Tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng ngày 5-3-2018 - Ảnh: T.B.D.
Theo TTXVN, tính đến năm 2017, Việt Nam đã bàn giao cho Mỹ gần 1.000 bộ hài cốt, trong đó có hơn 300 bộ hài cốt được Việt Nam đơn phương tìm kiếm
Sau bình thường hóa quan hệ, năm 1996-1997, Mỹ đưa ra một số điều kiện ban đầu với Việt Nam để thiết lập nền tảng quan hệ quốc phòng, trong đó hợp tác về Tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) là vấn đề ưu tiên hàng đầu, theo báo cáo của Quỹ Heritage.
POW/MIA chính là một trong những trở lực chính cản trở bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và rộng hơn là hợp tác quân sự sau này bởi vì những vấn đề hậu chiến vẫn còn hết sức nhạy cảm, là vết thương nhức nhối không chỉ của người Việt Nam mà còn của người Mỹ.
Hai cựu binh Mỹ đồng thời là hai thượng nghị sĩ ở hai đảng đối lập là Dân chủ và Cộng hòa đã vượt qua những chỉ trích của các phe phản đối để giải quyết dứt điểm vấn đề POW/MIA, qua đó đặt nền tảng cho bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Về sau, hai thượng nghị sĩ này trở thành những người bạn thân thiết của Việt Nam.
Gây dựng niềm tin
Bà Virginia Foote, nguyên chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt và là người đóng góp tích cực cho quá trình bình thường hóa, cho biết chương trình MIA nhằm cố gắng tìm lại một phần hài cốt những người Mỹ từng tham chiến và đó là một vấn đề chính trị mang nhiều cảm xúc sau cuộc chiến.
Còn về POW, theo bà Foote, ở Mỹ có rất nhiều người tin rằng vẫn còn có tù binh bị giam giữ tại Việt Nam. Thời điểm ấy có nhiều bộ phim, bài báo trên tạp chí nước ngoài cho rằng đâu đó, Việt Nam đang giam giữ lính Mỹ.
Bà Foote cho biết Chính phủ Mỹ rất coi trọng việc tìm kiếm POW/MIA, bởi gia đình các binh lính có người mất tích muốn được nhận lại hài cốt của người thân. Công cuộc tìm kiếm cũng giúp người Mỹ hiểu thêm phần nào về những gì đã xảy ra ở Việt Nam vài thập kỷ trước đó.
Đặc sứ Mỹ chuyên trách về quá trình đàm phán với Việt Nam William Sullivan cũng luôn khẳng định rằng POW/MIA là vấn đề ưu tiên của Mỹ.
Đứng trước sức ép này, các nghị sĩ Mỹ đã vận động thành lập một ủy ban đặc biệt trực thuộc Nghị viện nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề POW/MIA. Và năm 1991, John Kerry, nghị sĩ của Đảng Dân chủ và từng là viên sĩ quan trẻ của hải quân Mỹ ở ĐBSCL năm 1968, đã được lựa chọn để đứng đầu ủy ban này.
Thượng nghị sĩ John Kerry và thượng nghị sĩ John McCain đã thành lập một êkip ăn ý trong việc giải quyết vấn đề POW/MIA và các vấn đề khác liên quan đến Việt Nam nhằm vận động cho tiến trình bình thường hóa quan hệ với Hà Nội mặc dù trước đó ông McCain tỏ thái độ khó chịu với ông John Kerry, người đi đầu trong các hoạt động phản chiến và tiến hành chiến dịch vận động tranh cử chống lại ông ở bang Massachusetts.
Tuy nhiên, hai ông đã gặp không ít sóng gió. Theo báo Boston Globe, các cố vấn của ông Kerry khi đó đều khuyên ông tránh nhiệm vụ giải quyết POW/MIA. Trong khi đó, ông McCain bị những phần tử quá khích trong cộng đồng POW/MIA giận dữ gọi là kẻ phản quốc.
Ông Kerry nhận xét rằng những từ ngữ chỉ trích dành cho ông McCain lúc đó là trên mức kinh tởm.
Ông Kerry đã đi hàng chục chuyến đến Đông Nam Á để tìm kiếm sự hợp tác tốt hơn với Việt Nam, đồng thời thu thập các chứng cứ, tư liệu để xác minh những thông tin thực hư về tù binh chiến tranh Mỹ còn bị giam giữ ở Việt Nam. Và cuối cùng ông đã có câu trả lời.
Ông Kerry công bố báo cáo rằng có thể còn lính Mỹ mất tích ở Việt Nam nhưng không có bằng chứng nào cho thấy lính Mỹ vẫn còn bị giam giữ ở Việt Nam. Báo cáo này đã giúp xây dựng lòng tin hai nước, qua đó đóng góp quan trọng cho sự kiện bình thường hóa hai nước vào năm 1995.
Về sau, khi chia sẻ về công việc POW/MIA, ông Kerry cho biết việc này đã dần giúp gây dựng niềm tin và tạo thói quen hợp tác để dọn đường cho bình thường hóa và chính những gia đình của các cựu binh đã giúp xây dựng sự đồng thuận.
Thượng nghị sĩ John Kerry (trái), khi là chủ tịch Ủy ban các vấn đề POW/MIA, trò chuyện với thượng nghị sĩ John McCain trong một phiên điều trần ở Capitol Hill, Washington tháng 12-1992 - Ảnh: AP
"Không thể trở thành tù nhân của quá khứ"
Sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ năm 1995 rõ ràng là dấu ấn đậm nét trong "mối lương duyên" giữa hai thượng nghị sĩ cùng tên John với Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt này còn kéo dài đến ngày nay.
Trong nhiệm kỳ ngoại trưởng Mỹ 2013-2017, hầu như năm nào ông Kerry cũng tới thăm Việt Nam để thúc đẩy mối bang giao giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực. Ông Kerry cũng chọn Việt Nam là một trong những điểm đến trong chuyến công du cuối cùng với tư cách ngoại trưởng Mỹ vào tháng 1-2017.
Nói chuyện với các bạn trẻ ở TP.HCM, ông Kerry nhấn mạnh thông điệp: "Chúng ta không thể trở thành tù nhân của quá khứ. Đó là lý do tôi đã có thể đến và nói chuyện với các bạn hôm nay" và cho biết ông sẽ tiếp tục quay lại Việt Nam với tư cách là công dân.
Một năm sau đó, ông Kerry cùng một đoàn doanh nghiệp Mỹ quay trở lại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Trong khi đó, ông McCain cũng từng quay lại Việt Nam nhiều lần sau chiến tranh, và đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2014, ông khẳng định sẽ cùng thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ sớm bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Khi tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ tháng 7-2015, ông McCain khẳng định Washington sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh, quốc phòng.
Trước cuộc gặp này, ông McCain ra thông cáo cho rằng Mỹ nên tiếp tục nới lỏng lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự sát thương cho Việt Nam, bao gồm tất cả nền tảng tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn ở phía trên và trong phạm vi lãnh hải.
Thượng nghị sĩ John Kerry và thượng nghị sĩ John McCain chứng kiến Tổng thống Bill Clinton thông báo bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 - Ảnh: CNN
Kerry và McCain
Ông John Kerry có bốn tháng tham chiến tại Việt Nam từ cuối tháng 11-1968 đến đầu tháng 4-1969. Sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam đã đưa ông Kerry thành một trong những người phản chiến nổi tiếng nhất.
Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ John McCain từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam với tư cách là phi công hải quân.
Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26-10-1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh. Ông được trao trả ngày 14-3-1973 theo điều khoản trao đổi tù binh của Hiệp định Paris.
***********
Kỳ tới: Duyên nợ của Mỹ với Cam Ranh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận