TTCT - Hàng loạt nước châu Á đã ban bố các quy định và luật lệ siết chặt hơn việc kiểm soát thông tin trên mạng khi tình trạng tin giả lan tràn đang ngày càng nguy hại, nhưng ở góc kia của cuộc chiến chống tin giả là quyền tự do ngôn luận cùng những lợi ích mà Internet và mạng xã hội có thể đem lại cho quảng đại quần chúng. Ở Indonesia, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã tổ chức các cuộc họp báo hằng tuần về “tin tức hoang báo” (hoax news) và tiến hành nhiều vụ bắt giữ với những kẻ gieo rắc thông tin sai lạc, sau khi các nhóm Hồi giáo cực đoan tìm cách kích động căng thẳng sắc tộc và nhắm vào những người chỉ trích đạo Hồi.Ở Malaysia, cựu thủ tướng Najib Razak thông qua đạo luật “chống tin giả” một tháng trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2018, đạo luật sau đó đã bị chính quyền mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad vô hiệu. Trước khi trở lại nắm quyền, chính ông Mahathir đã là đối tượng bị điều tra theo luật chống tin giả này.Tại Philippines, Thượng viện từng thảo luận một dự luật hình sự hóa việc gieo rắc tin giả vào năm 2018, nhắm tới các quan chức chính phủ cố tình phát tán thông tin sai lạc, nhưng đề xuất sau đó bị bác.Campuchia vào tháng 3-2019 cũng đang cân nhắc một luật chống tin giả mới tăng cường cho luật đã được thông qua, quy định những ai đăng tải thông tin sai lạc trên mạng xã hội hay Internet có thể bị phạt tới 2 năm tù và 1.000 USD.Tranh luận gay gắtNhưng có lẽ gây chú ý nhất là luật chống tin giả được thông qua ở Singapore vào tháng 5-2019. Luật này quy định hình phạt lên tới 10 năm tù giam và 1 triệu SGD (gần 740.000 USD) với những trường hợp “tin tức hoang báo” nghiêm trọng.Luật cũng nói nhà chức trách sẽ có hành động pháp lý với “những tin tức giả mạo cố ý trên mạng” đáp ứng hai tiêu chí: lan truyền thông tin không đúng và việc lan truyền đó gây hại cho lợi ích cộng đồng.Như một ví dụ, Bộ Tư pháp Singapore nói tuyên bố sai lạc rằng chính quyền đã tuyên chiến với các nước láng giềng là loại tin giả sẽ bị xử lý hình sự. Đón trước những chỉ trích, Bộ Tư pháp Singapore cũng nói đạo luật không nhắm vào các hình thức bộc lộ ý kiến cá nhân, phê bình chỉ trích, châm biếm hay giễu nhại.Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói các biện pháp đạo luật đưa ra là cần thiết để bảo vệ thành bang đa sắc tộc này, ngăn ngừa những “lằn ranh nhạy cảm vốn đã lâu dài” của Singapore bị “khai thác”. “Nếu chúng ta không bảo vệ chính mình, các thế lực thù địch sẽ tìm một vấn đề đơn giản để đẩy những nhóm khác biệt vào thế đối đầu nhau và gây ra mất trật tự cho xã hội chúng ta” - báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Lý.Chính quyền Singapore cũng nằm trong số các quốc gia châu Á chỉ trích Facebook gay gắt nhất về vai trò của mạng xã hội này trong việc phát tán tin giả.Trong một phiên điều trần công khai năm 2018, ông Kasiviswanathan Shanmugam, chính trị gia đầy quyền lực của Singapore kiêm cả hai chức bộ trưởng ở Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa, đã công khai nghi vấn việc Facebook đủ sức tự quản nền tảng của mình (bất chấp thực tế tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này đặt tổng hành dinh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore và đang xây dựng một trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỉ USD ở nước này).Cả Facebook và Google đều đã nhanh chóng lên tiếng về đạo luật mới ở Singapore, cho rằng đạo luật được thông qua “vội vàng” và trao cho chính quyền “quá nhiều quyền lực trong việc xác quyết tin tức nào là đúng hay sai”.Từ góc độ pháp lý, Ian Chong, nhà khoa học chính trị ở Singapore, nói với trang tin Đài truyền hình Đức DW rằng quan ngại chính của ông là định nghĩa mơ hồ về tin giả cũng như điều gì được xác định là “xâm hại lợi ích cộng đồng”. “Chính quyền đã đảm bảo rằng phạm vi điều chỉnh của luật sẽ không quá rộng và mơ hồ, sẽ có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể - ông Chong nói - Nhưng chưa ai thấy văn bản pháp lý nào như thế”.Trong khi tin rằng quản lý mạng xã hội là cần thiết, ông Chong nghi ngờ hiệu quả của đạo luật. Các chiến dịch xuyên tạc thông tin thường diễn ra ở quy mô lớn và có xu hướng được tổ chức bởi các tổ chức chặt chẽ với túi tiền sâu và nguồn lực lớn. “Luật này có thể làm được gì, nhất là nếu tổ chức đó không có sự hiện diện pháp lý ở đây... Luật này, bởi thế, chủ yếu chỉ nhắm vào các cá nhân, vốn thực ra không phải là mối quan ngại lớn vì họ không có khả năng và nguồn lực để tạo ra một hiệu ứng hàng loạt” - ông Chong phân tích.Chủ tịch Đảng Công nhân Singapore (đảng đối lập trong Quốc hội nước này, hiện chỉ có 9/101 ghế, bao gồm 3 ghế chỉ định) Pritam Singh nói đạo luật không khác gì một “lưỡi gươm Damocles” treo trên đầu những người chỉ trích chính quyền.“Tất cả nghị sĩ của Đảng Công nhân sẽ lên tiếng chống lại đạo luật này - ông Pritam nói khi đạo luật còn chưa được thông qua - Trước hết, chúng tôi không đồng ý với việc phía hành pháp sẽ quyết định đầu tiên về những vấn đề liên quan tới thông tin giả mạo”, bởi chính cơ quan hành pháp cũng có thể sẽ tung ra thông tin bị bóp méo phục vụ cho họ.Ngoài ra, ông Pritam quan ngại đạo luật sẽ được dùng để nhắm vào những người đối lập: “Đó là một lưỡi gươm Damocles treo trên đầu những công dân không ủng hộ quan điểm hay chính sách của chính quyền”. Tự do ngôn luận đặc thù SingaporeTừ phía giới học thuật, 80 học giả trên toàn thế giới thuộc các đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hong Kong và cả Trung Quốc... đã ký vào một lá thư gửi cho chính quyền Singapore bày tỏ lo ngại đạo luật mới có thể đe dọa tự do học thuật.Lá thư được công bố với đại chúng ngày 11-4-2019 viết: “Đạo luật này có thể tạo ra những tiền lệ tiêu cực, với tác động lan tỏa ra giới học thuật toàn cầu”. Các học giả này lưu ý công việc của giới học thuật chủ yếu tập trung vào việc tranh biện với những “sự thật” có vẻ đã rõ ràng, nhưng sẽ được xác nhận hay phải bác bỏ thông qua nghiên cứu và đánh giá lại không ngừng khi có thêm thông tin mới. “Vì vậy, với nhiều hiện tượng, không thể nào khẳng định chắc chắn “sự thật” duy nhất là gì” - lá thư viết.Tuy nhiên, ông Shanmugam nói các học giả ký lá thư có vẻ đã “không hiểu gì về lập trường pháp lý hiện tại” của Singapore. “Tự do ngôn luận sẽ không hề bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang nói tới những thông tin sai lạc, những con bot gieo rắc tin giả, kích động, các tài khoản mạo danh và những thứ tương tự - ông bộ trưởng giải thích - Một xã hội dân chủ vận hành được đòi hỏi các thành viên xã hội đó được thông tin chính xác và không bị thông tin sai lạc”.Ngoài việc giải thích, chính quyền cũng hướng mũi dùi vào các tập đoàn công nghệ. Người phó của ông Shanmugam ở Bộ Tư pháp, Edwin Tong, đáp trả với một bài bình luận gay gắt trên tờ báo lớn nhất nước The Straits Times.Trong đó, ông Tong chỉ đích danh Liên minh Internet châu Á - một nhóm vận động hành lang đại diện cho các công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm Google, Facebook và Twitter - đã lấy tự do ngôn luận làm bình phong “để bảo vệ lợi ích thương mại của các công ty công nghệ lớn” qua chiến dịch tấn công đạo luật. “Như thể những con bot, những kẻ kích động và những tài khoản giả mạo đều có quyền tự do ngôn luận vậy (dù những thứ đó quả thật có kiếm được tiền cho các công ty công nghệ lớn)” - viên thứ trưởng tư pháp viết.Ảnh: Dan BejarNhiều người dân Singapore cũng bày tỏ ủng hộ một đạo luật mạnh mẽ, miễn là nó được thực thi với quy trình tố tụng tư pháp công bằng. “Dân Singapore không lạ với những điều luật mạnh tay cùng ý tưởng đặc thù về tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến - Eugene Tan, giáo sư luật ở Đại học Quản trị Singapore, nói trên trang Al Jazeera - Mức độ nhận thức về những mối đe dọa của tin tức giả mạo ở Singapore cũng cao và người dân nhạy cảm với nhu cầu cần có các biện pháp chế tài mà đạo luật này đề xuất. Tôi nghĩ rằng người Singapore thà là có một chính quyền có khả năng hành động cương quyết và nhanh chóng chống lại các nội dung gây hại trên rất nhiều nền tảng xã hội khác nhau”.Công ty nghiên cứu thị trường YouGov ngày 22-5, hai tuần sau khi dự luật được thông qua, đã công bố các kết quả thăm dò cho thấy hơn một nửa người dân ở Singapore, 55%, ủng hộ luật mới, trong khi chỉ 18% phản đối.Cuộc thăm dò được thực hiện với một mẫu 1.036 người Singapore. 25% những người tham gia nói họ không chống, cũng không ủng hộ đạo luật và tỉ lệ nữ giới ủng hộ đạo luật (62%) nhiều hơn so với nam giới (47%).Tuy nhiên, YouGov cũng lưu ý rằng ý thức về dự luật là không cao. Bất chấp việc xuất hiện rất nhiều tin tức và trên các diễn đàn tranh luận công khai, chỉ hơn một nửa dân chúng ở Singapore (52%) có nghe nói tới dự luật, tức ít ra là gần một nửa các công dân của đảo quốc giàu có và dân trí cực cao này về cơ bản không quan tâm tới cuộc tranh luận. ■Sau rất nhiều chỉ trích, các công ty công nghệ lớn đã bắt đầu có những giải pháp đối phó với tin giả như treo tài khoản, không trả tiền cho các nội dung quảng cáo trên tin giả, cảnh báo, hợp tác với giới nghiên cứu để kiểm tra dữ kiện... nhưng các động thái này nhìn chung còn ít ỏi và chậm chạp. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong mùa bầu cử vừa rồi, Facebook đã có riêng các đội lọc tin giả phụ trách bầu cử hoạt động ở Úc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Nhưng với gần 1 tỉ người dùng trong khu vực này, nhiều chuyên gia nói là vị thần đã bị thả ra khỏi chai, tức chính Facebook giờ cũng không kiểm soát được tin giả nữa, ngay cả nếu họ thực sự muốn làm thế. Tags: An ninh mạngTự do ngôn luậnChống tin giảTin giảFake news
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.