Thiếu sách giáo khoa do địa phương chọn chậm
Liên quan đến việc thiếu sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay nguyên nhân một phần do các địa phương năm nay chọn sách chậm.
Bên cạnh đó, một phần chờ phê duyệt giá ở một vài địa phương. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt đầy đủ các loại sách.
Ông nói bộ đã nhiều lần làm việc với Nhà xuất bản Giáo Dục để cùng tháo gỡ khó khăn nội bộ, cùng với việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch.
Trước hết, sách các năm trước không phải sách mới, sách cho các lớp khác, đã chủ động in ấn trước và cơ bản đã hoàn thành.
Riêng sách dành cho lớp 4, 8, 11 đều là sách mới, Thứ trưởng Sơn thông tin đến nay đã tổ chức mở thầu việc in gần 80% số sách, còn khoảng 20% trên cơ sở các địa phương đã báo về đầy đủ để Nhà xuất bản Giáo Dục lên kế hoạch tổ chức in.
Trong tháng 6 sẽ in đủ 80% và tiếp tục sẽ in hoàn thành để kịp cho năm học mới, đủ sách cho các khối lớp 4, 8, 11. Như vậy sẽ hoàn thành đủ sách cho phổ thông.
Giải pháp nào giải quyết thiếu thuốc hiếm, vắc xin?
Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Ví dụ các thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cuộc chiến tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu với một số thuốc như Albumin, Globulin (hầu như nước nào cũng thiếu).
Để đảm bảo nguồn cung về thuốc, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết 80, trong đó cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31-12-2024.
Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm, với số mới được cấp thêm này, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại.
Do vậy hiện đã cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.
Về các giải pháp trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt thuốc hiếm, bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi để tháo gỡ.
Ngoài ra, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai dự kiến hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
"Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp", bà Hương nói.
Về vấn đề vắc xin tiêm chủng mở rộng, bà Hương cho hay bộ đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện mua vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng và trình Chính phủ tờ trình cùng dự thảo nghị quyết về nội dung này.
Bộ Y tế đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã tổng hợp đủ nhu cầu vắc xin của 63 tỉnh thành và đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vắc xin sẵn sàng các công việc theo quy định. Hiện bộ và các bộ ngành đang triển khai quyết liệt để bảo đảm đủ cung ứng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận