Trung tướng Trần Quang Phương (trái) gặp đại tướng Huốc Xiêng trên vùng đất xưa là Mặt trận 579 - Ảnh: B.D.
Tôi sống được tới ngày nay là nhờ hồng phúc của dân tộc mình. Nhưng bao nhiêu đồng đội tôi, trong đó có không biết bao nhiêu người còn rất trẻ từ phía Việt Nam đã ngã xuống.
Đại tướng Huốc Xiêng
Những ngày đầu tháng 8, có một cuộc hội ngộ đặc biệt của hai vị tướng Việt Nam và Campuchia diễn ra ở nơi từng là chiến địa ở tỉnh Stung Treng - Vương quốc Campuchia trong những năm đánh tàn quân Pol Pot: trung tướng Trần Quang Phương và đại tướng Huốc Xiêng.
"Không có các đồng chí, không có bộ đội Việt Nam thì chúng tôi sẽ không có ngày hôm nay" - đại tướng Huốc Xiêng, phó tư lệnh Lục quân kiêm tư lệnh Quân khu 1 Quân đội Hoàng gia Campuchia, xúc động khi gặp lại đồng đội cũ, trung tướng Trần Quang Phương - chính ủy Quân khu 5. Hôm nay, họ gặp nhau để đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu lưu niệm Bộ tư lệnh Mặt trận 579, công trình chung tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống.
Không nghĩ có ngày hồi sinh
Stung Treng bây giờ là đô thị sầm uất, những dãy nhà cao tầng bứt lên mạnh mẽ để thay thế những khu dân cư nghèo. Những con đường rộng kết nối chạy xuyên qua, làm vùng chiến địa năm xưa chuyển mình mạnh mẽ.
Huốc Xiêng - người lính chưa có quân hàm, cấp bậc ngày nào còn cầm súng cùng bộ đội Việt Nam tiêu diệt tàn quân Pol Pot - giờ đã là đại tướng, phó tư lệnh Lục quân kiêm tư lệnh Quân khu 1 Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Ông dẫn những người bạn cũ từ Việt Nam tới uống trà tại khu nhà khách khang trang mà Quân khu 5 Việt Nam vừa xây tặng.
"Ngay cả bản thân tôi cũng không nghĩ rằng hôm nay chúng ta có dịp ngồi với nhau ở đây. Mấy chục năm trước, khi tôi còn là lính cùng bộ đội Việt Nam tiến vào chỗ này, ngay vị trí chúng ta đang ngồi đây thì hàng ngàn đồng bào tôi đã bị giết".
Mẹ của tướng Huốc Xiêng mất khi ông mới được mấy tháng. Ông là đứa trẻ cơ cực, nghèo khổ và khát sữa như những số phận cơ cực của dân tộc Campuchia trong chiến tranh.
Tới năm 1975, khi ông vào lính thì cha ông cũng ngã xuống vì bệnh trong những ngày tháng sống dưới chế độ hà khắc của Pol Pot.
"Tôi cầm súng cùng đồng đội để giải phóng đất nước. Nhưng giai đoạn đó phía chúng tôi lực lượng rất yếu, trang bị yếu. Quân Pol Pot đi tới đâu thì dân thường ngã rạp xuống tới đó, tôi không thể tưởng tượng và phải diễn tả như thế nào, bởi mỗi lần nhắc lại tôi lại khóc" - đại tướng Huốc Xiêng kể với những người lính phía Việt Nam.
Ông nói rằng trong những năm chiến tranh, vùng Stung Treng và các tỉnh lân cận xác chết của lính, rồi dân thường chất thành từng đống: "Ở Stung Treng lúc đó xương nằm lổn ngổn ở khắp nơi, mấy căn nhà được cơi nới để chất xương người. Họ là những dân thường bị quân Pol Pot giết hại".
Kề vai sát cánh
Trung tướng Trần Quang Phương qua gặp tướng Huốc Xiêng ngoài thăm nom nhau, hỏi han sức khỏe của người lính trên cùng một mặt trận còn chở theo một câu chuyện đặc biệt mang tính biểu tượng cho tình nghĩa của những người lính, người dân hai nước: cùng nhau làm nghi lễ động thổ, xây dựng công trình chung tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trên Mặt trận 579.
Tướng Phương cho biết ngay khi Campuchia được giải phóng vào tháng 1-1979 thì từ đề nghị của phía Campuchia, nhiều đơn vị quân tình nguyện của Việt Nam đã lần lượt lên đường hành quân qua giúp bạn xây dựng chính quyền, thiết lập lại đất nước sau đống đổ nát, truy quét tàn quân Pol Pot.
Dù được hình thành sau ngày giải phóng nhưng cùng với các mặt trận khác dọc biên giới Campuchia - Việt Nam, Mặt trận 579 đã góp phần hồi sinh đất nước, giữ cho Campuchia ổn định để có ngày hôm nay.
Ông Huốc Xiêng kể rằng ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng, chế độ Pol Pot bị đánh đổ nhưng chiến tranh vẫn còn diễn ra rất ác liệt trên nhiều vùng, đặc biệt ở dọc các tuyến biên giới.
"Quân đội của chúng tôi lúc đó rất yếu. Khi đánh Pol Pot thì chúng tôi thậm chí 1 đánh 4. Rồi bộ đội Việt Nam qua, cùng cầm súng với chúng tôi. Đến cái ăn thậm chí người dân không có, nhưng lúc đó bộ đội Việt Nam cho, có gà thì cho gà, có gạo thì cho gạo. Kể cả lính như chúng tôi cũng được san sẻ từng cái áo, từng viên đạn" - tướng Huốc Xiêng nhớ lại.
Cùng gặp còn có trung tướng Sók Sen. Khi Mặt trận 579 được thành lập, Sók Sen là tham mưu trưởng Tỉnh đội Stung Treng, giờ đây ông đã là phó tư lệnh Quân khu 1, dưới quyền đại tướng Huốc Xiêng.
"Ngày đó bộ đội Việt Nam cùng đoàn chuyên gia của Mặt trận 579 giúp chúng tôi lương thực, quần áo, vũ khí. Stung Treng ngày ấy lành ít dữ nhiều, tàn quân Pol Pot rình rập ở khắp nơi, chúng tôi và lính tình nguyện Việt Nam hằng ngày vào làng đi truy quét, rồi vận động tàn quân ra đầu thú, xây dựng chính quyền. Khổ sở, khó khăn không lúc nào bằng" - trung tướng Sók Sen nhớ lại.
Cả tướng Sók Sen và tướng Huốc Xiêng đều mang thương tích. Đại tướng Huốc Xiêng cho biết ông từng hai lần chết hụt.
"Năm 1981, tôi đi xe lên tỉnh họp, khi trở về thì bị quân Pol Pot đánh mìn phục kích. Tôi bị thương rất nặng nhưng sống sót được. Một lần khác, khi chiến đấu cùng sư đoàn 35 thuộc Mặt trận 579 khu vực giáp biên giới Thái Lan thì anh em chúng tôi lại bị đánh úp.
Tôi sống được tới ngày nay là nhờ hồng phúc của dân tộc mình, nhưng bao nhiêu đồng đội tôi, trong đó có không biết bao nhiêu người còn rất trẻ từ phía Việt Nam đã ngã xuống" - đại tướng Huốc Xiêng xúc động.
Tưởng niệm những người lính ngã xuống
Các vị tướng lĩnh và sĩ quan thắp hương tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống
Sáng 4-8, trung tướng Trần Quang Phương - chính ủy Quân khu 5 - đã cùng đại tướng Huốc Xiêng - tư lệnh Quân khu 1 Quân đội Hoàng gia Campuchia - làm nghi thức rải hoa, té nước theo phong tục để đặt viên gạch đầu tiên xây dựng khu lưu niệm Bộ tư lệnh Mặt trận 579.
Công trình được đặt ngay trên khu đất từng là nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Mặt trận giai đoạn từ 1979-1989 trên đất bạn Campuchia.
Công trình sẽ là điểm đến của những người lính Việt Nam và Campuchia, tưởng nhớ về những xương máu mà quân hai nước đổ xuống trong những năm 1979-1989.
Mặt trận 579
Mặt trận 579 được thành lập vào năm 1979, ngay sau khi chế độ Pol Pot bị đánh đổ. Mặt trận ra đời với nhiệm vụ giúp Campuchia tái thiết đất nước sau chiến tranh, tiêu diệt tàn quân Pot Pot, xây dựng, củng cố chính quyền.
Suốt 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế (1979-1989), Mặt trận 579 dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã cùng phía Campuchia làm nên những thắng lợi to lớn, đập tan chế độ Pol Pot, giúp dân tộc Campuchia thực hiện cuộc hồi sinh vĩ đại.
Nói về tình nghĩa đặc biệt của quân tình nguyện Việt Nam, đại tướng Huốc Xiêng đã khóc: "Không lời nào để có thể kể hết, chỉ có ai kinh qua giai đoạn ấy mới thấy hết sự hi sinh vĩ đại và lớn lao của bộ đội Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận