Phát biểu họp báo chung tại lâu đài Meseberg ở Gransee ngày 28-5 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng nước chủ nhà Đức Olaf Scholz cho rằng Ukraine cần được phép sử dụng vũ khí do phương Tây gửi đến để tấn công các mục tiêu quân sự nằm bên trong lãnh thổ nước Nga, những nơi mà các tên lửa Nga đã được bắn về phía lãnh thổ Ukraine.
Châu Âu bất đồng vì Ukraine
“Chúng tôi phải cho phép Ukraine vô hiệu hóa các địa điểm quân sự, nơi Nga đặt các tên lửa bắn về phía lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi không cho phép Kiev tấn công các mục tiêu dân sự hoặc các mục tiêu khác. Chúng tôi không làm leo thang căng thẳng khi đưa ra quyết định này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Trong khi đó, báo Politico nhận định dù tán thành với Tổng thống Macron nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại có vẻ thận trọng hơn, và nói rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây luôn phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Đây không chỉ là vấn đề trong nội bộ các thành viên Liên minh châu Âu (EU) với Ukraine, mà còn là vấn đề liên quan đến Mỹ.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang phải chịu làn sóng áp lực từ Quốc hội nước này, xoay quanh vấn đề đáp lại yêu cầu viện trợ của Kiev và cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do nước ngoài tài trợ.
Phía Ukraine lập luận nếu Washington và phương Tây không lập tức đưa ra quyết định về việc này thì đây chính là “thời điểm vàng” giúp quân đội Nga có thêm thời gian để tập hợp lực lượng, chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào phía bắc thành phố lớn thứ hai Ukraine và Kharkov.
Hơn nữa, theo các quan chức Ukraine, việc quân đội nước này bị hạn chế bắn hạ các máy bay bay vượt qua lãnh thổ Nga sẽ giúp Matxcơva dễ dàng thực hiện các vụ ném bom khác, tương tự vụ tấn công một đại siêu thị bán vật liệu kim khí ở Kharkov hồi cuối tuần trước.
Hiện đã có một số nước châu Âu như Anh, Phần Lan, Ba Lan, các nước Baltic giáp Nga gồm Estonia, Latvia và Lithuania (Litva) đã đồng ý với yêu cầu này của Kiev.
Trái lại, một số quốc gia khác như Đức và Ý lại thể hiện sự dè dặt trước quyết định được xem như việc “bước qua lằn ranh đỏ” với Nga - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tương tự việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí tài trợ tấn công Nga, các đồng minh phương Tây cũng đau đầu trước đề xuất điều binh tham chiến ở Ukraine.
Trong khi Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nói rằng không nên loại trừ khả năng chuyển quân đến Ukraine thì Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb và Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Sprūds lại có vẻ chùn bước trước đề xuất này.
Phản ứng của Nga
Trả lời Hãng tin Sputnik ngày 29-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc các chính trị gia phương Tây kêu gọi cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào lãnh thổ Nga, và cả cuộc hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine sắp tới ở Thụy Sĩ là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên một mình nước Nga.
Theo Hãng thông tấn Nga RIA, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng lời kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg là hành động mang đầy sự khiêu khích.
Ông Peskov cũng khẳng định tổng thống và quân đội Nga biết họ sẽ có những phản ứng thích hợp trước các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ xứ sở bạch dương.
Giới quan sát Nga tin rằng việc các lãnh đạo phương Tây đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm tránh việc trực tiếp lôi kéo các thành viên NATO bước vào một cuộc xung đột trực tiếp với Matxcơva.
Dù vậy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý bất kỳ lô hàng hóa nào chứa vũ khí của phương Tây gửi đến Ukraine đều sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
Theo ngoại trưởng Nga, Mỹ và NATO đã thực sự đặt chân vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga thông qua việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, thậm chí hỗ trợ đào tạo quân lực cho quân đội Kiev tại các nước châu Âu khác như Anh, Đức, Ý…
Điện Kremlin cảnh báo việc phương Tây tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine chỉ mang lại tác động tiêu cực đối với mối quan hệ giữa họ và Matxcơva, cũng như không giúp ích gì trong những cuộc đàm phán có thể diễn ra trong tương lai.
Cũng phát biểu hôm 28-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đang theo dõi chặt chẽ các tuyên bố về việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ gửi đến để tấn công sâu vào lãnh thổ nước Nga.
Ông Putin cũng nhắc lại kế hoạch mà ông từng nói sáu tháng trước rằng nếu Kiev tiếp tục tấn công vào các khu dân cư, quân đội Nga buộc phải xây dựng một “vùng đệm an ninh” mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận