14/11/2015 08:24 GMT+7

Hai vụ 5.000 USD và phà Vàm Cống: đình chỉ lập tức 6 người

D.N.HÀ - GIA MINH - ĐỨC VỊNH
D.N.HÀ - GIA MINH - ĐỨC VỊNH

TT - Chiều 13-11, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà 
VÕ THỊ HIẾU HẠNH - phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM - về các nội dung có liên quan tới bài viết “Xin phép xây dựng, bị đòi 5.000 USD” (Tuổi Trẻ ngày 12-11).

Ông Thái Bình Quốc trả lời về việc ra giá, đòi tiền bà Phạm Ngọc Yến trong việc xin phép xây dựng - Ảnh: G.Minh

Đình chỉ nhân viên Thái Bình Quốc

Bà Hạnh cho biết: “Ngay sau khi bài báo được đăng tải, thực hiện ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP, Văn phòng đăng ký đất đai TP đã ra quyết định đình chỉ công việc đối với nhân viên Thái Bình Quốc - chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân - trong 30 ngày để làm rõ nội dung bài báo Tuổi Trẻ đã đăng”.

Bà Võ Thị Hiếu Hạnh Ảnh: HOÀI LINH
Bà Võ Thị Hiếu Hạnh - Ảnh: Hoài Linh

* Thưa bà, tới nay kết quả kiểm tra về trường hợp ông Quốc ra giá, đòi tiền chung chi để cấp giấy phép xây dựng như thế nào?

- Khi làm việc với thanh tra Q.Bình Tân, bước đầu ông Quốc thừa nhận có việc ra giá, đòi tiền người dân đúng như bài báo nêu. Tuy nhiên, vụ việc chỉ dừng lại ở mức ra giá, đòi tiền chứ chưa nhận tiền. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với UBND Q.Bình Tân tiếp tục làm rõ mức độ sai phạm của ông Quốc, sau khi có kết luận về mức độ, tính chất vi phạm tới đâu sẽ kỷ luật tới đó. Có thể sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với ông Quốc. Vụ việc cũng liên quan tới nhiều đơn vị khác, do đó cũng cần chờ kết luận của các đơn vị có liên quan mới có thể kết luận đầy đủ về vụ việc.

* Ông Quốc là người không liên quan tới quy trình cấp giấy phép xây dựng, tuy nhiên lại nắm rất rõ thông tin, can thiệp vào quy trình xử lý vụ việc (chuyển giấy mời tiếp dân của lãnh đạo quận cho bà Yến) và ra giá, đòi tiền. Bà giải thích chuyện này thế nào?

- Trước hết, cần khẳng định rõ việc cấp phép xây dựng không liên quan gì tới Văn phòng đăng ký đất đai. Ông Quốc là nhân viên hợp đồng của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân (được ký hợp đồng lao động từ năm 2013), nhiệm vụ chuyên môn là đo vẽ, do đó không có trách nhiệm gì trong việc cấp phép xây dựng cho bà Yến. Tuy nhiên, ông Quốc đã đứng ra làm “cò” hay sử dụng mối quan hệ cá nhân để làm việc chứ không liên quan tới chức năng, nhiệm vụ được giao. Dù là hành động của một cá nhân, không liên quan tới chuyên môn nghiệp vụ, nhưng việc làm của ông Quốc đã ảnh hưởng tới tổ chức nên chúng tôi đã đình chỉ công việc và đang làm rõ nội dung vi phạm để xử lý.

* Từ vụ của ông Quốc cho thấy pháp luật liên quan tới lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng còn rất nhiều kẽ hở. Vậy Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP làm gì để không xảy ra những trường hợp như ông Quốc?

- Quả thật pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà đất, cấp phép xây dựng hiện nay còn nhiều kẽ hở. Cùng một văn bản nhưng mỗi nơi hiểu mỗi khác, mỗi địa phương áp dụng cũng khác nhau.

Sau khi tập trung về một mối là Văn phòng đăng ký đất đai TP, các địa phương vẫn còn tình trạng mỗi nơi làm mỗi phách. Mục đích thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP là để làm tốt hơn, tập trung, thống nhất lại cách làm để làm sao giúp dân tốt hơn, không phải để làm khó dân. Do đó chúng tôi đang nghiên cứu, xây dựng một quy trình chuẩn mực để áp dụng trên toàn TP.

Chúng tôi đã có đề án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhân sự trình cấp có thẩm quyền để thực hiện chuyên môn hóa cao cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó cũng đào tạo lại, đào tạo bổ sung về cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn chính trị và đạo đức cho đội ngũ. Việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại nhân sự thời gian tới sẽ đảm bảo đồng bộ, thống nhất và không làm khó người dân.

* Vẫn là yếu tố con người. Theo bà, có giải pháp gì căn cơ hơn?

- Về lý thuyết thì cơ quan có đủ các bộ phận để thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc đào tạo về đạo đức, chính trị, tư tưởng cũng đầy đủ hết. Nhưng thực tế thì rất nan giải. Mức thu nhập hạn chế, số lượng công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp, trong khi quy định lại có nhiều kẽ hở khiến việc kiểm tra, giám sát từng cá nhân rất phức tạp. Việc quản lý con người từ thời điểm trước khi thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP là vấn đề đau đầu nhất khiến những người có trách nhiệm phải cân, đo, đong đếm hết sức kỹ lưỡng. Chúng tôi kiến nghị để làm sao thu nhập cố gắng đủ cho người lao động sống, còn “đủ” ở mức độ nào tôi không dám nói.

Trước đây các quận, huyện đã thành lập cơ sở dữ liệu ở từng địa phương nhưng chưa đầy đủ. Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất cơ sở dữ liệu, từ đó có thể thực hiện các bước liên thông với các cơ quan, đơn vị khác có liên quan. Việc liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu các bước phải hỏi ý kiến, trao đổi với các đơn vị khác, tránh gây phiền hà cho người dân.

Đình chỉ công tác 5 cán bộ bến phà Vàm Cống

Ngày 13-11, sau bài viết “Mãi lộ ở phà Vàm Cống” (Tuổi Trẻ 13-11), cụm phà Vàm Cống đã đình chỉ công tác năm cán bộ, nhân viên bến phà gồm các ông Nguyễn Văn Cần (bến trưởng), Lê Văn Trung (bến phó), Nguyễn Ngọc Thơ (tổ trưởng tổ thu phí) và hai nhân viên.

Ông Nguyễn Văn Cần, trưởng bến phà Vàm Cống, bị đình chỉ công tác và kiểm điểm trách nhiệm - Ảnh: Đ.Vịnh
Ông Nguyễn Văn Cần, trưởng bến phà Vàm Cống, bị đình chỉ công tác và kiểm điểm trách nhiệm - Ảnh: Đ.Vịnh

Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Thuận Phương - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - đã làm việc với lãnh đạo cụm phà và bến phà.

Biết nhưng... không làm gì được (!)

Trong cuộc họp, ông Phương cho rằng những thông tin về nạn mãi lộ ở  trên báo Tuổi Trẻ phản ánh là đúng sự thật, đúng nội dung và bản chất tình trạng tiêu cực vốn tồn tại từ lâu và “Cục Quản lý đường bộ 4 từng biết rõ”. “Việc mãi lộ, làm tiền nhà xe ở đây tồn tại nhiều năm, phải nói là được tổ chức bài bản và... khó phát hiện. Chúng tôi cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nỗ lực thâm nhập thực tế phát hiện, phơi bày rõ sự việc, giúp chúng tôi sớm chấn chỉnh” - ông Phương nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc cụm phà, cũng nhìn nhận chuyện tiêu cực ở bến phà nhưng mỗi lần tổ công tác ra bến kiểm tra đều bị biết trước nên... đành chịu. “Mình biết rõ nhưng không có bằng chứng thì không thể xử lý” - ông Hải nói.

Một nhân viên cho xe không thuộc diện ưu tiên qua làn ưu tiên để xuống phà sớm đã bị đình chỉ công tác ngày 13-11 - Ảnh: Đức Vịnh

Không còn dài cổ chờ phà

Trong ngày 13-11, ở đường xuống bến bên bờ Đồng Tháp đã sắp xếp lại làn xe xuống phà, bố trí chốt kiểm soát ngăn chặn phương tiện không thuộc diện ưu tiên chạy vào làn ưu tiên, giữ gìn trật tự. Đồng thời huy động thêm phà đưa rước lượng xe ở hai đầu bến. Nhờ vậy đã không còn cảnh hỗn loạn, giành nhau vào làn ưu tiên, xe cộ lần lượt xuống phà theo quy định, nhanh chóng. “Cánh tài xế xe khách chúng tôi rất mừng vì không còn bị những xe “mua bến” giành suất qua phà. Mong sao cứ duy trì được như vầy” - anh Nguyễn Văn Hòa, tài xế xe Phương Trang, nói.

Hành khách đi xe khách thường qua chung phà một lượt với xe sang bờ bên Long Xuyên (An Giang) không còn phải ngồi lê la bên lề đường dưới nắng nóng mong ngóng từng lượt phà để đón chờ xe. Bà Lý Thị Nhan - ngụ xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), bị bệnh mãn tính phải lên TP.HCM khám bệnh định kỳ - nói lâu nay qua phà thường ngồi chờ mất 1-2 giờ, hôm nay được qua phà mau chóng.

D.N.HÀ - GIA MINH - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên