Các đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn, làm giả con dấu - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Sáng 2-11, Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo, thông tin kết quả đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn, tính chất phức tạp, liên tỉnh, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng xấu đến uy tín các cơ quan nhà nước.
Theo Công an tỉnh Phú Thọ, tháng 10-2022, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện khởi tố vụ án, khởi tố năm bị can liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn.
Tang vật trong vụ án đường dây mua bán hóa đơn, làm giả con dấu - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Quá trình điều tra xác định Nguyễn Minh Tú (thường gọi Hùng, 30 tuổi) cùng Võ Tấn Lộc (thường gọi Long, 25 tuổi, cùng ở phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã thông qua mạng Zalo để mua 228 công ty có người đại diện theo pháp luật đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tú và Lộc đã thiết lập mạng lưới các trung gian khoảng trên 400 người có phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp Việt Nam, tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu mua để bán hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước với doanh số đặc biệt lớn trên 25.000 tỉ đồng.
Bước đầu xác định thiệt hại về thuế trên 2.500 tỉ đồng. Các đối tượng thu lời bất chính trên 1.200 tỉ đồng (tương đương 5% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn khống đã bán).
Trong đó, Tú và Lộc thu lời bất chính trên 252 tỉ đồng. Các đối tượng trung gian trong hệ thống (F1, F2, F3…) hưởng lợi bất chính số tiền khoảng 750 tỉ đồng.
Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, Tú và Lộc thành lập nhiều công ty "tài chính" cũng với hình thức mua qua mạng Zalo (người đại diện theo pháp luật của các công ty này đều sử dụng giấy tờ giả), sử dụng số điện thoại sim "rác" để đăng ký ứng dụng Internet banking để "bơm tiền" cho các đối tượng trung gian làm thủ tục thanh toán "quay vòng".
Đối với các hóa đơn đã bán có mặt hàng cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Tú đã thông qua mạng Internet mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền để thiết lập các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn khống chuyển cho doanh nghiệp mua hóa đơn.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả các cơ quan chức năng, phong tỏa hai tài khoản với số tiền trên 27 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận