Học sinh ở TP.HCM vẽ tranh mừng Ngày Nhà giáo 20-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tôi là con gái thứ tư trong gia đình có 5 chị em. Bố mẹ tôi quyết định rời bỏ quê hương, đồng ruộng mang theo 5 con nhỏ, đứa lớn nhất chỉ vừa 13, đứa nhỏ nhất chưa tròn 3 tuổi...
Chúng tôi đi nhờ xe từ vùng đất Hà Nam vào Tuy Hòa sinh sống, không nghề nghiệp, tiền bạc, không người thân thích. Để kiếm sống, bố mẹ tôi đã làm đủ thứ nghề, từ làm đậu phụ cho đến buôn bán, chạy chợ qua ngày.
Chị em chúng tôi được bố mẹ sắm cái rổ con để tự kiếm ăn. Sáng chúng tôi ra chợ bán chanh ớt; chiều đến xuống biển bán bánh kẹo, trứng lộn, trứng cút. Cuộc sống khó khăn, hai chị lớn tình nguyện đi làm để cho 3 đứa nhỏ được đi học.
Ngày bước vào lớp 1, tôi đến trường trong tâm thế tự ti, bị bạn bè trêu chọc. Tôi cũng tự ti vì nhà nghèo, quanh năm không có nổi bộ quần áo mới; sách vở đi học cũng xin mỗi người vài quyển, rồi ráp lại cho đủ bộ, rồi truyền từ đời chị sang đời em. Tôi cũng tự ti vì quanh năm không được đi chơi, không có ngày nghỉ hè như bạn bè đồng trang lứa.
Cuộc sống của tôi gần như không có nhiều bạn. Sáng tôi đi học, trưa về bỏ cặp sách xuống là tất bật với những món hàng để buổi chiều theo các chị xuống biển kiếm tiền đến tận khuya.
Từ khi là đứa nhỏ 7 tuổi, tôi đã biết cầm đồng tiền đi mua trứng, bánh kẹo, hạt dưa để về luộc, phân ra thành từng bao bóng nhỏ mang đi bán làm sao để có tiền lời. Cũng đứa nhỏ ấy dành dụm từng đồng tiền để tự mua sắm sách vở, quần áo đi học. Việc học của tôi chỉ được bắt đầu từ sau 8 giờ tối.
Trong mắt thầy cô, bè bạn, tôi là một con bé lúc nào cũng đen nhẻm vì nắng biển, lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch mỗi khi đến lớp vì vội vội vàng vàng ôm vội cái cặp sách chạy đến trường sau khi phụ giúp bố mẹ chở những thùng đậu đầu tiên xuống chợ cho chị hai bán.
Tôi cũng là con bé ít nói, tính tình cộc cằn, chẳng chịu gần gũi ai, thậm chí không ngại đánh nhau khi bị trêu chọc, dè bỉu.
Năm lên lớp 8, tôi được học hai người thầy đã làm thay đổi cuộc đời mình. Thầy Ngô Sô dạy Anh văn với vẻ ngoài lòa xòa, khó gần; thầy Phú dạy toán có mái tóc bạc và gương mặt hiền lành, khắc khổ. Ấy vậy mà hai thầy lại chú ý đến con bé đen nhẻm, thường xuyên đi học muộn.
Không biết bằng cách nào, các thầy biết đến hoàn cảnh của gia đình tôi. Hai thầy khuyên tôi đi học thêm ở nhà thầy để tôi theo kịp chương trình học ở lớp. Thầy Phú không bao giờ nhắc đến tiền học thêm; thầy Sô cho tôi đóng học phí bằng những bì chao, đậu phụ vào ngày rằm, mùng 1.
Hai thầy luôn động viên tôi bằng ánh mắt trìu mến, thân thương nhất. Đến nay, đã hơn 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh thầy dạy toán khô khan đến giúp bẻ lại cổ áo của cô học trò nhỏ vì quá vội vàng đến lớp mà đồng phục không hề chỉn chu, ngay ngắn.
Tôi cũng không thể quên thầy dạy Anh văn sẵn sàng ngồi lại nghe tôi kể chuyện, tâm sự mỗi lúc buồn, tủi thân vì bị bạn bè bắt nạt. Thầy dạy tôi phải thật kiên cường, phải cố gắng học thật tốt để sau này có cuộc sống tốt hơn. Thầy dạy tôi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng ngẩng cao đầu, không tự ti chỉ vì gia đình nghèo khó.
Và từ đó, tôi sống lạc quan, tích cực và tự tin hơn. Vẫn một buổi đi học, một buổi đi làm, nhưng tôi luôn tận dụng mọi thời gian có thể để học bài thêm. Những ngày hè, trong "hành trang" đi bán hàng của tôi lúc nào cũng có sẵn 1 quyển sách để tôi đọc, học thuộc bài mỗi khi vắng khách.
Nhờ vậy, vào năm học, việc học của tôi "nhẹ" hẳn vì tôi đã thuộc hết những bài thơ, văn xuôi có trong sách. Cứ vậy, tôi kết thúc 12 năm đèn sách trong sự chở che, động viên của hai người thầy.
Ngày tôi đậu đại học, biết bao người ngỡ ngàng, không tin con bé suốt ngày rong ruổi ngoài đường như tôi lại có thể đậu đại học (vì thời đó, vùng quê nghèo của tôi chẳng mấy người đậu đại học). Ngày nhận tin vui, người đầu tiên tôi báo tin là hai thầy. Mọi cảm xúc của tôi vỡ òa trong nước mắt, trong vòng tay hai người thầy, hai người cha hiền từ, cao cả.
Đến nay, tôi đã có gia đình, con cái, có cuộc sống ổn định, không thua kém ai, thì hai thầy vẫn là những người tôi luôn nhớ ơn, kính trọng. Vì nếu không có ngày ấy, hai thầy đưa tay ra dìu dắt, động viên, thì không biết cuộc sống của tôi sẽ đi về đâu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận