18/06/2013 10:04 GMT+7

Hai tượng cổ quay về Campuchia sau 40 năm

N.QUÂN
N.QUÂN

TT - Hai bức tượng cổ của Campuchia đã hồi cố hương ngay trong ngày khai mạc hội nghị toàn thể của Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).

poBE6pqV.jpgPhóng to
Một trong hai bức tượng mà Bảo tàng MET vừa trao trả cho Campuchia - Ảnh: MET
3jXgTLiX.jpgPhóng to
Thủ tướng Campuchia Hun Sen thể hiện lòng thành trước bức tượng cổ được Bảo tàng MET trao trả tối 16-6 - Ảnh: Reuters

Tối 16-6, buổi khai mạc hội nghị toàn thể của WHC tại Cung Hòa Bình ở Phnom Penh được đánh dấu bằng sự kiện bà Emily K.Rafferty, chủ tịch Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (MET) tại New York (Mỹ), trao lại cho Campuchia, nước chủ nhà hội nghị, hai bức tượng quý có từ thế kỷ thứ 10.

Bà Irina Bokova, tổng giám đốc UNESCO, hân hoan: “Việc tự nguyện trao trả hai bức tượng Khmer Pandava cho nhân dân Campuchia là một sự khích lệ cho tất cả chúng ta. Việc trao trả này minh chứng cho thái độ đạo đức đáng làm gương tốt cho các bảo tàng và các nhà sưu tập nghệ thuật khác. UNESCO cũng đã góp phần vào quá trình trao trả này mà tôi tin là sẽ được xem như một bước tiến trong việc tôn trọng và thông hiểu lẫn nhau”.

Tượng đá trên đất Mỹ

Hai bức tượng đá hình người quỳ gối này đã được trưng bày suốt 20 năm qua tại Bảo tàng MET ở New York. Nhìn hai bức tượng có nụ cười viên mãn này, người ta không thể không đau xót trước vết tích của các hành động đào bới và cướp bóc: những vết sứt mẻ còn đó khi chúng bị lấy đi cách đây đến 40 năm tại một ngôi đền trong rừng sâu của Campuchia và lưu lạc qua tay nhiều nhà sưu tập trước khi đến MET.

Ngày 3-5 vừa qua, Bảo tàng MET đã gây chấn động cho giới bảo tàng khắp nước Mỹ khi công bố ý định trả lại hai bức tượng quý giá này về cho Campuchia. Theo báo Libération, đó có lẽ vì muốn xóa đi hình ảnh của một nơi “trưng bày những hiện vật ăn cắp”. Trong thông cáo báo chí phát đi, Bảo tàng MET cho biết đã “có được những dữ liệu nghiên cứu mới” về hai bức tượng mà mình chưa hề biết khi có chúng cách đây 20 năm.

Thật ra, cách nay đúng một năm, chính quyền Campuchia đã phát đơn đòi MET trả lại những cổ vật của đất nước mình. Cuộc đấu tranh đó được tăng tốc cách đây vài tháng. Vào tháng 3 vừa qua, bà Sharon Cott, giám đốc pháp lý của MET, phải sang tận Phnom Penh để gặp quản đốc Bảo tàng Đông Nam Á là ông John Guy, người đã trưng ra những chứng cứ khó chối cãi: việc đào bới khảo cổ tại di chỉ Koh Ker đã tìm được hai bệ đá vốn là chân đế của hai tượng cổ đang nằm bên Mỹ.

Phía Bảo tàng MET nhún nhường cũng vì gặp sức ép tại Mỹ, nơi mà chính quyền ngày càng quyết tâm ngăn chặn nạn buôn lậu cổ vật. Vài tuần trước đó, vào ngày 27-2, hai thẩm phán Mỹ là Sharon Levin và Alexander Wilson cũng đã lặn lội từ New York sang tận khu khảo cổ Koh Ker ở miền bắc Campuchia để điều tra dựa trên việc xem xét các di vật khác từng được tìm thấy tại ngôi đền có tên gọi Prasat Chen. Họ đã có những bằng chứng khiến ban lãnh đạo Bảo tàng MET khó có thể từ chối trao trả cổ vật.

Ý thức toàn cầu

Bà Anne Lemaistre - người đại diện của UNESCO tại Phnom Penh và cũng là người đóng vai trò cố vấn kín đáo trong vụ đòi tượng cho Campuchia - khẳng định: “Nạn đào bới, trộm cắp cổ vật tại Campuchia trầm trọng tới mức chưa từng có trong lịch sử. Nó nảy sinh và phát triển từ cuối những năm 1960 và dường như không dừng lại”. Theo bà, các đoàn xe chở cổ vật, dường như được sự bảo vệ của giới quân sự, đã ùn ùn lên đường sang Thái Lan và từ đây cổ vật được đưa đến tay những nhà sưu tập giàu có của Âu-Mỹ. Bà giải thích: “Chúng tôi đã tìm thấy ảnh chụp của những tay buôn lậu đứng cạnh các bức phù điêu để mô tả kích cỡ các cổ vật đó. Nếu các nhà buôn đặt hàng thì những tay này sẽ tìm cách lấy phù điêu mang đi”.

Thật ra trong thời gian dài vừa qua, các nhà sưu tập, nhà buôn tác phẩm nghệ thuật đều quá rành nạn buôn lậu cổ vật này nhưng đều nhắm mắt làm ngơ. Mãi đến năm 2008, Hiệp hội các giám đốc bảo tàng Mỹ mới yêu cầu đặt ra quy định kiểm tra nguồn gốc cổ vật muốn mua hoặc đưa trưng bày. Họ thống nhất từ chối mọi cổ vật không có giấy tờ xuất khẩu hợp pháp, nhất là cổ vật được đưa khỏi nước sở tại từ năm 1970 là năm mà Công ước quốc tế của UNESCO chống nạn buôn lậu di sản văn hóa được áp dụng và trở thành cơ sở pháp lý.

Trong khi đó, chính quyền Phnom Penh cũng tỏ rõ ý thức bảo vệ di sản hơn. Các khu di tích cổ được bảo vệ an ninh tốt hơn. Với sự hỗ trợ của quốc tế, chính quyền Campuchia cũng đã chú tâm đào tạo cho các nhân viên hải quan và thành lập đội cảnh sát di sản. Dĩ nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn khi phải căng sức bảo vệ khoảng 3.000 địa điểm di tích rải rác khắp đất nước và đa số nằm ở những điểm hẻo lánh.

VN ứng cử vào WHC

Theo TTXVN, hội nghị lần này có sự tham dự của khoảng 1.300 đại biểu đến từ trên 120 quốc gia. Đoàn VN có đại diện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch; Ủy ban UNESCO các tỉnh có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh... Ông Nguyễn Quốc Hùng, cục phó Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết tại cuộc họp lần này VN sẽ ứng cử vào WHC.

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên