Phóng to |
Chị Ngàn cùng hai người con bị tàn tật từ nhỏ của mình - Ảnh: Vũ Tuân |
Chúng tôi đến nhà đúng lúc chị Ngàn đang nấu cơm. Chốc chốc chị lại bỏ bếp chạy lên ngó chừng hai con xem có đứa nào đập đầu vào thành giường, thành xe lăn bị sứt đầu, chảy máu hay không. Đang yên tĩnh, bất chợt một đứa khóc thét lên, đứa kia cũng khóc theo. Chị vội vã dập tắt bếp lên dỗ dành hai con, dỗ mãi không được nên ôm hai con cùng khóc.
Năm 1993, chị sinh cô con gái đầu lòng là Đỗ Thị Huệ. Chị kể: “Lúc mới sinh ra, không ai nghĩ cháu sống được vì không chịu bú mẹ, chỉ ăn được sữa ngoài”. Nhưng Huệ đã không chết mà vẫn sống đến bây giờ, khi em đã 20 tuổi. Có điều, suốt ngần ấy năm, cô bé không biết nói, biết cười mà chỉ như một cái cây, biết ăn, biết khóc, biết nghiến răng cả ngày lẫn đêm khiến bố mẹ không sao ngủ được.
Năm 2000, với hi vọng có đứa con lành lặn như bao gia đình khác, anh chị sinh thêm cậu con trai Đỗ Quang Huy. Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không buông tha đôi vợ chồng nghèo. Huy từ nhỏ cũng như chị, và lớn lên thậm chí còn không ngồi được như chị. Cuộc sống của em gắn liền với chiếc giường quanh năm suốt tháng. “Để các cháu nằm đấy, nhưng lúc nào cũng phải có người trông, không thì các cháu cứ đập đầu vào vào thành xe, nhiều lần loang cả máu đầu mà có biết đau đâu” - chị Ngàn xót xa.
Nhưng khổ nhất là lúc cho hai con ăn cháo. Để cho mỗi con ăn được lưng bát cháo, chị phải kiên nhẫn hàng tiếng đồng hồ. “Đưa thìa cháo đến miệng là cháu nào cũng khóc thét lên, ngậm chặt miệng lại, quăng vật chân tay, không chịu ăn. Nhiều lúc nổi cáu, nhưng rồi nghĩ lại không cho con ăn thì sợ con đói, mà con đói thì cũng không nói cho bố mẹ biết được” - chị Ngàn tâm sự.
Buổi tối, nhà người ta thì vợ chồng con cái được vui đùa sum họp, còn anh chị phải thức thâu đêm để trông cho con ngủ khỏi đập tay, đập đầu vào thành giường. Nhiều lần con ốm khóc cả đêm, nhưng do không nói được nên anh chị không biết, dỗ mãi không nín khóc nên anh chị chỉ biết ôm con khóc. “Ốm đau, cháu chỉ khóc, khóc cả xóm nghe tiếng mà không dỗ được. Thương con đứt ruột mà không làm thế nào được” - anh Đỗ Trọng Quảng, chồng chị Ngàn, ngậm ngùi.
Ngày mùa, anh chị đi làm đồng thì phải nhờ ông bà nội lên nhà trông cháu giúp. Rồi gần trưa, chị lại tất tả về sớm để nấu cháo cho các cháu ăn trước.
Nuôi con, vất vả vì con đằng đẵng mấy chục năm trời nhưng điều mà hai vợ chồng mong đợi nhất vẫn chưa thành hiện thực. Chị rớm nước mắt: “Sáng nào mở mắt ra nhìn hai đứa con mà phát khóc. Con nhà người ta nuôi ngày một lớn khôn, còn con mình… Nhiều lúc thèm một tiếng con gọi bố, gọi mẹ đến nhói lòng”.
Vì nuôi hai con nên cuộc sống của anh chị rất khó khăn. Anh Quảng đi phụ hồ quanh xã, nếu đi làm bất kể nắng mưa mỗi tháng chỉ được 2,5 triệu đồng. Còn chị Ngàn ở nhà trông con nên họ phải rất tằn tiện để có tiền lo cho con. Căn nhà họ đang ở là của một người đã vào miền Nam làm ăn, thương gia cảnh anh chị nên cho mượn tạm căn nhà để ở, khi nào về sẽ lấy lại.
Được biết, ông ngoại của hai em là ông Phạm Văn Mận từng tham gia chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Quảng Trị và được công nhận nhiễm chất độc da cam. Hiện hai cháu Huệ, Huy chưa được công nhận là nạn nhân chất độc da cam mà được hưởng chế độ tàn tật, nhưng anh chị chia sẻ rằng với số tiền 180.000 đồng/tháng thì chẳng đủ để mua tã cho các cháu dùng.
Chính quyền địa phương cũng như nhiều bà con trong xóm đi xa về, biết hoàn cảnh gia đình đều đến động viên, chia sẻ và giúp đỡ anh chị. Ông Đỗ Xuân Chình, chủ tịch UBND xã Đồng Tiền, xúc động nói: “Con cái lẽ ra là nguồn hạnh phúc của gia đình, nhưng đó lại là nỗi đau lớn nhất của gia đình chị Ngàn, anh Quảng. Hoàn cảnh của anh chị rất khó khăn. Xã đã kiến nghị lên cấp trên đề nghị xem xét giải quyết trợ cấp chất độc da cam cho hai cháu nhưng chưa được”.
Chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... mà không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: [email protected] hoặc Ban Công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. “Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ. Báo TUỔI TRẺĐịa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCMĐiện thoại: (08) 39973838 Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: Báo Tuổi Trẻ.* USD: 007.137.0195.845* EUR: 007.114.0373.054 Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 23, giúp đỡ vợ chồng Ngàn-Quảng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận