05/03/2014 19:45 GMT+7

Hạn chế khai thác nước ngầm sẽ được giảm giá nước

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Ông Bạch Vũ Hải, phó tổng giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) đã cho biết như vậy tại buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM với Ban quản lý khu công nghiệp – khu chế xuất (Hepza) về tình hình sử dụng nước ngầm tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP ngày 4-3.

4wu1csMO.jpgPhóng to
Một trạm nước giếng tư nhân trên địa bàn Q.8, TP.HCM xử lý nước chưa đảm bảo đã phải ngưng hoạt động - Ảnh: Quang Khải

Theo ông Hải đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm không được kiểm soát tại các khu chế xuất khu công nghiệp hiện nay, đồng thời thực hiện theo qui hoạch cấp nước đến năm 2025 - cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.

Hiện nay mức giá nước sạch cho đối tượng sản xuất là 9.600 đồng/m3 và kinh doanh dịch vụ là 16.900 đồng/m3. Đối với các khu công nghiệp, giá nước còn được chiết khấu 10% trên hóa đơn tiền nước.

Về mức giảm giá nước sạch cho các khu công nghiệp, ông Hải không nói cụ thể nhưng cho biết sẽ tiến hành làm việc bàn thảo cụ thể với từng khu công nghiệp một.

Ông Hải cũng cam kết sẽ cung cấp nước đầy đủ, chất lượng theo nhu cầu của các khu công nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp chưa được cấp nước máy như: Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, An Hạ…, ông Hải cho biết Sawaco đã có kế hoạch phát triển trong những tháng tới.

Trước đó, theo báo cáo hiện nay tình trạng khai thác nước ngầm tại các khu công nghiệp vẫn còn phổ biến dù nhiều khu công nghiệp đã được sử dụng nước của Sawaco.

Điều đáng nói là Hepza và Sở Tài nguyên môi trường không biết được con số xác thực các doanh nghiệp đang khai thác và sử dụng nước ngầm tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP là bao nhiêu.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, phó trưởng ban Hepza hiện có 5 khu công nghiệp là: Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Tân Phú Trung, Tây bắc Củ Chi và An Hạ sử dụng toàn bộ nước giếng khoan với lưu lượng 9.750-10.300m3/ngày và 7 khu công nghiệp khác sử dụng 2 nguồn nước (của Sawaco và giếng khoan).

Những con số trên bà Hạnh nắm được do các doanh nghiệp, còn đơn vị nào khai thác mà không báo lại thì chịu.

Bà Hạnh cũng cho rằng cơ quan cấp phép là Sở Tài nguyên môi trường cũng thông báo lại cho Hepza biết đơn vị nào được cấp nên khó khăn cho quá trình kiểm tra giám sát.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản lại cho rằng đã báo các đơn vị được cấp phép cho nhiều đơn vị quản lý hạ tầng khu công nghiệp.

Ngoài việc khai thác nước ngầm tràn lan, không được kiểm soát, nhiều đơn vị quản lý trực tiếp các khu công nghiệp cho rằng một trong những lý do nhiều đơn vị chỉ sử dụng nước ngầm, không sử dụng nước máy vì nước của Sawaco cung cấp giá cao, trong khi sử dụng nước giếng chỉ tốn tiền điện nên đề nghị Sawaco nên giảm giá nước.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế ngân sách HĐND TP cho rằng theo qui hoạch cấp nước từ nay đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt thì phải chấm dứt việc khai thác nước ngầm.

“Nhưng đến giờ vẫn chưa nắm được số liệu chính xác làm sao mà cấm? Công tác phối hợp, kiểm tra xử lý giữa các đơn vị còn thiếu chặt chẽ, thiếu sự quan tâm cần được chấn chỉnh trong thời gian tới. Việc cấm khai thác nước ngầm cần xây dựng lộ trình chặt chẽ và cụ thể. Trước khi cấm khai thác nước ngầm, Sawaco cần cung cấp nước đầy đủ và chất lượng cho các khu công nghiệp”, ông Lâm đề nghị.

Theo Hepza việc khai thác nước ngầm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giám sát nước thải đầu ra, gây lún sụt nền đất.

Theo ghi nhận tại khu công nghiệp Tân Tạo đa số diện tích sụt lún mức 0,6 mét, có chỗ lên đến 0,8 – 1mét. Khu công nghiệp Lê Minh Xuân cũng bị lún sụt từ 0,3-0,5 mét.

Việc lún sụt còn gây ảnh hưởng đến hệ thống cống thu gom nước thải, làm tăng nguy cơ ngấm nước thải ra môi trường.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên