Các trận đấu ở VBA luôn có đông khán giả - Ảnh: KIM TRINH
Sau hai mùa giải thành công, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà LÊ THỊ TUYẾT NGA nói về sự ra đời của VBA: "Chúng tôi gần như làm từ đầu trong việc xây dựng đội bóng, mua sắm trang thiết bị rồi đào tạo cầu thủ... VBA hoàn toàn phụ thuộc nguồn tài chính của ông bầu các đội bóng".
* Nhưng thể thao chuyên nghiệp không thể sống mãi nhờ "bầu sữa" của các ông bầu?
- Đúng, nhưng đầu tư thể thao cần lâu dài, khoa học. Để lấy được tiền của nhà tài trợ, chúng tôi phải trả lại một giải đấu tuyệt vời, có giá trị quảng bá thương hiệu cho họ. Đáng mừng là mức tài trợ năm sau luôn cao hơn năm trước. Sau hai mùa giải, tuy VBA chưa thể "cai sữa" từ các ông bầu nhưng đã có nguồn thu đáng kể.
Đây là năm thứ ba, cũng là năm đầu tiên giải bán được bản quyền truyền hình, tuy giá trị vẫn còn thấp nhưng là dấu hiệu khả quan. Ngoài ra, tổng nguồn thu cũng xấp xỉ 30% chi phí. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm thứ 5 VBA sẽ sống được và sau đó có lãi.
* Giá vé tại VBA dao động 60.000 - 1,2 triệu đồng là khá cao. Vậy khán giả đón nhận VBA ra sao?
- VBA luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, khán đài luôn kín chỗ, Cần Thơ cũng đạt 60% ghế. Theo thống kê, tổng lượng khán giả đến sân năm đầu tiên (2016) là hơn 50.000 người và tăng lên hơn 70.000 người ở năm 2017.
VBA không chỉ mang đến những trận cầu chất lượng mà còn tạo được không gian giải trí, hội hè với nhiều hình thức khác nhau: văn nghệ, nhảy cổ động (mỗi đội dự giải đều có đội cổ động riêng), trúng thưởng nhiều vật phẩm lưu niệm, thậm chí vé máy bay...
Bà Tuyết Nga - giám đốc điều hành VBA - Ảnh: K.T.
* Dường như VBA là giải đấu duy nhất ở VN kiểm soát tiền lương tất cả VĐV. Vì sao lại như vậy?
- VBA áp một mức lương tổng cho mỗi đội là 190 triệu đồng/tháng để đảm bảo sự cân bằng về lực lượng.
Với mức áp này không tạo ra những đội quá mạnh hay quá yếu nhằm tăng sự hấp dẫn của các trận đấu trong giải, đồng thời phần nào hạn chế tình trạng "lấy thịt đè người" của các ông bầu nhiều tiền. Mức lương trung bình của một VĐV nội trong đội hình chính vào khoảng 12 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các phụ cấp ăn, ở, đi lại,..
Bên cạnh đó, VBA cũng có một số quy định về thu nhập của cầu thủ. Cụ thể, VĐV ngoại chỉ nhận được tiền từ CLB cả trong và ngoài thời gian diễn ra giải. Tuy nhiên, cầu thủ gốc Việt và nội binh được nhận lương từ nguồn thứ hai trong thời gian không tập luyện và thi đấu ở VBA với một số điều kiện kèm theo.
* Áp dụng điều này, VBA có hút được người tài?
- Không lo bởi nguồn VĐV, HLV nước ngoài rất nhiều. Bằng chứng là đội Hochiminh City Wings vừa chiêu mộ được trung phong người Mỹ cao 2,1m Quinton Doggett với bản thành tích tốt. Đội Hanoi Buffaloes đã có chữ ký của Mike Devonne Bell Jr (Mỹ) cao 2,06m. Danang Dragons có được VĐV người Mỹ Zachary Allmon cũng cao đến 2,06m. Được thi đấu với những "gã khổng lồ" chất lượng này sẽ giúp cầu thủ Việt trui rèn tốt.
Ngoài ra, đội ngũ HLV tại VBA cũng rất tài năng. Có thể kể ra HLV Matt Skillman của Thang Long Warriors - người từng huấn luyện nhà nghề tại Mỹ, Mexico, Bahrain, Trung Quốc, Qatar... với thành tích ấn tượng 176 thắng - 56 thua (tỉ lệ chiến thắng lên đến 75%). Hay như đội Hochiminh City Wings vừa thuê được cựu cầu thủ NBA Brian Rowsom về dẫn dắt.
* Song song với giải đấu, VBA làm gì để phát triển bóng rổ phong trào?
- Nhìn vào quy định tiền lương sẽ thấy rất rõ chúng tôi muốn phát triển bóng rổ trong nước. Các cầu thủ nước ngoài chỉ có nguồn thu duy nhất và tiền lương trần cũng không được quá cao so với VĐV nội. Chúng tôi ưu tiên VĐV nội và VĐV Việt kiều, những người chắc chắn gắn bó lâu dài với bóng rổ VN.
Đồng hành với VBA, chúng tôi còn nhiều chương trình khác để phát triển bóng rổ phong trào. Đó là quỹ VBA Care để tài trợ các giải phong trào, chương trình "Cột rổ ước mơ" để tặng cột rổ, bóng trị giá hơn 20 triệu đồng/phần cho những nơi vùng sâu vùng xa, chương trình "School Visit" đưa cầu thủ các đội bóng đến trường học để tiếp cận học sinh mỗi năm...
Mỗi năm có thêm 10.000 người chơi bóng rổ
Theo thăm dò của chúng tôi, Hà Nội là địa phương có sự gia tăng lượng người chơi bóng rổ mạnh mẽ nhất với hàng chục trung tâm dạy bóng rổ ra đời mỗi năm. Nếu tính cả nước, mỗi năm có thêm khoảng 10.000 người bắt đầu chơi bóng rổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận