Công việc hằng ngày của ông Đoàn Hữu Thấn gắn liền với rẫy cao su - Ảnh: HỮU THIỆN - ĐÔNG HÀ
Tôi chỉ mong đến ngày 14-3 để được về lữ đoàn, được gặp gỡ anh em đồng đội ngày trước và thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội
Ông ĐOÀN HỮU THẤN
Họ bình dị, khiêm nhường và kiên trì vượt qua khó khăn, lặng lẽ vươn lên như lòng quả cảm của 30 năm trước.
Chiều muộn, ông Đoàn Hữu Thấn dừng cuốc, hết một ngày làm việc ở rẫy cao su, thong thả về nhà ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Ở Vũng Tàu, ông Đào Tất Hồng cũng tất tả rời xưởng cơ khí về nhà.
Ông xuống bếp cắm nồi cơm, kho nồi cá, nấu nồi canh cho bữa cơm chiều...
Những người hàng xóm của họ ít ai biết rằng cả hai ông đều là những người lính hải quân, có mặt trong trận hải chiến 14-3, đổ xương máu để giữ hai đảo Gạc Ma, Len Đao (quần đảo Trường Sa) cách đây 30 năm.
Xả thân vì chủ quyền, vì đồng đội
Năm 1985, ông Thấn viết mấy lá đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng hải quân và được lữ 125 - "Đoàn tàu không số" - về Thái Thụy (Thái Bình) tuyển quân trực tiếp. Hồi đó cả huyện chỉ có ba người được vinh dự như ông.
Ông được biên chế vào làm pháo thủ tàu HQ 605. Đến cuối năm 1987, ông được điều động tăng cường sang tàu HQ 604 ra Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng đảo, giữ chủ quyền.
Sáng 14-3-1988, khi đồng đội của ông lên đảo Gạc Ma cắm cờ chủ quyền đã bị lính Trung Quốc đổ bộ xuống đảo với súng lăm lăm trên tay.
"Từ trên tàu nhìn vào đảo, tôi thấy lính Trung Quốc bê những trụ tam giác có cờ của họ đi lên đảo, có hai hàng lính với súng ống hộ tống. Hai bên đã xảy ra xô xát, giằng co và lính Trung Quốc đã không thể cắm được cờ.
Rồi họ nổ súng. Đồng đội của chúng tôi ngã xuống. Khi đó chỉ huy tàu hô lớn: Anh em chuẩn bị tràn lên giữ đảo!" - ông Thấn nhớ lại.
Lập tức, nhiều anh em đã nhảy từ mũi tàu xuống biển, bơi vào đảo để tiếp ứng. Trong khi cuộc giằng co và đối đầu không cân sức trên đảo đang diễn ra thì xuồng máy của quân Trung Quốc chạy quây tròn xung quanh tàu HQ 604.
Không cắm được cờ trên đảo, quân Trung Quốc rút lui và đã xả đạn lên đảo, dùng hỏa lực mạnh bắn chìm tàu HQ 604.
Hứng chịu những loạt đạn như mưa với đủ các loại đạn pháo 75 li, 105 li, ông Thấn hai lần bị sức ép hất văng từ góc này sang góc khác, nhiều mảnh đạn găm trên cơ thể. Máu mũi, máu miệng, máu tai hộc ra.
Tàu chìm. Ông Thấn may mắn được nước đẩy lên.
"Trong loạt đạn của Trung Quốc, thủy thủ trưởng của tàu 604 là anh Hoạch đã hi sinh trên bệ cẩu hàng" - ông Thấn nước mắt chảy dài.
Trong khi tàu 604 của ông Thấn làm nhiệm vụ ở Gạc Ma thì tàu HQ 505 nơi ông Đào Tất Hồng (quê Trà Sơn, Đô Lương, Nghệ An) làm pháo thủ ngày 13-3, từ đảo Đá Lớn nhận được lệnh đến Cô Lin cắm cờ, giữ đảo.
Rạng sáng 14-3, tàu 505 đến Cô Lin. Ngay lập tức, hai tốp xuồng thẳng tiến vào bãi cạn Cô Lin.
Hạ sĩ Đào Tất Hồng xung phong đi cắm cờ cùng với chỉ huy của tốp là đại úy thuyền phó chính trị Võ Tá Du. Khi tàu 505 bị Trung Quốc bắn có nguy cơ chìm, chỉ huy tàu đã cho lao lên đảo Cô Lin, trở thành pháo đài chủ quyền trên biển.
Từ Cô Lin, thấy đồng đội ở tàu 604 bị chìm, hạ sĩ pháo thủ Đào Tất Hồng xung phong cùng các đồng đội thả xuồng chèo đến để cứu vớt.
"Lúc đó, xuồng chúng tôi đã bị bắn thủng nhiều lỗ. Nhưng chúng tôi vẫn thả xuồng vừa chèo, vừa tát nước. Thấy đồng đội trôi trên biển, chúng tôi không còn nghĩ đến cái chết, không còn sợ Trung Quốc bắn, mà cứ thế lao lên..." - ông Hồng nhớ lại.
Mong được gặp anh em, tưởng nhớ đồng đội
Nói về những đồng đội, thượng tá Võ Tá Du nói rằng trở về cuộc sống đời thường, có anh em gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng ai cũng tự giải quyết mà không hề kêu ca.
"Cái đáng quý là anh em dù khó khăn nhưng vẫn sống vui, lạc quan và có ích để con cháu noi theo. Và không bao giờ vỗ ngực về quá khứ của mình ngày xưa thế này, thế kia" - thượng tá Du tâm tình.
Năm 1989, ông Thấn xuất ngũ với cấp bậc trung sĩ, về quê lấy vợ và làm nông sinh sống.
Cuộc sống của cựu chiến binh Thấn những năm sau đó gặp nhiều khó khăn. Vì những chấn thương trong trận chiến, cộng với thời tiết lạnh nên ông Thấn không thể làm ruộng vào mùa đông trên đất Bắc.
Năm 2004, ông Thấn đưa vợ con vào Bình Phước sinh sống và được người anh cho một mẫu đất rẫy cao su để làm ăn. Vợ chồng ông bươn chải cạo, trút mủ cao su thuê. Ông còn đi làm thợ xây, vợ phụ hồ để nuôi hai con ăn học.
Gia đình ông sinh sống trong căn nhà tạm, nằm gần rẫy cao su, cách xa khu dân cư. Khó khăn là vậy nhưng ông không hề kêu than hay thổ lộ mà cứ âm thầm, lặng lẽ và kiên trì vượt khó, vươn lên. Đến năm 2017, ông Thấn đã có căn nhà mới khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng.
Để có căn nhà mới, ông cũng nhận được sự giúp đỡ của đồng đội và các nhà hảo tâm. Hai người con của ông hiếu thảo và học giỏi.
Con trai lớn hiện đang làm công nhân ở KCN Đồng Phú, hằng tháng góp tiền cho cha mẹ trả tiền vay của ngân hàng xây nhà. Con trai út đang học ở Trường Sĩ quan lục quân 2.
Còn thượng sĩ Đào Tất Hồng ở lại Vũng Tàu lập gia đình và làm nghề lắp ráp cơ khí. Ở đất khách, ông cũng bươn chải, làm đủ nghề. Năm 2006, do ảnh hưởng của bão số 9, căn nhà cấp 4 của ông bị hư hại hoàn toàn.
Sau đó, bằng công sức lao động của mình và vay mượn người thân, thượng sĩ Hồng cũng xây được căn nhà cấp 3 và hiện vợ chồng ông đang nuôi ba người con đang tuổi ăn học.
Thượng sĩ Hồng tâm sự rằng ở quanh xóm giềng và đồng nghiệp, ít ai biết ông từng là chiến sĩ hải quân giữ đảo Trường Sa bởi "so với công sức cha ông mình để có tự do, độc lập thì mình chỉ là hạt cát nhỏ" nên ông không hề nói ra.
"Tôi chỉ mong đến ngày 14-3 để được về lữ đoàn, được gặp gỡ anh em đồng đội ngày trước và thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội" - ông Thấn xúc động.
Vẫn chưa nhận được chế độ
Từ mấy năm qua, thượng sĩ Hồng đã làm hồ sơ để được giải quyết chế độ cho quân nhân theo quyết định 62/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, do mất giấy tờ vì bão làm sập nhà nên mới đây vào đầu tháng 3-2018, thượng sĩ Hồng mới hoàn thiện được hồ sơ.
Còn trung sĩ Thấn cũng đã làm hồ sơ để hưởng chế độ thương binh từ hai, ba năm nay nhưng do hoàn cảnh khách quan nên đến nay hồ sơ chưa hoàn chỉnh.
Hiện nay, cứ trái gió trở trời, ông Thấn tái phát vết thương ở vùng gáy, cột sống và nếu đứng lâu thì tê chân.
Nhiều đồng đội và đơn vị cũ của cả hai ông đã xác nhận đầy đủ, rõ ràng thời gian công tác, chiến đấu. Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa được hưởng chính sách.
Xung phong ở lại giữ đảo
Ông Đào Tất Hồng kể lại tàu 505 trong trận hải chiến Trường Sa 1988 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sau khi tàu 505 trở thành pháo đài chủ quyền trên đảo Cô Lin, thượng sĩ Đào Tất Hồng xung phong ở lại tàu để giữ đảo đến ba tháng sau.
"Những ngày chúng tôi sống trên tàu giữ đảo, ngày nào Trung Quốc cũng bắc loa kêu gọi nhưng không có ai nao núng và xác định: nếu Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo thì chúng tôi sẵn sàng xả thân vì chủ quyền" - ông Đoàn Tất Hồng kể lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận