Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngày 28-9, tại khu vực giữa hai ga Lăng Cô - Thừa Lưu đã xảy ra vụ trật bánh hai tàu hàng H16 và tàu AH1. Theo biên bản hiện trường, vụ trật bánh xảy ra khi thời tiết khô ráo, không mưa, tầm nhìn tốt.
Đường sắt Bình Trị Thiên phải khắc phục thiệt hại do trật bánh gây ra
Sau khi nhận được thông tin, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo Chi nhánh khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, tập hợp hồ sơ, phân tích tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm vụ tai nạn.
Theo kết quả phân tích, nguyên nhân xảy ra hai vụ tai nạn là do Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; thiết kế siêu cao vượt quá tiêu chuẩn.
Phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản (ray P50) và ray chống trật bánh (ray P43 cũ sử dụng lại) không đúng, khe hở ray chống trật bánh lớn quá quy định. Mặt đỉnh ray chống trật bánh so với mặt đỉnh ray cơ bản thấp quá quy định dẫn đến bánh xe vẫn leo lên ray gây trật bánh.
Trách nhiệm vụ việc này thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên (đơn vị thi công).
Các đơn vị liên đới trách nhiệm gồm Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Đăng Minh (tư vấn thiết kế), Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (đại diện chủ đầu tư), Phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 2 (tư vấn giám sát), Ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (thẩm định duyệt hồ sơ thiết kế dự án).
Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên chịu trách nhiệm khắc phục thiệt hại do các vụ tai nạn gây ra.
Báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm trước ngày 20-10
Về xử lý và biện pháp khắc phục, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức phân tích, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn. Bao gồm xử lý trách nhiệm liên đới đối với các cán bộ phụ trách.
Thông báo nội dung phân tích kỹ thuật, xử lý trách nhiệm rộng rãi trong toàn doanh nghiệp để làm bài học rút kinh nghiệm, tránh tái diễn. Kết quả xử lý báo cáo về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 20-10.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trong bài "Cung đường trật bánh ở Thừa Thiên Huế: Do đường ray hay... toa xe?", chỉ trong vòng hơn hai tháng có tới sáu vụ tàu trật bánh tại đoạn đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, sáu vị trí tàu trật bánh có khoảng cách chỉ khoảng 30km, có những vị trí trật bánh nằm cách nhau không xa.
Bốn sự cố trật bánh của tàu SE11 xảy ra ngày 28-7, tàu SE2 xảy ra ngày 7-8 và ngày 31-8, tàu SE6 xảy ra ngày 15-9 được ngành đường sắt kết luận phần lớn do lỗi của toa xe hoặc lỗi cộng hưởng.
Theo một chuyên gia đường sắt, việc xảy ra sáu vụ tàu trật bánh tại cùng một địa bàn trong thời gian ngắn như trên là chuyện hiếm xảy ra ở đường sắt từ trước tới nay. Vì vậy, cần thiết phải có cơ quan điều tra sự độc lập vào phân tích để đánh giá nguyên nhân một cách toàn diện hiện tượng này.
Tổ công tác túc trực theo dõi vị trí trật bánh một tháng
Ngay sau vụ hai tàu hàng cùng trật bánh trong ngày 28-9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập tổ công tác kiểm tra hiện trường do phó tổng giám đốc Trần Anh Tuấn là tổ trưởng. Tổ công tác được giao trách nhiệm phải đảm bảo có mặt trong vòng một tháng tại hiện trường để xử lý, chỉ đạo khắc phục dứt điểm, đảm bảo tuyệt đối cho an toàn chạy tàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận