văn Đức ở thôn 7, xã Chơglong, lảy từng hạt bắp héo hon, buồn rầu: “Gần 10ha bắp của gia đình tôi phần thì mất trắng, số còn lại bị háp nắng, giảm hơn 40% sản lượng”. Ông Đức tính tiền đầu tư cho 1ha bắp khoảng 15 triệu đồng, nên vụ bắp này gia đình ông lỗ hơn 100 trăm triệu đồng, chưa kể công chăm bón và tiền thuê người bẻ bắp. “Tôi sống ở Chơglong hơn 15 năm rồi, chưa bao giờ thấy hạn hán bất thường như năm nay. Thường đến cuối tháng 10 âm lịch vẫn còn mưa, nhưng năm nay mới đến tháng 8 âm lịch đã hết mưa” - ông Đức nói.

Ông Võ Văn Hưng - trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kông Chro - cho biết trên địa bàn huyện có gần 2.800ha hoa màu bị mất trắng, phần lớn là cây bắp tập trung ở thị trấn Kông Chro, xã Chơglong và xã Yang Trung; ước tính thiệt hại khoảng 24 tỉ đồng. Trong khi đó, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, hạn hán đã làm gần 630ha cây trồng ở huyện Kbang, hơn 1.000ha cây trồng ở huyện Đắk Pơ bị thiệt hại, có nguy cơ mất trắng.

Kiệt nước vụ lúa đông xuân

Lượng mưa ít, các hồ thủy nông thiếu nước tưới cho vụ lúa đông xuân ở một tỉnh thuần nông như Bình Định đã trở thành câu chuyện nóng bỏng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết năm nay lượng nước ở các hồ chứa chỉ đạt 35-40% dung tích thiết kế, nên năm 2013 chắc chắn sẽ xảy ra hạn hán trên diện rộng, vụ đông xuân sẽ có khoảng 12.000ha lúa bị hạn, vụ hè thu khoảng 19.000ha. Dự kiến tổng diện tích lúa thiếu nước tưới trong năm 2013 khoảng 50.000ha. “Đây là vấn đề bức xúc nhất, nan giải nhất, nên việc chống hạn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và các ngành đoàn thể” - ông Lê Hữu Lộc nói.

Hiện nay Bình Định đã điều chỉnh lịch thời vụ ở ba vụ sản xuất trong năm tới cho phù hợp điều kiện khan nước tưới, tính toán phương án điều tiết nước tưới hợp lý cho từng vùng, từng thời kỳ, xây dựng phương án chống hạn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời thành lập ban chỉ đạo chống hạn của tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo.

Yêu cầu thủy điện trả nước

Ông Trần Tiến Anh - giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) - vừa kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh trả nước để đảm bảo lượng nước tưới tiêu. “Lượng nước của đập đầu mối Đồng Cam đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đặc biệt ngày 10-12, lượng nước tại đập đầu mối bị hụt đến 90cm, khiến toàn bộ vùng phía dưới đập không còn nước. Để đảm bảo việc đưa nước về hai kênh chính Nam và Bắc của hệ thống, đảm bảo việc tưới tiêu cho hơn 23.000ha đất sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân 2012-2013, chúng tôi kiến nghị hai thủy điện phải xả nước tổng lưu lượng ít nhất 30-40m³/giây. Nếu không thì hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp do hệ thống thủy nông Đồng Cam tưới tiêu sẽ bị khô hạn nặng, nhà máy nước sinh hoạt ở hạ du sông Ba chắc chắn thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới” - ông Anh nói.

Trong khi đó theo ông Đặng Văn Tuần - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, do sông Ba khô hạn bất thường nên gần cả tháng qua nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ cần chạy 50% công suất của hai tổ máy (220MW) trong vòng một ngày nước ở hồ chứa sẽ xuống mực nước chết.

Ông Lê Văn Trúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - chỉ đạo Sở Công thương phối hợp cùng Sở NN&PTNT kiểm tra cụ thể tình hình mực nước, xả nước chạy máy phát điện của các nhà máy thủy điện có ảnh hưởng đến mực nước ở đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam; đề xuất hướng giải quyết cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-12. Ông Trúc cũng yêu cầu Sở Công thương theo dõi, kiểm tra hoạt động phát điện của Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ để đảm bảo việc cân đối nước cho sinh hoạt và sản xuất của vùng hạ du.

Thủy điện thiếu nước giữa mùa mưa

Hơn nửa tháng nay, nhiều nhà máy thủy điện lớn ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam rơi vào cảnh ngắc ngoải vì thiếu hụt nguồn nước.

Tại Nhà máy thủy điện Bình Điền, mực nước ở lòng hồ Bình Điền chỉ cao hơn mực nước chết đúng 4m. Ông Nguyễn Quang Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Bình Điền - nói rằng hồ chứa thủy điện Bình Điền có dung tích 423 triệu m³, tuy nhiên lượng nước hiện tại trong hồ chưa tới 100 triệu m³, thiếu hụt hơn 320 triệu m³. “Nếu hai tổ máy chạy hết công suất thì chỉ vài ba ngày là hết sạch nước. Vậy nên hiện mỗi ngày nhà máy chỉ hoạt động một tổ máy trong chừng ba giờ để duy trì dòng chảy sinh thái. Chưa bao giờ nhà máy rơi vào khó khăn như hiện nay” - ông Hải nói. Theo ông Hải, nếu không có mưa lớn thì đầu mùa khô tới rất có thể nhà máy phải ngừng hoạt động vì thiếu nước.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hải, trưởng ca vận hành thủy điện Hương Điền, cho biết mực nước trong hồ chỉ cao hơn mực nước chết 1m. Nhà máy có ba tổ máy nhưng hiện mỗi ngày chỉ hoạt động một tổ máy với sản lượng điện chưa đạt 10%. Còn tại hồ thủy điện A Lưới, mực nước chỉ xấp xỉ mực nước chết khiến nhà máy mới hoạt động được sáu tháng này rơi vào điêu đứng. Theo một lãnh đạo huyện A Lưới, khô hạn trong mùa mưa là chuyện chưa từng xảy ra ở huyện miền núi này trong khoảng 30 năm trở lại đây.

Ông Lê Đình Bản - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương (Quảng Nam) - cho biết lượng nước trong hồ thủy điện A Vương hiện chỉ đạt 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Do lưu lượng nước về hồ hằng ngày chỉ đạt 13-14m³/giây nên đơn vị đang giảm công suất phát điện. Theo ông Bản, do năm nay thời tiết bất thường, lượng mưa ít, vì vậy vừa qua công ty đã có cam kết với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam có kế hoạch dự trữ nước, phát điện để đảm bảo lượng nước cho người dân vùng hạ du sản xuất vụ đông xuân. Hiện nhà máy chỉ phát điện cầm chừng để đảm bảo lượng nước sản xuất của người dân.

TIẾN THÀNH - BẢO TRUNG - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên