Một ca phẫu thuật đòi hỏi những cuộc hội ý nhanh trước và sau mổ, không chỉ đối với êkip tham gia mổ mà còn với cả người nhà bệnh nhân - Ảnh: Thuận Thắng |
Sau gần một năm, cơ quan điều tra mới kết luận nguyên nhân gây ra cái chết đau lòng của ba trẻ sơ sinh sau khi tiêm ngừa viêm gan siêu vi B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (Tuổi Trẻ ngày 23-5 đưa tin) là bị tiêm nhầm thuốc. Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong hàng ngàn sai sót thực hành y khoa diễn ra hằng ngày trên khắp thế giới từ mức độ nhẹ cho đến nặng.
Tai biến y khoa gây tử vong cao
Tuy không có con số thống kê chính thức những tai biến liên quan đến y khoa tại VN, nhưng riêng tại Mỹ sai sót trong thực hành y khoa cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tật của quốc gia. Một báo cáo gần đây của Viện Y học Mỹ cho thấy có từ 44.000 - 98.000 trường hợp tử vong trong bệnh viện mỗi năm do tai biến y khoa. Nhưng một số chuyên gia còn cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì có những trường hợp không được báo cáo đầy đủ. Điều này cũng có nghĩa con số tử vong này còn cao hơn tử vong do tai nạn xe hơi, do bệnh ung thư vú hay bệnh AIDS.
Sai sót trong y khoa được định nghĩa như là một biến cố xảy ra ngoài kế hoạch chăm sóc hoặc một kế hoạch chăm sóc sai đã được áp dụng ngay lần đầu tiên. Như vậy, đối với sự cố đáng tiếc xảy ra cho ba trẻ sơ sinh ở Quảng Trị vừa qua thuộc cả hai nhóm định nghĩa. Trong đó, biến cố trẻ bị tiêm nhầm thuốc giãn cơ dùng trong gây mê là nằm ngoài kế hoạch tiêm chủng văcxin. Và khi trẻ đã bị tím tái do suy hô hấp thì các bác sĩ có thể đã áp dụng sai kế hoạch chăm sóc hồi sức theo hướng sốc phản vệ thay vì phải hồi sức hô hấp tích cực cho trẻ. Sai sót trong thực hành có thể xảy ra khắp mọi nơi từ bệnh viện, phòng khám, phòng mạch, nhà thuốc hay ngay cả tại nhà bệnh nhân. Những sai sót này có thể liên quan đến thuốc, xét nghiệm, thiết bị, chẩn đoán hay phẫu thuật.
Phần lớn sai sót liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và đòi hỏi người thực hành y khoa phải thường xuyên thực hiện những quy trình an toàn như “3 kiểm tra, 5 đối chứng” hoặc bảng kiểm (check list) các bước thực hành... để đảm bảo không vấp phải sai lầm. Tuy nhiên, cũng có những lỗi xảy ra khi người tham gia điều trị thiếu giao tiếp với nhau theo kiểu “việc anh thì anh làm, việc tôi thì tôi làm” và bác sĩ thì thiếu giao tiếp với bệnh nhân.
Quy trình “time out”
Để giúp tránh được những sai lầm kiểu này, phần lớn bệnh viện tại Mỹ đều áp dụng quy trình “time out” để thông tin, không chỉ cho đồng nghiệp trong quá trình điều trị mà còn với bệnh nhân. Ví dụ, quy trình “time out” cho một bệnh nhi cần phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng Texas diễn ra rất chặt chẽ. Trước mổ sẽ là quá trình “time out” của bác sĩ phẫu thuật với thân nhân bệnh nhi để giải thích tình trạng bệnh và kế hoạch phẫu thuật, giữa bác sĩ gây mê với thân nhân để thông báo kế hoạch gây mê và giải thích những ảnh hưởng không mong muốn của gây mê lên bệnh nhi, giữa điều dưỡng phòng mổ và thân nhân để cam kết chăm sóc bệnh với tinh thần cao nhất.
Quy trình “time out” được xem là quan trọng nhất diễn ra trong vòng 3-5 phút ngay trước thời điểm bắt đầu rạch da giữa bác sĩ phẫu thuật chính với bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên phụ trách tuần hoàn ngoài cơ thể, bác sĩ siêu âm và điều dưỡng phòng mổ về kế hoạch, các thuốc sẽ sử dụng và dụng cụ cần thiết để đảm bảo chắc chắn cuộc mổ sẽ diễn ra chính xác và an toàn. Ngay sau cuộc mổ sẽ là “time out” giữa toàn bộ nhóm phẫu thuật với các bác sĩ hồi sức để thông báo diễn biến cuộc mổ và kết quả sửa chữa tổn thương để bác sĩ hồi sức có hướng điều trị tiếp. Cuối cùng luôn có “time out” với người nhà bệnh nhi để thông báo kết quả của cuộc mổ.
Với quy trình thông tin hai chiều chặt chẽ như vậy, chắc chắn sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc như việc cắt nhầm bàng quang hay những tranh cãi - kiện tụng do thiếu thông tin minh bạch giữa người chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân như trường hợp thông báo mổ viêm ruột thừa mà cắt buồng trứng hoại tử vừa qua.
Quy trình “time out” được xem là quan trọng nhất diễn ra trong vòng 3-5 phút ngay trước thời điểm bắt đầu rạch da giữa bác sĩ phẫu thuật chính với bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên phụ trách tuần hoàn ngoài cơ thể, bác sĩ siêu âm và điều dưỡng phòng mổ về kế hoạch, các thuốc sẽ sử dụng và dụng cụ cần thiết để đảm bảo chắc chắn cuộc mổ sẽ diễn ra chính xác và an toàn... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận