08/02/2014 01:24 GMT+7

Hai vạn nông dân trước cơ hội đổi đời

Ông Nguyễn Đức Thuấn (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TBS)
Ông Nguyễn Đức Thuấn (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TBS)

TT - Sáng 7-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khởi công đồng loạt bốn nhà máy lớn tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, Kiên Giang), mở ra cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng chục ngàn nông dân địa phương.

TuvYBfrP.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút phát lệnh khởi công Nhà máy gỗ MDF Kiên Giang - Ảnh: N.Triều

Trong số bốn dự án vừa khởi công có một dự án của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) và ba dự án thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương. Xét về quy mô đầu tư, công suất sản xuất, nhu cầu lao động..., những dự án này được đánh giá thuộc nhóm đầu tại Kiên Giang.

“Ly nông bất ly hương”

" Với việc đầu tư nhà máy tại Kiên Giang, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần giúp địa phương tạo việc làm cho người dân tại chỗ mà không phải rời quê nhà, theo phương châm ly nông bất ly hương "

Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF Kiên Giang do VRG đầu tư có tổng vốn hơn 1.491 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng nhà máy là 1.360 tỉ đồng, còn lại đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 8,5ha với công suất chế biến 75.000m3 gỗ thành phẩm/năm (chiếm 50% sản lượng gỗ MDF cả nước), sử dụng công nghệ ép liên tục. Ông Trần Ngọc Thuận - tổng giám đốc VRG - cho biết đây là nhà máy chế biến gỗ MDF thứ ba của VRG trên cả nước và sử dụng nguyên liệu chính là cây tràm tại địa phương. Theo ông Thuận, khi đưa vào vận hành nhà máy sẽ giải quyết việc làm ổn định cho 300 công nhân tại nhà máy, 200 công nhân trồng, chăm sóc cây vùng nguyên liệu và nhiều lao động gián tiếp khác, mỗi năm sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 51 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy bia Sài Gòn Kiên Giang do Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (gọi tắt là Bia Sài Gòn) làm chủ đầu tư với tổng dự toán 600 tỉ đồng, quy mô gần 4ha với công suất 50 triệu lít bia/năm. Ông Phan Đăng Tuất - chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn - cho biết đây là một trong những dự án đầu tư trọng điểm của Bia Sài Gòn trên toàn quốc về lĩnh vực sản xuất bia trong năm 2014, phục vụ định hướng phát triển của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại khu vực miền Tây. Ông Tuất cũng cho hay Nhà máy bia Sài Gòn Kiên Giang sẽ sử dụng phần lớn lao động trực tiếp sản xuất, bán hàng, vận chuyển là người tại địa phương.

Trong khi đó, Nhà máy may Vinatex Kiên Giang do Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển Vinatex thuộc Tập đoàn Dệt may VN đầu tư có mức đầu tư 150 tỉ đồng, công suất mỗi năm trên 5,2 triệu sản phẩm áo veston và quần tây phục vụ xuất khẩu với tổng doanh thu ước đạt 200 tỉ đồng/năm. Trong năm thứ nhất, dự án sẽ đầu tư nhà máy may gồm tám chuyền veston và bảy chuyền quần tây, tạo ra 1.000 chỗ làm. Đến cuối năm thứ hai của dự án, quy mô được nâng lên 18 chuyền veston, 16 chuyền quần tây với tổng cộng 2.225 chỗ làm cho người lao động.

Riêng Nhà máy giày TBS Kiên Giang được Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS) đầu tư có tổng vốn dự kiến 1.200 tỉ đồng, tổng công suất 15 triệu đôi giày/năm. Đây là dự án có nhu cầu lao động lớn nhất với hơn 15.000 lao động. Ông Nguyễn Đức Thuấn - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TBS - cho biết khi đi vào sản xuất, nhà máy sẽ đảm bảo thu nhập bình quân cho công nhân không dưới 4-5 triệu đồng/tháng. Nói về nhu cầu nhân lực cho nhà máy sắp tới, ông Thuấn khẳng định doanh nghiệp chỉ lo thiếu lao động chứ không sợ thiếu đơn hàng. “Ngành da giày có nhu cầu lao động rất lớn, trong khi nhiều tỉnh miền Tây, trong đó có Kiên Giang, hiện nay nhiều lao động nông thôn rời quê lên TP.HCM hay các tỉnh có khu công nghiệp để làm việc. Với việc đầu tư nhà máy tại Kiên Giang, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần giúp địa phương tạo việc làm cho người dân tại chỗ mà không phải rời quê nhà, theo phương châm ly nông bất ly hương” - ông Thuấn nói.

Cơ hội để nông dân đổi đời

“Như báo cáo của chủ đầu tư, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Đây là cơ hội lớn để nông dân, nhất là nông dân nghèo, chuyển đổi cơ cấu việc làm thay vì chỉ trồng lúa với hiệu quả kinh tế thấp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khởi công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra con số phân tích là 49% lao động nước ta đang làm nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 19% GDP nên nông dân ta vẫn nghèo. Để giải quyết bài toán này, chỉ có cách phải đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. “Với việc khởi công bốn nhà máy hôm nay, tỉnh Kiên Giang đang đi đúng hướng. Tôi được biết Kiên Giang còn hơn 17.000 hộ nghèo, với bốn nhà máy này chúng ta sẽ có thêm 20.000 chỗ làm. Chỉ cần mỗi hộ nghèo có một thành viên được đào tạo nghề, được đi làm công nhân với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng mỗi tháng thì Kiên Giang sẽ hết hộ nghèo” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định.

Cũng tại lễ khởi công các dự án, ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết lãnh đạo địa phương đã nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tỉnh phát huy tiềm năng về quỹ đất, lợi thế về nguồn lao động dồi dào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình. Ông Thi khẳng định sẽ tạo điều kiện để các dự án được thi công đưa vào vận hành đúng tiến độ.

Thông xe tuyến tránh phà Tắc Cậu - Xẻo Rô

Sáng 7-2, tại chân cầu Cái Lớn (ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và cắt băng thông xe chính thức tuyến tránh phà Tắc Cậu - Xẻo Rô, trong đó có hai cầu lớn là cầu Cái Bé vượt sông Cái Bé và cầu Cái Lớn vượt sông Cái Lớn.

Đây là hợp phần quan trọng nhất thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam, đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Đức Thuấn (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TBS)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên