26/04/2018 15:32 GMT+7

Hai miền Triều Tiên từng vuột mất cơ hội hòa hợp như thế nào?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên đã bị bỏ dở năm 1994 khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đột ngột qua đời.

Hai miền Triều Tiên từng vuột mất cơ hội hòa hợp như thế nào? - Ảnh 1.

Cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành - Ảnh: AFP

Tháng 3-1994, không khí trên bán đảo Triều Tiên trở nên ngột ngạt đến khó thở. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ biến Seoul thành "biển lửa". Các cuộc đối thoại cấp chuyên viên giữa hai miền Triều Tiên bị đình chỉ.

Liên tiếp trong mấy tháng sau đó, Triều Tiên tuyên bố thành lập đơn vị quân đội đồn trú tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, bắn tin rút khỏi Cơ quan năng lượng và nguyên tử quốc tế (IAEA).

Thông tin tình báo đổ về Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng thật sự nghiêm túc với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, vốn đã bước vào giai đoạn làm giàu plutonium.

Tháng 6-1994, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, khi ấy đã 70 tuổi, mượn danh nghĩa thương thảo phóng thích các nhà báo Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ, đã đi ôtô từ Seoul sang thẳng Bình Nhưỡng. Chuyến đi khi ấy đã vấp phải sự lo ngại và chần chừ của chính quyền Mỹ Bill Cliton.

Thực tế, kết quả đã tốt hơn thế. Ông Carter đã trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành ngay tại Bình Nhưỡng.

Một thỏa thuận khung giữa hai bên sau đó đã được ký kết, với các điều khoản đề cập tới việc Triều Tiên ngừng hai lò phản ứng hạt nhân đổi lại các khoản viện trợ về kinh tế, tài chính.

Một cơn gió mát xuất hiện, làm dịu đi lò lửa trên bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Kim Nhật Thành, sau cuộc gặp với ông Carter, tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam.

Cá nhân tôi tin rằng cuộc khủng hoảng đã thực sự chấm dứt

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter phát biểu tại Nhà Trắng sau chuyến đi tới Triều Tiên năm 1994

Hai miền Triều Tiên từng vuột mất cơ hội hòa hợp như thế nào? - Ảnh 3.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành (áo xám) chụp ảnh cùng cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter năm 1994 tại Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Ngày 28-6-1994, 2 tuần sau chuyến thăm của cựu tổng thống Mỹ, các bước đi chuẩn bị cho thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bắt đầu. Có quá nhiều việc để xử lý khi đó, từ chuyện nên chọn địa điểm nào đến thời gian tổ chức và công tác an ninh.

Những bước đi liên tiếp và gấp rút khiến người ta tin rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã thực sự chấm dứt vào tháng 6 năm đó.

Đổ vỡ

Tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, khi đó ở tuổi 82, đã làm việc không biết mệt mỏi từ ngày này sang ngày khác. Giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân với Mỹ đã xong, việc đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc đã đẩy nhà lãnh đạo cao tuổi vào một lịch trình mới, dày đặc hơn.

Những cuộc tranh luận trước đó trong nội bộ Triều Tiên giữa hai chuyện "bế quan tỏa cảng" theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt và từ bỏ hạt nhân, mở cửa đón nhận viện trợ đã khiến nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đau đầu lựa chọn.

Nội bộ Triều Tiên có nhiều thay đổi trước cuộc gặp Hàn Quốc

TTO - Kim Chang Son và Ri Son Gwon, những chính trị gia đóng góp chủ yếu vào tình hình an ninh Triều Tiên hiện nay, đang được trao quyền lực nhiều hơn.

Theo một số tài liệu của Trung Quốc, ông Kim Nhật Thành làm việc tới hơn 10 tiếng mỗi ngày trong mùa hè 1994. Sau cuộc gặp với cựu tổng thống Carter, ông Kim lao vào chủ trì các cuộc họp liên quan tới thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng. Thời gian và địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh đã được chốt: 25-7-1994, thủ đô Bình Nhưỡng.

Nhưng một biến cố xảy ra đã chấm dứt tất cả, gây choáng váng những người đang Triều Tiên.

Hai miền Triều Tiên từng vuột mất cơ hội hòa hợp như thế nào? - Ảnh 5.

Tang lễ Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1994 - Ảnh: AFP

2h sáng ngày 8-7-1994, Chủ tịch Kim Nhật Thành trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Bình Nhưỡng. Cuộc gặp thượng đỉnh khi đó chỉ còn cách 17 ngày.

Sự kiện chấn động này đã được giữ kín tới 34 tiếng sau đó. Một cuộc họp cấp chuyên viên giữa hai miền Triều Tiên ngay trong ngày 8-7 bàn về phái đoàn hộ tống hai nhà lãnh đạo vẫn được tổ chức bình thường.

Ngày 9-7-1994, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức phát đi tuyên bố dài 7 trang về sự ra đi đột ngột của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Quốc tang được tổ chức gần 2 tuần sau đó.

Sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành khiến mọi sự nhanh chóng đổ vỡ. Bên kia biên giới, những hành động tưởng nhớ cố lãnh tụ Triều Tiên bị cảnh sát Hàn Quốc trấn áp.

Hai miền Triều Tiên mất đi cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán hòa hợp, chấm dứt hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu nửa thế kỷ trước ngay trong thế kỷ 20.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên