14/01/2016 13:59 GMT+7

Hải tặc Cánh Buồm Đen

 YẾN TRINH - MINH PHƯỢNG
YẾN TRINH - MINH PHƯỢNG

TT - Là băng cướp biển cuối cùng ở quần đảo Hải Tặc, gắn với nhiều giai thoại, Cánh Buồm Đen là cái tên được dân trên các hòn đảo nơi đây nhắc đến khá nhiều.

Ông Võ Chí Huệ (Mười “mập”), cháu ngoại của một thành viên Cánh Buồm Đen - Ảnh: Y.Trinh
Ông Võ Chí Huệ (Mười “mập”), cháu ngoại của một thành viên Cánh Buồm Đen - Ảnh: Y.Trinh

Khoảng cuối thế kỷ 19, tàu buôn qua lại khu vực vịnh Thái Lan khiếp sợ bởi cái tên Cánh Buồm Đen.

Lá cờ “mặt trời chiều”

Nghe chúng tôi hỏi về đảng cướp Cánh Buồm Đen, ông Lương Văn Tâm (56 tuổi, nguyên là công an xã Tiên Hải - quần đảo Hải Tặc) tặc lưỡi: “Băng này mạnh lắm. Người ta bảo trên cánh buồm màu đen của họ có treo ngược cây chổi, để quét sạch mọi tàu ghe trên vùng họ “làm ăn”".

Còn những người khác như ông Tăng Hồng Phước - chủ tịch UBND xã Tiên Hải, bà Nguyễn Thị Lệ Thu - con cháu thành viên trong đảng cướp này, cũng lý giải tương tự, rằng cái tên “Cánh Buồm Đen” bắt nguồn từ hình ảnh cây chổi treo trên cánh buồm đen.

Mang những thắc mắc trên, chúng tôi tiếp tục hỏi thăm con cháu của hải tặc Cánh Buồm Đen. Trong số hơn chục người là cháu ngoại, cháu cố của các thành viên đảng cướp hiện đang sống rải rác trên các “hòn” thuộc quần đảo Hải Tặc, ông Mười “mập” (Võ Chí Huệ, 47 tuổi) là người nắm khá rõ về Cánh Buồm Đen (dù hiện tại ông đã chuyển về Hà Tiên sinh sống).

Ông nói: “Thiệt ra trước kia tui cũng không rành lắm, nhưng nghe mỗi người đồn thổi một kiểu về Cánh Buồm Đen nên tui cất công tìm hiểu nguồn gốc ra sao...”.

Tình cờ, ông Mười lại kết giao với con trai ông Hai Hưng ở thị xã Hà Tiên. Trong một lần đến chơi, ông Mười mới biết ông Hai Hưng cũng là thành viên của đảng cướp lẫy lừng ấy. Từ đó, lúc nào rảnh ông Mười lại tạt qua nhà ông Hai Hưng, những câu chuyện về đảng cướp, về ông cố, ông ngoại ngày một rõ ràng hơn.

“Lúc đó tui chừng 20 tuổi, ông Hai Hưng đã ngoài 80, ông nói mà răng lập bập nhưng vẫn minh mẫn lắm. Ban đầu ông không chịu kể, tui phải chuẩn bị đồ nhậu, mời rượu. Ông nhấp rượu, khà một cái rồi kể chút một chút một” - ông Mười nhớ lại.

Theo lời ông Mười, đảng cướp Cánh Buồm Đen có sáu người: ông Năm Bùn, Tư Vân, Tư Hạt, bà Tằng Thủy Hoàng, ông Hai Hưng, ông Ba Cang. Còn tùy tùng, lâu la có khi lên đến trăm người. Ông Năm Bùn lớn tuổi nhất, chân to đến nỗi không mang dép được, chân mày rậm đen rũ xuống che cả hai mắt, tóc dựng như bờm sư tử.

Tướng tá cao to, 80 tuổi ông Năm Bùn vẫn gánh mỗi bên hai đôi nước đi phăng phăng. Ông Mười chợt cao giọng khi kể về lá cờ treo trên cột buồm của đảng cướp: “Người ta đồn thổi chuyện cây chổi cắm trên đỉnh cột buồm là không đúng. Đó là lá cờ hình tam giác, chính giữa có đính một mảnh hình tròn tượng trưng cho mặt trời chiều. Cờ hiệu này cũng là để phân biệt với những đảng cướp khác”.

Phần mộ của ông Năm Lộc - chúa đảo Ba Hòn Đầm - Ảnh: Y.Trinh
Phần mộ của ông Năm Lộc - chúa đảo Ba Hòn Đầm - Ảnh: Y.Trinh

Tan rã...

Câu chuyện đến hồi gay cấn khi ông Mười kể về hành tung của Cánh Buồm Đen. Nhấp ngụm trà, giọng ông Mười lên bổng xuống trầm: “Căn cứ chính của đảng cướp là ở Hòn Chông (xã Bình An, huyện Kiên Lương - PV).

Chỗ đóng quân ấy, các thành viên trồng rất nhiều dừa. Trời chuyển gió nồm thì núp ở hòn Đá Bạc, tránh gió nam thì chạy qua tuốt bên Campuchia”.

Theo ông Mười, băng hải tặc Năm Bùn cũng là những con người hào hiệp, nghĩa khí. Sau mỗi chuyến “làm ăn” trở về, tiền vàng, của cải, lương thực họ đều chia cho người nghèo, chỉ giữ lại đủ dùng cho các thành viên và chuyến lên đường tiếp theo.

Theo những gì ông Mười tích cóp được, Cánh Buồm Đen là những con người “xuất quỷ nhập thần”, là nỗi sợ hãi của các đảng cướp cùng thời. Đi trên biển, khi tàu Cánh Buồm Đen còn cách tàu đối phương chừng nửa thước, ông Năm Bùn hai tay xách hai cái tĩnh bằng sành - loại đựng rượu 20 lít - phi thân qua.

“Nghe “bịch” một phát, người trên tàu đối phương mới hay, nhào tới liền bị ông Năm Bùn quơ hai cái tĩnh quật té ngửa” - ông Mười kể.

Thường ông Năm Bùn chỉ tung ra 2-3 chiêu là khống chế được hết thành viên trên tàu. Lúc đó, tàu của Cánh Buồm Đen mới cập mạn, các thành viên khác mới nhảy lên. Khiếp sợ võ nghệ cao cường của ông Năm Bùn, các đảng cướp khác mỗi khi giong buồm đi cướp phải canh chừng, khi tàu Cánh Buồm Đen vào bờ mới dám “xuất bến”...

Sức mạnh, tiếng tăm ngày càng lớn mạnh nhưng Cánh Buồm Đen cuối cùng vẫn tan rã.

Ngập ngừng, đắn đo mãi, ông Mười mới kể: “Một ngày đang giong buồm đi cướp như mọi lần, tàu ông Năm Bùn đụng độ một tàu khá lớn. Chẳng chút do dự, ông Năm Bùn xách hai cái tĩnh nhảy qua. Khi đã hạ hết những người trên tàu, ông Năm Bùn mới phát hiện trong hầm tàu còn một người đàn ông vẫn đang ngồi xếp bằng.

Thấy ông Năm Bùn nhưng người này vẫn điềm nhiên, bình chân như vại. Cảm thấy bị coi thường, ông Năm Bùn lao đến ném mạnh hai cái tĩnh. Người này bình thản đỡ lấy, không hề hấn gì. Biết là thầy trong giang hồ, ông Năm Bùn lẳng lặng quay ra...”.

Sau lần thất bại ấy, Cánh Buồm Đen hủy hết binh khí ngoài biển. Họ chia tay nhau, không hẹn ngày gặp lại. Ông Năm Bùn về Rạch Vượt (thị xã Hà Tiên) sống. Ông Tư Vân ra Bãi Bổn (huyện Phú Quốc). Ông Ba Cang về Rạch Sỏi (nay thuộc TP Rạch Giá).

Ông Tư Hạt về Hòn Heo (huyện Kiên Lương) lập xứ sở. Ông nuôi heo rất nhiều nên dân gian gọi hòn đảo này là Hòn Heo Ông Hạt. Còn bà Tằng Thủy Hoàng bỏ đi biệt xứ. Ông Mười cho biết khoảng năm 1975, con của ông Ba Cang có ghé Hà Tiên hỏi thăm tung tích những thành viên đảng cướp, rồi về sau cũng mất liên lạc.

Riêng ông Năm Lộc, sau khi giải nghệ trở thành người rất giàu. Từ Hà Tiên, chúng tôi ngược ra Kiên Lương đón tàu ra đảo Hòn Heo, từ Hòn Heo ra Ba Hòn Đầm. Nơi đây là giang sơn một cõi của chúa đảo Năm Lộc. Hiện nay, phần mộ của ông vẫn đang nằm ngoài đấy. Từ đó đến nay, con cháu ông Năm Lộc lại trở thành chúa đảo Ba Hòn Đầm.

Anh Tăng Văn Đạt nói ông nội Năm Lộc của mình là người có công lớn trong khai hoang ở hai trong số ba hòn đảo (tên gọi là Ba Hòn Đầm). Chiếc cầu cảng dài dẫn vào đảo cũng do gia đình ông Năm Lộc xây dựng. “Ông nội vô đây khi ba tui mới 12, 13 tuổi. Ba tui kể bữa đó ông nội từ Cà Mau đi buôn ra Phú Quốc, gặp bão nên ghé vô đây. Thấy ở đây có vẻ ổn, ông về đưa vợ con ra đây” - anh Đạt kể lại.

Trong Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, chương nói về “Đảng cướp Cánh Buồm Đen” nhắc đến nhân vật Sáu Bộ sau thời gian dài lên núi học đạo đã mang theo một cây roi xuống núi và đổi tên là Tư Hiền.

Sau khi cứu một tàu buôn thoát khỏi nạn cướp phá, Tư Hiền được chúa đảng cướp Cánh Buồm Đen nhường cho chức thủ lĩnh.

Từ đó, Cánh Buồm Đen chỉ chuyên cướp của tàu phương Tây và ghe buôn lậu, không hề đụng đến ghe thuyền của dân chài lưới. Về sau, trong một lần lỡ tay làm chết một người trên tàu cướp, Tư Hiền giải nghệ. Cánh Buồm Đen từ đó cũng tan rã.

_____________

Kỳ tới: Đảo Hải Tặc bây giờ...

YẾN TRINH - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên