30/12/2021 09:10 GMT+7

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 4: Đầu lâu, xương chéo thay bằng súng AK

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Những tên hải tặc hiện đại đã cất lá cờ đen đầu lâu xương chéo và những chiến thuyền lớn vào ký ức. Súng AK và những xuồng cao tốc cỡ nhỏ trở thành các dấu hiệu đặc trưng của cướp biển thời đại mới.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 4: Đầu lâu, xương chéo thay bằng súng AK - Ảnh 1.

Thủy thủ đoàn của tàu Faina tập trung trên boong ngày 3-10-2008 để trực thăng xác định liệu tất cả có an toàn sau hơn 1 tuần trong tay cướp biển - Ảnh: Hải quân Mỹ

Cướp cả tàu chở xe tăng

Tháng 11-2008, một siêu tàu chở dầu của Saudi Arabia, chiếc Sirius Star, bị cướp biển Somalia tấn công và chỉ được tự do sau khi tiền chuộc 3 triệu USD được thả từ máy bay xuống boong tàu. Sự việc gây xôn xao khi bọn cướp biển nhắm vào Saudi Arabia, một quốc gia có thế lực tại vùng Vịnh. Tuy nhiên nó không gây nhiều lo lắng bằng vụ hải tặc tấn công tàu chở vũ khí Faina của Ukraine xảy ra vào tháng 9 cùng năm 2008.

Mohamed Garfanji, trùm cướp biển Somalia đứng sau vụ việc, có lẽ bất ngờ khi phát hiện 33 xe tăng T-72 cùng hàng trăm khẩu súng phóng lựu và đạn dược đi kèm trên tàu Faina khi hay tin vào ngày 25-9. 

Con tàu bị bắt ngoài khơi Somalia trong hải trình từ Ukraine đến Kenya, buộc Chính phủ Kenya phải lên tiếng xác nhận họ là chủ nhân lô hàng. Tuy nhiên điều này không dập tắt được lo lắng của cộng đồng quốc tế rằng số vũ khí này sẽ rơi vào tay phiến quân và tệ hơn nữa là khủng bố. 

Tàu chiến hải quân Mỹ và Nga gần khu vực đã phản ứng rất nhanh sau sự việc và đuổi kịp con tàu bị cướp trước khi để mất dấu. Tàu khu trục USS Howard của Mỹ và hộ vệ hạm tên lửa Neustrashimy của Nga đã bám sát tàu Faina, theo đến tận sào huyệt của bọn cướp ở Hinbarwaqo. Tuy nhiên hai tàu này không tấn công vì lo sợ cho tính mạng của thủy thủ đoàn và việc bọn cướp đang "ngồi" trên một kho vũ khí lớn.

Garfanji là một tướng cướp mưu mẹo và biết trong tay gã đang có thứ gì. Nhóm cướp biển lập tức đòi tiền chuộc 35 triệu USD đồng thời bắn đi tín hiệu chúng sẽ cho nổ tung con tàu nếu không được đáp ứng. 

Trong vòng một tuần sau vụ bắt giữ, USS Howard và hộ vệ hạm Neustrashimy được tăng viện thêm bốn tàu sau khi phát hiện dấu hiệu cướp biển chuẩn bị bốc dỡ vũ khí trên tàu để chuyển lên bờ tẩu tán. 

Sáu tàu này liên tục giám sát, bao vây tàu Faina để ngăn cướp biển thực hiện ý định. Trực thăng liên tục quần thảo trên tàu Faina để xác định tình trạng con tàu và thủy thủ đoàn, thu thập bằng chứng về bọn cướp biển.

Bọn cướp ban đầu nhất quyết với số tiền 35 triệu USD nhưng sau đó lần lượt giảm xuống còn 20 triệu, 8 triệu rồi 5 triệu USD. Nhu yếu phẩm cho con tin và nhiên liệu để chạy máy phát điện được các tàu chiến chuyển lên tàu Faina trong lúc các nhà đàm phán điều đình với cướp biển số tiền chuộc. Trong thời gian hai bên giằng co, nhóm thủy thủ đoàn đã nổi dậy chống lại bọn cướp biển nhưng thất bại. 

Theo Hãng thông tấn AFP, đây là tin vịt do Garfanji tung ra nhằm đánh lạc hướng chuyện ít nhất hai tên cướp bị hải quân Mỹ tóm khi đang rời tàu để vào bờ. Trước đó nhóm tàu chiến Mỹ và Nga đã cảnh báo hải tặc không được phép rời tàu vào bờ vì lo sợ chúng sẽ cố gắng tuồn vũ khí từ tàu Faina.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 4: Đầu lâu, xương chéo thay bằng súng AK - Ảnh 2.

Băng hải tặc khống chế tàu Faina bị trực thăng của hải quân Mỹ chụp hình - Ảnh: Hải quân Mỹ

Vừa xong tàu Ukraine là đến tàu Mỹ

Ngày 6-2-2009, Văn phòng tổng thống Ukraine thông báo ngắn gọn tàu Faina đã được thả sau năm tháng trong tay cướp biển nhưng không nói rõ số tiền chuộc. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn những tranh cãi về số tiền này và ai là người đã trả nhưng các nguồn đáng tin cậy nhất cho biết phía Ukraine đã bỏ ra 3,2 triệu USD. 

Gần 100 tên cướp đã lên tàu Faina trong những ngày cuối trước khi nó được thả để đếm tiền chuộc và đề phòng hải quân bất ngờ tấn công giải cứu con tin. Tiền được thả từ máy bay nhưng trước giao dịch, tất cả thuyền viên được yêu cầu tập trung lên boong để trực thăng kiểm đếm số lượng và tình trạng sức khỏe.

Sau khi được thả, tàu Faina tiếp tục hành trình đến Kenya và bốc dỡ vũ khí tại cảng Mombasa. Khoảng hai tháng sau đó, Maersk Alabama, một tàu chở container treo cờ Mỹ, bị cướp biển bắt ngoài khơi Somalia, đánh dấu lần đầu tiên một tàu thương mại Mỹ bị hải tặc tấn công kể từ năm 1820. 

Không giống như vụ tàu Faina, lần này chỉ có bốn tên cướp biển tuổi đời còn trẻ và thiếu kinh nghiệm nên bị thủy thủ đoàn chống trả gây thương tích. Bọn cướp rời tàu và lên một thuyền cứu hộ với con tin là thuyền trưởng Richard Phillips nhằm uy hiếp đòi tiền chuộc.

Ngày 9-4-2009, ngày thứ hai của vụ việc, hai tàu chiến Mỹ nhận được tín hiệu cầu cứu đã đến hiện trường và đuổi kịp thuyền cứu hộ có con tin. Ba ngày sau đó là khoảng thời gian căng thẳng vì bọn cướp ngày càng hung hăng do biết rằng đã bị "tàu mẹ" bỏ rơi. 

Các nhà đàm phán của Mỹ đã thuyết phục tên đầu lĩnh Abduwali Muse lên tàu khu trục USS Bainbridge để "thương thảo", thực chất là dụ hắn vào bẫy để bắt giữ.

Tối 12-4, nhận thấy tình hình không thể cứu vãn vì "đàm phán thất bại", một đội bắn tỉa của đặc nhiệm SEAL lên tàu USS Bainbridge và được lệnh bắn hạ cướp biển vì Tổng thống Barack Obama đã cho phép. Với độ chính xác đáng kinh ngạc, lính SEAL đã bắn xuyên cửa kính của thuyền cứu hộ, trúng vào đầu cả ba tên cướp biển khiến chúng chết ngay tại chỗ trong khi thuyền trưởng Phillips không hề hấn gì.

Abduwali Muse bị bắt và đưa về Mỹ, nơi hắn bị xét xử và kết án hơn 33 năm tù. Vụ việc thu hút sự chú ý quốc tế và khiến nhiều người chú ý hơn đến nạn cướp biển đang trỗi dậy ngoài khơi Somalia. 

Việc lính SEAL bắn chết bọn cướp biển được xem là lời cảnh cáo của Mỹ với hải tặc Somalia, song trong các năm sau đó, số vụ cướp tàu vẫn không giảm đi. Bản thân tàu Maersk Alabama cũng trở thành mục tiêu của bốn vụ cướp biển khác từ năm 2009 đến 2011 nhưng tất cả đều không thành.

Các điểm nóng trong thế kỷ 21

Những liên minh cướp biển như Hồng Kỳ bang của Trịnh Nhất Tẩu đã lùi xa vào quá khứ. Ngày nay, cướp biển hoạt động rời rạc và quy mô nhỏ, đa số mỗi băng không quá 10 tên. Các điểm nóng về cướp biển trong thế kỷ 21 gồm vùng Sừng châu Phi, eo biển Malacca, hai vùng biển Sulu-Celebes kế cận nhau ở Đông Nam Á và mới đây nhất là vùng vịnh Guinea phía tây nam châu Phi.

Hầu hết các vụ cướp biển đều không có giết chóc do hải tặc chỉ nhắm đến hàng hóa hoặc thứ có giá trị trên tàu hàng. Cướp biển ở eo Malacca và eo Singapore thường bất ngờ tấn công tàu lơ là phòng bị, cướp tiền và hàng hóa trên tàu rồi rút ngay trong đêm. Nhưng tại biển Sulu-Celebes, cướp biển nhắm vào tàu đánh cá và tàu kéo vì tốc độ chậm, mạn tàu thấp nên dễ dàng khống chế. 

Mục đích duy nhất của chúng là bắt cóc người để tống tiền và sẵn sàng giết con tin bằng cách chặt đầu nếu không đòi được tiền chuộc. Sự man rợ của các nhóm cướp ở vùng Sulu-Celebes khiến chúng nổi bật so với cướp ở những điểm nóng còn lại. Một số nhà phân tích còn cho rằng bản chất của hải tặc Sulu-Celebes đã lên mức khủng bố.

Cướp biển tại vùng Sừng châu Phi chủ yếu là người Somalia và như đã nêu ở trên, thường bắt cả tàu lẫn thủy thủ đoàn để đòi tiền chuộc. Đây cũng là các nhóm có tiềm lực tài chính, được tổ chức tốt và có các căn cứ địa ổn định. Những băng cướp dạng này rất có đầu óc, hoặc chí ít là một vài tên thủ lĩnh của nhóm. 

Trước khi tấn công các tàu chở dầu cỡ lớn, chúng biết chuẩn bị sẵn các tàu chở dầu nhỏ hơn, vốn là các chiến lợi phẩm trước đó, để bơm dầu từ tàu mới cướp và bán trên thị trường chợ đen.

Nếu bắt giữ tàu, chúng biết cách điều khiển tàu nếu gặp phải chống đối hoặc không vào được phòng an toàn, nơi thủy thủ ẩn náu. Đôi khi những con tàu bị cướp còn được sơn, sửa số hiệu để tránh do thám của hải quân quốc tế, bán lại hoặc được sử dụng như tàu mẹ cho các phi vụ mới.

10 triệu USD

là mức tiền chuộc kỷ lục ghi nhận là vào tháng 3-2013 khi tàu chở dầu Smyrni của Hy Lạp được thả 10 tháng sau khi bị bắt. Đây cũng là một trong những vụ cướp tàu chở dầu thành công cuối cùng ngoài khơi Somalia tính đến thời điểm hiện tại.

Số tiền chuộc cướp biển thu được lên tới hàng trăm triệu USD nhưng ít ai biết chúng được sử dụng như thế nào và cuộc sống của những tên cướp trên bờ ra sao.

>> Kỳ 5: Tiền của cướp biển đã chảy đi đâu?

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 3: Huyền thoại và đời thực kho báu cướp biển Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 3: Huyền thoại và đời thực kho báu cướp biển

TTO - Phim ảnh và tiểu thuyết đã phóng đại sự giàu có của hải tặc bằng những hòn đảo giấu đầy kho báu. Những tên cướp biển đời thực hiếm khi chôn chiến lợi phẩm vì đã chia đều cho tất cả.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên