Trong đó, nhiều ý kiến phản hồi về Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) cho rằng việc lấy tiền ngân sách (trong đó có tiền đóng thuế của người dân) để bồi thường lỗi của những người tiến hành tố tụng đã gây ra là không đúng.
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Ly Gia Bao đề nghị: “Trong vụ án oan sai trên, phải bắt những cán bộ tòa án xử ông Chấn lấy tiền lương của mình ra để bồi thường cho ông, tuyệt đối không dùng tiền thuế của người dân. Làm như vậy mới giảm những vụ án oan sai như trên và sẽ chấm dứt được tình trạng “quýt làm cam chịu”".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cái chính của vấn đề không phải là lấy tiền từ đâu để đền bù cho án oan, mà quan trọng hơn cả là làm sao để hạn chế tối đa những oan sai để khỏi phải bồi thường đồng thời tránh tổn thất tiền của Nhà nước.
Đứng về quan điểm này, bạn đọc Lê Quang phân tích: Để xử lý vụ này đã có Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nghĩa là trước tiên Nhà nước bồi thường nếu có oan sai. Sau đó mới tính đến xử lý nội bộ xem ai làm sai.
Các hành vi sai trái của công chức được xử lý bằng luật khác nhưng chắc sẽ không có công chức nào (có sai sót trong vụ này) phải đền đủ 7,2 tỉ đồng cả, tựa như không bác sĩ nào - lỡ tay hoặc do kém trình độ - mổ chết bệnh nhân phải bị đền mạng.
Vì nếu vậy sẽ không có ai làm thẩm phán, kiểm sát viên, lái taxi, bác sĩ, phi công. Tất cả họ đều có tiềm năng gây chết người mà!”.
Đền bù tiền là rất cần thiết, nhưng nếu đền bù mà án oan vẫn không giảm thì phải làm sao? Đi vào giải pháp có lý có tình hơn, bạn đọc nickname Ta viết: “Nhà nước tạm ứng tiền để bồi thường cho ông Chấn, như vậy là rất trách nhiệm và phần nào cũng an ủi động viên ông tiếp tục cuộc sống, việc này cần khẩn trương lên. Sau đó, Nhà nước nghiêm khắc họp kiểm điểm xem ai chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm phụ, phải có biện pháp thu lại tiền trả Nhà nước. Ngoài ra các cá nhân này phải bị trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật nữa. Thế mới công bằng”.
Bạn đọc Nguyễn Nam bổ sung: “Tôi từng đi bộ đội, nếu một người làm sai, trước tiên người đó phải chịu, nhẹ thì một tiểu đội bị kỷ luật, nặng thì cả trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn... tùy theo mức độ sai phạm. Vụ việc này cũng nên xử như vậy mới mong giảm được án oan”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận