Xe buýt còn quá trống trải khiến giao thông công cộng chưa phát huy được hiệu quả - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xe gắn máy gây tiếng ồn, xả thải nhiều, nguy cơ tai nạn giao thông cao. Ôtô cá nhân chiếm nhiều diện tích mặt đường. Có quá nhiều bất tiện cho hai loại xe này. Tuy nhiên, thay thế chúng bằng cách nào mới là điều cần phải tính.
Giao thông công cộng vắng khách
Ở TP.HCM, ra đường ai cũng thấy một nghịch lý là xe máy và ôtô cá nhân chen chúc nhau, nhích từng centimet, lượng khói bụi người tham gia giao thông hít vào phổi nhiều vô kể. Trong khi đó, trên nhiều chiếc xe buýt đời mới, máy lạnh đầy đủ lại chỉ lưa thưa vài người!
Xe buýt vắng khách không còn là chuyện nhỏ nữa, từ đầu năm 2020 đến nay, một số tuyến xe buýt phải xin ngưng hoạt động vì lỗ nặng.
Bức tranh ảm đạm của loại hình vận tải khách công cộng này rất cần được cải thiện gấp, bởi không ai dám chắc rằng câu chuyện buồn kia không lặp lại. Trong bối cảnh các hãng xe ôm, taxi công nghệ liên tục phát triển như "trăm hoa đua nở" thì thật đáng lo cho xe buýt.
Điểm lại hành khách đi xe buýt là ai? Dễ dàng nhận thấy phần lớn là sinh viên đi học, người lớn tuổi không thể đi xe máy, người buôn bán nhỏ sáng đi chiều về. Còn hàng triệu công nhân ở thành phố đông dân nhất nước hầu hết dùng xe máy đi làm.
Cán bộ công chức là những người lẽ ra gương mẫu đi làm bằng xe buýt nhưng cũng không thực hiện, họ dùng xe máy để lo chuyện đưa đón con đi học. Cơ quan tôi tổng cộng gần 800 người nhưng số người sử dụng xe buýt đi làm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tàu buýt trên sông Sài Gòn mới chỉ có một tuyến, song có lẽ nó mới chỉ phù hợp với khách du lịch, những nhân viên văn phòng làm việc gần khu vực bến Bạch Đằng, Q.1. Tôi hỏi nhiều người dân thì được biết giá vé 15.000 đồng (một chiều) là cao so với người lao động.
Nhưng quan trọng hơn là thiếu kết nối phù hợp giữa buýt đường bộ với "buýt" đường sông. Thời gian giãn cách giữa hai chuyến liền kề là một tiếng nên thật khó để hưởng ứng dù rất muốn.
Nguyên nhân xe buýt "đói" khách không hề khó đoán. Người Việt Nam vẫn thích nhanh, tiện, lợi trước mắt. Chỉ cần thấy đi xe máy nhanh hơn, cơ động, dễ luồn lách, miễn sao giải quyết xong việc là chọn. Chuyện ô nhiễm môi trường, gây hại sức khỏe là việc của nhiều năm sau, ít quan tâm.
Xe buýt cũng cần "cơ chế đặc thù"
Xe buýt hiện nay mới chỉ được bố trí ở những tuyến đường chính, do diện tích mặt đường hạn chế nên phải đi chung làn với các xe khác. Một phần vì vậy mà thời gian hoàn thành lộ trình suốt tuyến kéo dài hơn yêu cầu. Với những người đi làm thì không thể ngày nào cũng đến trễ.
Nhất định phải có làn đường riêng cho xe buýt và một số tuyến BRT. Chính quyền thành phố đã dự định thí điểm ở đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu nhưng đến nay vẫn chưa quyết, xe buýt BRT cũng chưa triển khai.
Nếu còn chậm thì xe buýt tiếp tục tụt hậu, không thể cạnh tranh với các đối thủ có công nghệ trợ giúp. Xe buýt chưa chứng minh được điểm mạnh thì chưa thể thuyết phục được người sử dụng.
Đặc thù các đô thị lớn ở nước ta là có nhiều hẻm nhỏ. Muốn giúp người dân từ nhà trong các hẻm sâu ra trạm xe buýt nhanh hơn, cần có mạng lưới xe buýt chạy điện vừa và nhỏ (7 chỗ đến 16 chỗ).
Đầu tư hệ thống xe đạp cho thuê cũng là giải pháp không thể thiếu. Đi đôi với nó là ưu tiên bố trí ở các khu vực đông dân cư, cơ quan, trường học, khách du lịch.
Đặc biệt, có không gian dành riêng cho xe đạp như đường Trần Hưng Đạo (đoạn chạy qua Q.1) được hình thành từ thập niên 1990.
Người dân đi xe buýt đương nhiên sẽ đi bộ nhiều. Vì vậy, cần đảm bảo vỉa hè, lề đường thông thoáng, cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ tiếp tục xây dựng đáp ứng đủ nhu cầu.
Thật ra, tất cả đều không mới, vấn đề là có quyết tâm làm hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận