Trưa 9-9, bà Hà vừa chợp mắt sau chuyến chạy hàng hộ chị gái. Sau khi mở mắt, bà cầm điện thoại thì thấy được hàng loạt tin kêu cứu của người đang trong vùng lũ và lời kêu gọi cứu trợ.
Hai vợ chồng già nhanh chóng vác thuyền SUP lên ô tô, áo phao, áo mưa, đèn pin… đến phường Túc Duyên cách đó vài km để cứu trợ cho người dân.
Lúc đầu, ông Hoài bảo vợ: "Có lẽ thôi em ạ. Vợ chồng mình có tuổi rồi. Không kham được đâu". Nghe vậy, bà thoáng buồn.
Bà chạy sang nhà bên, có mấy nam thanh niên đang ngồi chơi trong nhà, bèn hỏi: "Ở đây có ai muốn đi chèo SUP cứu người với cô không?".
"Các bạn đều bảo không biết chèo và khuyên tôi có tuổi nên ở nhà. Tôi tiu nghỉu trở về. Nhưng ở nhà không chịu được, nóng hết cả ruột trước cảnh người dân thiếu thốn, những lời kêu cứu cứ hiện ra…
Tôi ngồi im một lát rồi bảo chồng: "Anh à, em vẫn muốn đi. Đây là lúc họ cần tới mình nhất. Vợ chồng mình biết chèo thuyền, biết bơi. Già thì lượng sức để giúp người. Tránh không làm phiền hoặc thêm việc cho cơ quan chức năng là được. Em tự thấy mình làm tốt, nếu không đi em sẽ vô cùng áy náy"", bà nhớ lại.
Ông Hoài vốn tốt bụng và thương vợ nên vui vẻ chuẩn bị đồ. Thế là hai vợ chồng lên đường.
Vừa hạ thủy, có một thanh niên chạy lên xin đi cùng. Bà vừa đồng ý, vừa gọi khắp nơi tìm địa chỉ cần đến. Hai cô cháu lên đường. Còn ông Hoài cất xe rồi lên đường cùng nhóm khác. Cả buổi chiều lẫn tối, hai vợ chồng không gặp nhau.
Tại phường Túc Duyên, thuyền SUP của bà khi thì chở đồ ăn nước uống, khi thì chở người. Có lúc thuyền chở thêm cả ba người lớn, khá nặng và tròng trành.
"Nhiều khách ngồi sợ hãi ngả nghiêng vì sợ thuyền nhỏ bị ụp. Không hiểu sao lúc đó tôi chẳng thấy sợ như mọi khi, còn tự tin trấn an họ nữa. Lúc chèo về phía sông, nước chảy ngược khá xiết. Hai người cùng chèo mà ai cũng thấy mỏi tay. May ở giữa khu dân cư nên độ nguy hiểm không lớn", bà chia sẻ.
Trời tối dần, đèn pin để đầu thuyền, soi lấp lóa một vùng nước nhỏ trước mặt. Bà Hà định cho thuyền qua đó. Bà nhìn kỹ thì thấy mấy cây thập giá nhấp nhô. Thì ra hai cô cháu suýt vào một bãi tha ma giữa khu dân cư. Lúc khác thuyền đi trên tường rào mà cả hai cũng không phát hiện ra.
Bà nhớ lần chở một người phụ nữ về nhà vì chỉ có mẹ già, con nhỏ đang mong ngóng. Bà tưởng người phụ nữ này còn nhỏ tuổi, nhưng tới chỗ sáng mới biết người này ngang tuổi bà.
"Đêm tối chả nhìn được ai với ai. Thuyền tôi chui tận vào trong nhà, xuyên qua phòng khách, đến tận cầu thang đón người. Chúng tôi cứ vừa đi vừa gọi to hỏi xem ai cần thực phẩm hoặc hỗ trợ gì cứ như rao bán hàng rong. Hai cô cháu lúc đó chỉ nghĩ làm sao giúp được người đang bị kẹt, chả biết ngại là gì", bà nói.
"Mình trở ra là có tất cả. Còn họ cả ngày đã đói lả rồi. Khi chèo thuyền, tôi cảm nhận rất rõ tình người của các bạn trẻ. Nhiều bạn nam tuổi trên dưới 30, ai cũng đầy nhiệt huyết và đầy nhân ái.
Có bạn đang bị cúm A, người hơi choáng nhưng nghe ai cần, bạn rất nhiệt tình giúp. Lúc khác, tôi bảo: "Để cô chèo cho. Cháu hãy nghỉ một tí". Bạn ấy vẫn chèo trộm để hỗ trợ, còn khen tôi chèo khỏe: "Mấy chuyến liên tục mà cháu thấy cô vẫn đều tay"", bà kể.
Ông Hoài cho rằng công việc hai vợ chồng ông làm rất nhỏ bé, nhất là khi thiên tai địch họa. Ban đầu, các con ở nhà dù rất lo lắng nhưng luôn ủng hộ những việc làm mang tính tích cực của bố mẹ.
Theo ông, khi thiên tai, hãy chung tay giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn. Đừng sợ mình không làm được gì. Ai cũng có thế mạnh riêng của mình. Người yếu sức thì góp của, người mạnh khỏe góp công. Người đủ đầy thì góp cả công lẫn của.
"Ít, nhiều là tùy sức mình, tùy điều kiện. Thậm chí là lời động viên cũng không kém phần quan trọng. Trong đêm tối bao trùm, chả ai nhìn thấy ai nhưng các tiếng: "Có ai ở đó không?", "Chúc mọi người bình an nhé"… vẫn vang vọng trong các ngõ hẻm. Nhờ vậy, người dân không cảm thấy cô đơn trong mênh mông nước. Nguyện cầu bình an cho mọi người dân nơi mảnh đất thân thương này", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận