28/06/2015 06:23 GMT+7

Hạn chế được bia, rượu và cấm hút thuốc lá

NGUYỄN BÍCH THỦY (28 tuổi)
NGUYỄN BÍCH THỦY (28 tuổi)

TTO - 20 năm tới, tôi chỉ mong Việt Nam bớt cảnh ăn nhậu, rượu chè và cấm hẳn việc hút thuốc lá.

Năm 2035, tôi kỳ vọng Việt Nam tuy có thể chưa giàu nhưng có thể tự hào là quốc gia mà người dân tiết chế trước bia rượu.

Thanh niên thay vì chiều chiều rủ nhau vào quán nhậu, tán nhảm trên trời dưới đất thì biết mua sách văn chương, kinh tế, rèn người về đọc; biết phụ giúp cha mẹ già, không còn cảnh chân nam đá chân chiêu, về đến nhà chỉ biết lăn ra ngủ.

Người có gia đình có thêm chút thời gian quan tâm hơn đến con cái, chỉ con học, tâm sự cùng con, đừng để con bơ vơ, cô đơn ngay khi vẫn còn đủ đầy cha mẹ.

Trên đường vì thế cũng ít tai nạn hơn, ít những cảnh gây gổ, đánh nhau, đua xe lạng lách do hơi men sai khiến; cảnh sát giao thông, bác sĩ cũng đỡ nhọc nhằn.

Hằng năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nói cho dễ hiểu, số người chết vì thuốc lá hằng năm bằng dân số một huyện, trong đó có những người hoàn toàn vô tội, phần lớn là trẻ em - những nạn nhân hút thuốc thụ động.

Năm 2035, tôi kỳ vọng Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sạch hoàn toàn khói thuốc lá. Không còn cảnh khói thuốc mịt mùng nơi công sở, bến xe, quán ăn, quán cà phê, nhà ở… hay thậm chí trên đường.

Không còn cảnh trẻ em sinh ra thấp còi, sức đề kháng yếu, viêm phổi liên miên; không còn cảnh phụ nữ bị những cơn ho, cơn đau đầu hành hạ hay thậm chí suy giảm khả năng sinh sản vì xung quanh họ là những người đàn ông hút thuốc.

Năm 2035, tôi kỳ vọng thế giới nhìn Việt Nam đầy khâm phục khi đã quyết liệt cấm hẳn thuốc lá trên dải đất hình chữ S, để một thế hệ công dân mới được sinh ra khỏe mạnh hơn, được sống trong bầu không khí trong lành hơn.

Để đạt tới kỳ vọng trên, tôi xin được đưa ra các giải pháp như sau:

1. Đối với việc hạn chế bia, rượu:

Thứ nhất, quy định chặt chẽ hơn và triển khai thực hiện hằng ngày, nghiêm túc việc kiểm tra nồng độ cồn người đi đường. Lực lượng kiểm tra, xử phạt được mở rộng, không chỉ cảnh sát giao thông mà còn cả công an phường, xã và lực lượng dân quân. Người có nồng độ cồn quá mức cho phép bên cạnh việc bị xử lý hành chính thì thông tin được báo về nơi cư trú, nơi làm việc.

Thứ hai, giáo dục về tác hại của bia, rượu từ trong nhà trường. Ngay từ khi là học sinh tiểu học, chương trình giáo dục công dân của các em cần được lồng ghép về tác hại của bia, rượu, để chính các em khi lớn lên biết đúng sai, tiết chế mình khi cần thiết. Ngoài ra, chính lứa tuổi măng non này có thể khuyên nhủ cha mẹ, ông bà dần thay đổi lối suy nghĩ cố hữu sai lầm như “nhậu tới bến”, “không say không về”…

Thứ ba, quy định về độ tuổi được sử dụng bia rượu. Hiện nay không hiếm hình ảnh các em mới 16, 17 tuổi ăn mặc sành điệu, thoải mái vào quán bar, gọi và uống những loại rượu, bia đắt tiền. Do đó, Chính phủ cần ban hành quy định độ tuổi được vào các nơi kinh doanh nhạy cảm và độ tuổi được sử dụng bia, rượu. Địa điểm kinh doanh nào vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Thứ tư, thay đổi hình thức tuyên truyền. Thay vì những câu khẩu hiệu khô cứng như “Đã uống rượu, bia không lái xe”, chúng ta cần hình thức quyết liệt hơn. Hình ảnh một chiếc xe máy vỡ nát, một chiếc mũ bảo hiểm tanh bành xin cứ phóng thật to mà treo ngay những đoạn tập trung nhiều quán nhậu kèm theo bên dưới là dòng ghi chú “ Cứ say đi, đó có thể là bạn”.

2. Đối với việc cấm hút thuốc lá:

Nhiều người có thể phản ứng, biện minh rằng ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá đang giúp chúng ta kiếm được bộn tiền, làm giàu cho quốc gia và nếu cấm thì hàng triệu người mất phương tiện sinh nhai. Xin thưa, nếu sự giàu có được đánh đổi bằng sức khỏe thì chúng ta chẳng khác con rắn tự nuốt đuôi, cứ tự ăn mình cho đến lúc chết mới hay.

Việc cấm hút thuốc lá nói riêng và cấm hút tất cả các loại thuốc có hại cho sức khỏe con người nói chung như thuốc lào, shisha, xì gà… trên toàn quốc không phải một sớm một chiều mà cần một lộ trình ít nhất 10 năm.

Thứ nhất, thu hẹp phạm vi được phép hút thuốc. Hiện nay người hút thuốc lá được hút ở những nơi pháp luật không cấm, tức là ngoại trừ công sở, trường học, bệnh viện...

Như vậy năm năm tới nên ban hành quy định “Chỉ được hút ở những nơi pháp luật cho phép” và trong vòng năm năm tiếp theo, thu hẹp dần những phạm vi được hút cho đến khi cấm hoàn toàn.

Thứ hai, dân chúng cần nhất việc nêu gương. Ngay từ bây giờ cần ban hành quy định “Đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì không hút thuốc”; tuyển dụng công chức vào làm trong bộ máy nhà nước thì một trong những điều kiện cần là “không hút thuốc”; bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội cũng tránh xa những vị hút thuốc vì đã làm người đại diện cho dân mà còn hút thì tuyên truyền mấy người dân cũng không nghe thấu.

Thứ ba, đánh thuế mạnh tay. Hiện nay một gói thuốc lá giá rẻ như một bó rau, con không có tiền mua sữa nhưng cha có tiền hút thuốc, giàu nghèo gì cũng có thể hút, như thế là không nên. Thiết nghĩ cứ đánh thuế thật cao, thật mạnh tay, giá một điếu thuốc tương đương một hộp sữa trẻ em ngoại nhập, ai còn hút chắc chỉ có đại gia buôn bán kim cương trở lên.

Thứ tư, quy định những nơi nào được bán thuốc lá và ai được mua thuốc lá. Hiện nay, thuốc lá được bán quá dễ dàng, đi đường nào cũng thấy tủ thuốc nho nhỏ, ai ghé mua cũng được. Như thế đã là báo động đỏ. Nhà nước cần quy định những địa điểm kinh doanh được phép bán thuốc lá với những tiêu chuẩn thật chặt chẽ, tiến tới giảm tối đa những nơi được bán thuốc lá. Thanh niên từ 20 tuổi trở lên mới được mua thuốc, do đó xuất trình chứng minh nhân dân khi mua là điều hoàn toàn cần thiết.

Thứ năm, phổ biến rộng rãi các biện pháp cai thuốc lá. Vào các khung giờ vàng thay vì chiếu liên miên các chương trình quảng cáo, thiết nghĩ đài truyền hình quốc gia nên dành thời lượng (dù chỉ một phút) cho việc tuyên truyền biện pháp cai thuốc lá. Kẹo cai thuốc, nước súc miệng cai thuốc…nên được đánh thuế 0% để ai cũng có thể mua dùng.

Người Việt Nam nếu muốn sẽ hoàn toàn đủ bản lĩnh để 20 năm tới trên toàn đất nước không còn khói thuốc lá và ít hẳn cảnh ăn nhậu. Nếu muốn thì phải làm, đã làm thì phải làm cho được.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

NGUYỄN BÍCH THỦY (28 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên