Trạm BOT Cam Thịnh là một trong những trạm BOT bị Tổng cục Đường bộ thông báo tạm dừng thu phí từ 18h ngày 10-7 nếu không ký lại phụ lục hợp đồng BOT để triển khai thu phí tự động - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Trước đó, Tổng cục Đường bộ có văn bản yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ II, III, IV phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư thực hiện tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ 4 dự án BOT kể từ 18h ngày 10-7 cho đến khi hoàn tất việc ký lại phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các dự án nói trên gồm: dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (trạm thu phí Bắc Hải Vân), dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1.488 - Km1.525 qua tỉnh Khánh Hòa (trạm Cam Thịnh Km1.517+ 647), dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (trạm thu phí tại Km2.079 + 535), dự án mở rộng quốc lộ 14 đoạn TP Pleiku đến Cầu 110 với 2 trạm thu phí tại Km1.610+800 và Km1.667+470.
Lý do Tổng cục Đường bộ ra thông báo không thực hiện "tối hậu thư" với 2 trạm thu phí thuộc dự án mở rộng quốc lộ 14 đoạn TP Pleiku đến Cầu 110 là do ngày 8-7, Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai - nhà đầu tư dự án - đã đàm phán và ký kết lại phụ lục hợp đồng về việc triển khai ETC với Bộ Giao thông vận tải tại 2 trạm thu phí nói trên.
Trước đó, sáng 8-7 Bộ Giao thông vận tải đã có cuộc làm việc với các nhà đầu tư BOT để nghe kiến nghị trong việc đàm phán phụ lục hợp đồng để triển khai ETC.
Trong những lý do đưa ra, các nhà đầu tư BOT tập trung vào lý do lớn nhất là trước đây họ đã ký phụ lục hợp đồng để nhà cung cấp dịch vụ ETC thực hiện thu phí tự động với mức phí đã được hai bên thống nhất.
Tuy nhiên, sau này Bộ Giao thông vận tải có quy định mới về tỉ lệ chi trả của nhà đầu tư BOT cho nhà cung cấp dịch vụ ETC cao hơn là bất hợp lý khiến họ muốn làm rõ để tiếp tục ký phụ lục hợp đồng mới.
Sau khi nghe kiến nghị của các nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ thống nhất tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, tiếp thu kiến nghị về một số vấn đề mà nhà đầu tư cho là vướng mắc. Trong đó có tỉ lệ trích lại từ doanh thu BOT cho nhà cung cấp dịch vụ ETC cần hài hòa lợi ích các bên.
Đồng thời, ông Thọ đề nghị Tổng cục Đường bộ rút lại thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT nếu không ký phụ lục thu phí tự động vào ngày 10-7.
Tuy nhiên, đến tối 8-7 Tổng cục Đường bộ có thông báo gửi cơ quan chức năng rút lại "dự lệnh" tạm dừng thu phí với với 2 trạm thu phí thuộc dự án mở rộng quốc lộ 14 của Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai.
Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 23-7-107 về triển khai ETC quy định:
Đối với các trạm thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31-12 -2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ ETC để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Đối với các trạm thu phí còn lại trên toàn quốc chậm nhất đến ngày 31-12-2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
*Dự án ETC giai đoạn 1 áp dụng cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh theo hình thức BOO (xây dựng- sở hữu - kinh doanh) có 44 trạm thu phí với 620 làn ETC.
Đến nay đã lắp đặt ETC ở 28 trạm với 115 làn ETC. Trong đó đã vận hành thương mại 27 trạm/111 làn (2-6 làn ETC/trạm); đang vận hành thử nghiệm 4 làn ETC.
Theo Bộ GTVT, đến ngày 5-7 các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. Tuy nhiên còn 4 nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT là Công ty cổ phần Phước Tượng - Phú Gia, Công ty TNHH đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh, Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai và Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận