Kẹt xe trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) sáng 21-12-2019 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Tại hội nghị tổng kết về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý đô thị ngày 8-1, các sở ngành TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp sẽ thực hiện trong năm nay.
Dọn chợ tự phát
Mở đầu hội nghị, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP - cho rằng dường như ùn tắc giao thông ngày càng nhiều hơn, trật tự giao thông làm cho lòng người cảm thấy bất an. "Đơn giản như đi trên đường thấy sao lộn xộn quá, người đi trên, người đi dưới, người chạy qua, người chạy lại. Cảm thấy mất trật tự" - ông Hoan nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm lập lại trật tự lòng lề đường, ông Nguyễn Văn Dũng - chủ tịch UBND Q.1 - cho biết với sự vào cuộc quyết liệt, quận đã xử lý dứt điểm hai chợ tự phát tại đường Cô Giang và hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng.
Để làm được việc này, theo ông Dũng, cần có kế hoạch dài hơi từ công tác tuyên truyền đến đề xuất các chính sách hỗ trợ quyền lợi cho người dân.
"Chúng tôi đã đề ra giải pháp chỉnh trang lại đường, làm bồn hoa. Sắp tới làm thêm các dụng cụ thể dục thể thao cộng đồng. Đến nay, hai vị trí chợ tự phát cũ đã được xử lý, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự" - ông Dũng nói.
Từ bài học kinh nghiệm khu chợ Cô Giang, hiện Q.1 đang chuẩn bị các bước tiếp theo để dẹp chợ lòng đường Tôn Thất Đạm.
Ông Dũng chia sẻ thêm: "UBND Q.1 đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính đề xuất cơ chế tài chính hỗ trợ phù hợp cho người dân. Quận cũng mong sớm có chủ trương chính thức để giải quyết trật tự vỉa hè tại đoạn đường Tôn Thất Đạm, giúp cho bộ mặt khu vực trung tâm TP được thông thoáng".
Còn ông Trần Văn Bảy - chủ tịch UBND Q.9 - cho biết quận xác định rõ là không đủ sức để làm tổng thể bởi địa bàn quá rộng, cho nên phải làm trọng tâm trọng điểm, đặt ra chỉ tiêu cụ thể là trong năm nay tập trung xử lý quyết liệt các điểm nào.
"Làm như vậy để người dân thấy rằng mình làm thật. Chứ mình dàn quân làm ồ ạt nhưng cuối cùng hiệu quả không cao" - ông Bảy nói.
Chủ tịch UBND Q.9 cũng nhấn mạnh muốn thành công phải gắn trách nhiệm từng địa bàn với lãnh đạo các phường. Cứ 3 tháng, quận đánh giá gắn với thi đua, trách nhiệm từng cán bộ phụ trách.
Điều chỉnh vận tải hàng hóa vào ban đêm
Theo thống kê, thời gian qua TP.HCM có 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, đến cuối năm 2019 có 15 điểm chuyển biến tốt, 6 điểm chưa chuyển biến...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tường - phó Ban An toàn giao thông TP.HCM, cả năm 2019 TP.HCM không có vụ nào kẹt xe trên 30 phút. Thế nhưng tình trạng ùn ứ cục bộ, xe cộ di chuyển khó khăn vẫn còn, nhất là tập trung vào buổi chiều, buổi sáng, khu vực sân bay, cảng hàng hóa, bến xe.
"Nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết, thủy triều dâng cao hay các công trình thi công chưa hoàn thiện..." - ông Tường nói.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao lại để xe khách vào trung tâm TP quá nhiều, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP - cho biết hiện TP mới chỉ hạn chế xe tải theo giờ, còn đối với xe khách chỉ hạn chế cấm dừng đỗ trên một số tuyến đường.
"Trước đây, sở cùng với các quận, huyện bàn việc nên chăng hạn chế xe khách 16 chỗ vào một số khu vực trung tâm. Tuy nhiên, thời điểm đó sau khi đưa ra bàn bạc, một số ý kiến rất băn khoăn chuyện này vì lo ảnh hưởng đến sản lượng khách du lịch" - ông Lâm nói.
Về giải pháp, ông Lâm cho biết sẽ cắm thêm biển báo. Ngoài ra, trong quý 1-2020, đơn vị sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông rà soát, hạn chế theo giờ lưu thông một số tuyến đường đi vào trung tâm TP đối với xe trên 16 chỗ để hạn chế xe dù, xe khách trá hình chạy xuyên TP.
Còn ông Võ Văn Hoan góp ý thêm cho Sở Giao thông vận tải về việc nên chăng điều chỉnh hoạt động vận tải hàng hóa vào ban đêm.
"Nếu vận tải hàng hóa chuyển vào ban đêm thì vào ban ngày chúng ta bớt khổ, bớt ô nhiễm hơn. Dĩ nhiên việc này sẽ tác động đến xã hội nhiều, chi phí xăng dầu, nhân công sẽ tăng nhưng chi phí khác lại giảm, đặc biệt chi phí xã hội giảm rất lớn.
Cái này kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng vậy, đâu có đô thị mà toàn xe không, phun khói tùm lum trong ngày, đi đường không được" - ông Hoan góp ý.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng dù năm qua cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông của TP.HCM đều giảm nhưng các quận, huyện cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để năm 2020 ba tiêu chí trên tiếp tục giảm.
Năm nay, TP.HCM tập trung ưu tiên nguồn lực cho các dự án công trình cấp bách, các vị trí trọng điểm như đường vành đai 2, nút giao thông An Sương, Mỹ Thủy... TP cũng sẽ tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng và đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành giao thông.
Ông Phong nhắc các quận, huyện cần tiếp tục triển khai việc xử lý vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường, trả lại lề đường thông thoáng cho giao thông, đặc biệt các tuyến đường tập trung nhiều bệnh viện, trường học.
Ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch UBND TP.HCM): Đề xuất cán bộ ký cam kết: Đã uống rượu bia thì không lái xe
Trong năm 2020, TP.HCM sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao văn hóa giao thông, đặc biệt nâng cao quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Ban An toàn giao thông TP cần nghiên cứu, đề xuất cho hơn 140.000 cán bộ công chức TP.HCM ký cam kết "Đã uống rượu bia thì không lái xe".
Cán bộ phải gương mẫu, thực hiện nghiêm quy định pháp luật, khi ấy mới tuyên truyền cho người dân thực hiện. Lực lượng CSGT phải quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận