Từ sớm, nhiều người thân và người dân, các đoàn thể thủ đô có mặt để viếng và tiễn đưa cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Ảnh: THANH NHÂM
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ là phu nhân nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Hai cụ đã hiến hơn 5.000 lượng vàng cho nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cụ sinh năm 1914 tại Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Cụ qua đời lúc 23h20 ngày 5-11 tại nhà riêng ở số 34 Hoàng Diệu, Hà Nội, hưởng thọ 104 tuổi.
Mặc dù 13h30 mới bắt đầu lễ viếng, nhiều người thân, những người kính trọng và khâm phục nghĩa cử cao đẹp của gia đình cụ đã có mặt trong sân nhà tang lễ ở số 5 phố Trần Thánh Tông để đợi thắp hương viếng cụ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi vòng hoa viếng cụ.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đến viếng và ghi trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt cụ Hoàng Thị Minh Hồ - người phụ nữ Việt Nam với tấm lòng nhân hậu, cao thượng, tài giỏi, đảm đang, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước.
Trong lúc chính quyền cách mạng gặp nhiều khó khăn, cụ cùng với chồng là cụ Trịnh Văn Bô và gia đình đã hiến tặng 5.147 lượng vàng và nhiều tài sản cho cách mạng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn những cống hiến vô cùng quý báu đó của cụ và gia đình.
Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến. Tinh thần yêu nước, sẵn sàng cống hiến vì dân tộc của cụ còn mãi mãi với chúng ta, tiếp tục được nhân lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi sổ tang - Ảnh: THANH NHÂM
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết: "Vô cùng thương tiếc cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người đã có đóng góp to lớn cho nền tài chính cách mạng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước".
Ông Nguyễn Tiến Năng - cựu trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng - kể lại câu chuyện giản dị nhưng cảm động: "Khi được tin cụ qua đời, tôi không tin vào tai mình, tôi hỏi đi hỏi lại. Vẫn biết tuổi cụ đã trên 100 và sức khoẻ cụ đã sụt giảm nhiều, tôi vẫn bất ngờ bởi cách đây vài ba tháng, tôi vẫn đến thăm cụ tại nhà 34 Hoàng Diệu.
Thấy cụ đang nằm nghỉ, tôi đến chào, chúc cụ khoẻ mạnh. Anh Chính, con trai cụ, hỏi mẹ có biết ai đến thăm mẹ. Cụ nhìn tôi, và nói chú Năng chứ ai, và bảo Chính đưa cụ ra nơi tiếp khách. Cụ ngồi ngay ngắn và tựa lưng vào ghế. Cụ và tôi trò chuyện với nhau khá lâu. Để giữ sức khoẻ cho cụ, tôi cáo từ. Cụ gọi con dâu lấy hai gói trà và hướng dẫn tôi cách pha. Cụ nói đây là trà ướp sen và nhài, cho tôi đem về dùng.
Tôi cảm ơn cụ và ra về. Sau mấy ngày tôi có bạn đến chơi, tôi pha trà và mời uống. Khách uống, vừa khen trà ngon và thơm. Tôi nói đó là trà của cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Mọi người đều nói cụ và gia đình có công với cách mạng, với nhà nước ta, và chúng tôi rất kính trọng".
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia buồn cùng gia quyến - Ảnh: THANH NHÂM
Nhà sử học Dương Trung Quốc viết, cụ Hoàng Thị Minh Hồ là biểu tượng cuối cùng cho thế hệ mà cha mẹ ông là những người cùng thời - thế hệ cống hiến, hi sinh hết mình cho Tổ quốc. Những gì gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ để lại mãi mãi vẫn còn trong lòng những người Việt Nam yêu nước.
Ông Nguyễn Văn Sửu, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đọc lời điếu rằng việc tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao là để bày tỏ tri ân công lao của cụ Hoàng Thị Minh Hồ với đất nước và dân tộc Việt Nam.
Ông nhắc lại, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Trịnh Văn Bô luôn giữ triết lý kinh doanh còn giá trị đến hôm nay: buôn bán được 10 đồng, chỉ giữ lại 7 đồng, còn 3 đồng làm từ thiện. Gia đình cụ không chỉ là nơi chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội), mà còn là nơi lui tới của những nhà cách mạng yêu nước như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh…
Khi ngân khố nhà nước gần như trống rỗng, hai cụ đã đóng góp 5.147 lượng vàng.
"Cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã đi vào lịch sử đất nước là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ doanh nhân yêu nước", ông Sửu nhấn mạnh.
Sau lễ truy diệu, thi hài cụ Hoàng Thị Minh Hồ được an táng tại nghĩa trang Thiên Đức, tỉnh Phú Thọ.
Trước đó, trong thông báo gửi đến họ hàng thân tộc nội ngoại, anh em bạn bè thân hữu gần xa và các học trò, trưởng tôn Trịnh Hồng Minh cho biết:
"Đảng và Nhà nước trân trọng dành phần mộ cho cụ tại nghĩa trang Mai Dịch, nhưng thể theo nguyện vọng cuối cùng của cụ và con cháu trong gia đình là để mộ phần của cụ bà mãi mãi bên cạnh cụ ông, gia đình chúng tôi sẽ đưa cụ về nghĩa trang riêng của gia đình.
Khi còn minh mẫn, bà tôi vẫn căn dặn sau này bà đi rồi, nhớ nói với mọi người đến viếng chớ lãng phí tiền mua vòng hoa, để rồi lại vứt đi thì lãng phí lắm, chỉ đoàn thể hãy mua 1 vòng hoa để ghi danh, còn người đến viếng, chỉ xin một bông hoa tưởng nhớ là đủ.
Con cháu không được sử dụng tiền phúng viếng. Gia đình quyết định gửi 1/2 số tiền ủng hộ đồng bào bị thiên tai, 1/2 chuyển cho quỹ khuyến học".
Ông Nguyễn Văn Sửu, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đọc lời điếu tri ân sự đóng góp của gia đình nhà tư sản Hoàng Thị Minh Hồ - Trịnh Văn Bô - Ảnh: THANH NHÂM
Người thân và các đoàn thể làm lễ truy điệu cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Ảnh: THANH NHÂM
Di ảnh cụ Hoàng Thị Minh Hồ - Ảnh: THANH NHÂM
Những giọt nước mắt tiễn đưa nhà tư sản dân tộc đã có đóng góp lớn cho chính quyền cách mạng - Ảnh: THANH NHÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận