Áp phích cầu chúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 diễn ra thành công treo tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Bảy thập kỷ chia cắt đã biến vấn đề tái thống nhất Triều Tiên vào thời điểm này ở Hàn Quốc không còn giống như những gì người ta đã từng nhìn nhận về nó, đặc biệt trong những người trẻ.
"Không giống như những người từ 60 tuổi trở lên ở Hàn Quốc vốn vẫn còn chia sẻ cái gọi là bản sắc dân tộc với miền bắc, nhiều người trẻ Hàn Quốc xem Triều Tiên như người xa lạ, thậm chí kẻ thù", một nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) công bố hồi tuần rồi nhận định.
Những người trong độ tuổi đôi mươi ở Hàn Quốc, thế hệ lớn lên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đã không còn xem việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên là vấn đề cấp bách.
Những động thái kể từ đầu năm 2018 đến nay của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gây ra sự chia rẽ và nghịch lý trong dư luận Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 3-2018 cho thấy 81% người Hàn Quốc ủng hộ tổ chức thượng đỉnh liên Triều.
Tuy nhiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa từ ngày 21-4, lại có tới 70% người Hàn Quốc được hỏi khẳng định không tin Triều Tiên đủ chân thành để giữ lời hứa.
Bảy thập kỷ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên - Clip: TTO
"Luôn có một ám ảnh đeo bám mỗi khi Hàn Quốc đàm phán với Triều Tiên, đó là Bình Nhưỡng sẽ đâm sau lưng Seoul một lần nữa" - ông Choi Hae Pyeong, một doanh nhân đến từ Seoul (Hàn Quốc) nói với báo New York Times ngày 24-4.
Ông Kim Chang Guk, 73 tuổi, người đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối tổ chức thượng đỉnh liên Triều ở Seoul, cũng không tin ông Kim Jong Un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Người Triều Tiên đang dựng lên vở kịch này để câu giờ và nới lỏng các biện pháp trừng phạt", người đàn ông cao tuổi nhận định.
Với cuộc gặp ngày mai (27-4), ông Kim Jong Un sẽ trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên bước qua ranh giới, tiến vào Hàn Quốc kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người sẽ gặp ông Kim trong một tòa nhà tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào sáng mai (27-4), chỉ có giải pháp hòa bình mới có thể mang lại nền hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo Triều Tiên.
"Chúng ta đang ở ngã tư đường, nơi vấn đề phi hạt nhân hóa và nền hòa bình vĩnh viễn sẽ được quyết định bởi các giải pháp hòa bình, không phải quân sự", tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh hôm 23-4.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang đứng trước cơ hội lịch sử trong tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Một người thuộc trường phái tự do cấp tiến ở Hàn Quốc như ông Moon hiểu rõ sức nặng của liên minh quân sự Mỹ-Hàn như những người thuộc phe bảo thủ vẫn hay lập luận. Nhưng hơn ai hết, ông Moon là người muốn Seoul ngồi ở vị trí cầm lái trong các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên.
Nhưng nói như báo New York Times, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đủ năng lực để nhận ra rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể là chuyện riêng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Điều tốt nhất mà tổng thống Moon có thể làm, như ông nói, là trở thành "người dẫn dắt" giúp Mỹ và Triều Tiên đạt tới một thỏa thuận toàn diện "bán vũ khí hạt nhân, mua đảm bảo an ninh" giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Tổng thống Moon dự kiến sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump sau thượng đỉnh liên Triều nhưng chưa gút thời gian và địa điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận