01/05/2019 06:00 GMT+7

Hai nửa thế giới và khát vọng hòa hợp trong lòng người Việt

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Có lẽ sự hòa hợp dân tộc đã, đang và luôn là một nhu cầu từ trong thẳm sâu những người mang dòng máu Việt' - đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ khi xem bộ phim tài liệu Hai nửa thế giới phát sóng trên VTV1 tuần vừa rồi.

Hai nửa thế giới và khát vọng hòa hợp trong lòng người Việt - Ảnh 1.

Cảnh trong phim tài liệu - Ảnh chụp màn hình

Những vết thương do lịch sử để lại sẽ khó phai mờ, nhưng không có nghĩa là không thể hàn gắn. Tôi nghĩ dù ở bất cứ bên nào, sau mỗi cuộc chiến không ai có thể tránh khỏi mất mát và đau thương. Điều quan trọng là mình có muốn ngồi lại với nhau hay không

Nhà báo Trần Thu Hà

Có thể nói Hai nửa thế giới là bộ phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam tiếp cận được với những nhân vật ở phía đối lập, phản ánh những tâm tư sâu kín trong tâm hồn họ.

Hai nửa thế giới và khát vọng hòa hợp trong lòng người Việt - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trọng Đức tại TP.HCM - Ảnh: VTV

Câu chuyện của những đoạn quá khứ muốn cất giấu

Bộ phim tài liệu VTV đặc biệt Hai nửa thế giới (kịch bản: Trần Thu Hà; tổ chức sản xuất: Trần Thu Hà, Lê Minh; biên tập: Trần Thu Hà, Lê Minh; thời lượng: 50 phút) như một cuốn phim chiếu chậm về con đường đã qua của những nhân vật đặc biệt như GS Kiều Linh Caroline Valverde, ông Nguyễn Trọng Đức - từng du học Mỹ trước năm 1975, ông Hoàng Duy Hùng - nguyên chủ tịch cộng đồng người Việt tại Houston (bang Texas)...

Ở GS Kiều Linh, đó là sự trở về để không chỉ hiểu thêm về nguồn cội mà còn nhận ra rất nhiều vấn đề tồn tại trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Với ông Nguyễn Trọng Đức, đã có một thời gian ông tham gia các đảng phái của người Việt ở Mỹ, biểu tình chống đối Nhà nước Việt Nam.

Hai nửa thế giới và khát vọng hòa hợp trong lòng người Việt - Ảnh 4.

Hai nửa thế giới là một phim tài liệu xúc động về hòa hợp dân tộc

Sau nhiều lần quay lại Việt Nam, ông mới thấy sự vô nghĩa của những gì từng theo đuổi. Ông đã từ bỏ con đường đã làm ông mất đi cả một tuổi trẻ, tập trung làm kinh tế tại Mỹ với mong muốn quay lại làm cầu nối giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ông Hoàng Duy Hùng cũng từng chọn hình thức chống đối Chính phủ Việt Nam bằng việc khủng bố. Nhưng chính ông Hùng cũng tự đặt câu hỏi vì sao mình làm công việc này? Cách làm này có thay đổi được gì hay không, hay làm liên lụy đến nhiều người khác?

Đó là những năm 1990, khi Việt Nam và Mỹ đang nỗ lực bình thường quan hệ. Những năm sau này trở thành nghị viên thành phố Houston, bang Texas, ông Hùng có cơ hội trở lại Việt Nam, trực tiếp quan sát những đổi thay.

Ông Hùng đã thay đổi quan điểm và nỗ lực đóng góp cho đất nước bằng con đường hòa bình, thay vì chống đối cực đoan.

Nhóm làm phim đã chọn phương thức làm phim không lời bình và tôn trọng những suy nghĩ, chia sẻ của nhân vật. Có những cuộc phỏng vấn kéo dài liên tục năm tiếng đồng hồ, hoặc êkip phải trở lại vào hôm sau để tiếp tục phỏng vấn.

Đó là câu chuyện của cả đời người, với nhiều khoảng quá khứ mà các nhân vật muốn cất giấu. Để nói ra, ngày là đơn vị quá ít ỏi để nhân vật giãi bày. Và một khi họ đã chia sẻ được thì thật khó để dừng lại.

'Hai nửa thế giới' phát sóng 20h10 ngày 24-4 trên kênh VTV1 - Video: VTV

Hòa hợp dân tộc là nhu cầu sâu thẳm

Đạo diễn Nguyễn Thước (Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương) sau khi xem bộ phim chia sẻ: "Đã có nhiều phim làm về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhưng Hai nửa thế giới đã tạo nên bất ngờ, vì những người làm phim tiếp cận được với những nhân vật đặc biệt.

Đó là những con người đã rời đất nước và rơi vào tình cảnh không bao giờ quay lại Việt Nam được nữa.

Đó là những người ra đi năm 1975 với trạng thái "tâm hồn và thể xác rã rượi", không tiền, không Anh ngữ với câu hỏi "ngày mai mình làm gì, mình sống bằng gì?".

Đó là những người bị tuyên truyền và rồi tham gia những băng đảng phản động, tổ chức về Việt Nam để phá hoại...

Nhưng cũng chính những người đó đã trở lại Việt Nam, tự đi tìm sự thật và tự cảm nhận lại Việt Nam bằng trái tim, khối óc của mình. Có lẽ sự hòa hợp dân tộc đã, đang và luôn là một nhu cầu từ trong thẳm sâu những người mang dòng máu Việt".

Hai nửa thế giới và khát vọng hòa hợp trong lòng người Việt - Ảnh 6.

Ghi hình Hai nửa thế giới ở Mỹ - Ảh: VTV

Đạo diễn này cho biết Hai nửa thế giới đã khiến ông nhớ lại cảm xúc khi ông phỏng vấn cựu phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa - tướng Nguyễn Cao Kỳ cho bộ phim tài liệu Ngày cuối cùng của chiến tranh.

"Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã nói trong đời ông có hai lần phải trào nước mắt. Đó là khi lên chiến hạm rời Việt Nam vào chiều 29-4-1975 và lần sau gần 30 năm trở lại Việt Nam, khi chiếc máy bay chở ông bắt đầu bay vào không phận Việt Nam" - đạo diễn Nguyễn Thước nói.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng chia sẻ: "Những người lính đã tắm máu cuộc chiến như chúng tôi hơn ai hết chỉ mong hòa bình, hòa hợp dân tộc. Tôi đi khắp đất nước này và nhận thấy người dân đã tự hòa giải từ lâu rồi.

Tôi là người cộng sản từng được người là lính cộng hòa đèo xe máy ở Phú Yên. Ngay trong lĩnh vực văn chương thôi, nhiều tờ báo của người Việt bên Mỹ sẵn sàng in tác phẩm của một người cộng sản như tôi.

Chúng tôi, những người từng ở hai chiến tuyến, đã có thể gặp nhau, nói chuyện để nhận thấy chiến tranh là địa ngục đày đọa con người. Nhiệm vụ của những con người thời đại này là giữ gìn cho đất nước hòa bình, xoa dịu nỗi đau của dân tộc".

Hai nửa thế giới và khát vọng hòa hợp trong lòng người Việt - Ảnh 7.

Êkip Hai nửa thế giới ghi hình - Ảnh: VTV

Từ năm 2015, khi làm phim tài liệu Kỷ vật chiến tranh: Hành trình trở về, nhà báo Trần Thu Hà cùng đồng nghiệp VTV đã ấp ủ làm Hai nửa thế giới.

"14 năm làm về đối ngoại, tôi gặp rất nhiều người Việt sinh sống tại Mỹ, nghe nhiều câu chuyện của họ và nhận thấy có rất nhiều khía cạnh về đời sống cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà không phải ai cũng biết. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ người Việt trong và ngoài nước sẽ luôn tìm mọi cách gắn kết, cùng phát triển quê hương.

Dù lớn lên và được nuôi dưỡng ở đâu đi chăng nữa thì chúng ta vẫn chung cái cội Việt Nam" - nhà báo Trần Thu Hà xúc động nói.

Hòa hợp dân tộc sau 43 năm: Nhiều tiến bộ nhưng chưa như mong muốn

TTO - 43 năm đã trôi qua, việc hòa hợp dân tộc đã đạt nhiều tiến bộ nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn - ông Lương Thanh Nghị (phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) nhận định.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên