09/07/2016 08:53 GMT+7

Hai mẹ con​ vượt qua khó khăn của số phận

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Mẹ tuy khuyết tật, nhà lại không có đất đai, vốn liếng nhưng bằng nghị lực và ý chí, hai mẹ con từng chút, từng chút một vượt qua khó khăn của số phận...

Hai mẹ con bà Lộc cùng nương tựa vào nhau - Ảnh: MINH TÂM
Hai mẹ con bà Lộc cùng nương tựa vào nhau - Ảnh: MINH TÂM


Mẹ con song hành bên nhau

Buổi sáng, bóng hai mẹ con bà Nguyễn Thị Lộc và Nguyễn Văn Hậu đổ dài phủ xuống mảnh vườn khi cả hai vung tay liềm cắt cỏ thuê.

Tất cả im ắng, tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sạt sạt của liềm phát cỏ bởi hai mẹ con nói chuyện với nhau bằng cách ra dấu hoặc bằng ánh mắt. Làm được một lúc, hai mẹ con ngưng tay nghỉ. Hậu lấy tay chấm mồ hôi trên trán mẹ. Người mẹ cũng dùng tay lau mồ hôi trên trán con.

Bà Lộc chỉ tay xuống đất, rồi chỉ những cây cam. Hậu gật đầu, rồi dùng tay ôm thành vòng tròn. Qua câu chuyện, Hậu dịch cho tôi biết: “Mẹ bảo ráng làm để có tiền mua đất làm vườn trồng cây, em ủng hộ ước mơ của mẹ”.

Cứ vậy, hai mẹ con trò chuyện đủ thứ trên đời, gương mặt họ sáng lên niềm hoan hỉ...

Về nhà, Hậu đem tập ra ôn bài. Người mẹ lại ngồi cạnh bên nhìn con học. Hậu chỉ vào hình người kỹ sư cơ khí, ra dấu. Người mẹ gật đầu, cười tươi, niềm vui như thấm vào khiến gương mặt u buồn giãn ra, căng lên hạnh phúc.

Hậu nói cho chúng tôi biết là mới tâm sự với mẹ ráng học để đủ điểm vào ngành cơ khí của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Mẹ nghe em tả về công việc sau này, thích lắm.

Bà Lộc và chồng chia tay khi bà đang mang thai Hậu. Nhà nghèo, không ruộng vườn, lại thêm câm điếc bẩm sinh nên bà rất vất vả, cực nhọc lo miếng cơm cho con cùng người em gái cũng cùng cảnh khuyết tật như mình.

Thời gian trước, bà làm cỏ thuê, tỉa đậu thuê... nhưng rồi do bà không nghe, không nói được nên dần chủ không thuê nữa. Bà ra đồng mò cua, bắt ốc bán để mua gạo.

Và để bữa cơm có chất, mỗi ngày bà đi vãi chài để kiếm cá ở các ao, mương vườn người. Hôm nào kiếm được tiền ít, bà Lộc buồn xo bởi sợ không lo nổi cho con đi học.

Cực nhọc nhưng mỗi ngày bà đều kiểm tra tập vở của con. Khi thấy tập dính mực, bà lắc đầu ra dấu không hài lòng.

Còn khi con khoe được thầy cô khen, bà rất mừng. Ý thức chuyện mưu sinh nên ngay khi học lớp 8, cậu học trò nghèo này trở thành người đàn ông trụ cột của gia đình, Hậu chủ động đến các chủ vườn xin việc rồi hai mẹ con cùng làm như làm cỏ, rải phân, xịt thuốc, bao trái cây...

Gắng học để có nghề lo cho mẹ...

Cuộc sống của hai mẹ con bấp bênh giữa đôi bờ thiếu đủ nhưng họ cứ trì chí ôm ghì lấy sự học. Thấy mẹ vất vả, sớm hôm lo chuyện học của mình, Hậu thương mẹ nhiều hơn nên càng cố gắng đảm đương vai trò trụ cột khi choàng lấy cực nhọc về phần mình.

Hậu lên lịch, hôm nào học buổi chiều thì nhận làm thuê buổi sáng, và ngược lại. Làm việc mệt, đuối sức, cơ thể rệu rã nên có lúc Hậu muốn nghỉ học.

Nhưng ý nghĩ thoáng qua, cậu học trò nhanh chóng chấn chỉnh lại tinh thần học tiếp. Hậu tâm sự nếu nghỉ học làm thuê thì cuộc đời chỉ quẩn quanh trong cái nghèo khó, đi học dẫu gì vẫn có cơ hội đổi đời.

Tuy mẹ không nói được nhưng chỉ cần Hậu ra dấu bằng ánh mắt, cử chỉ là mẹ hiểu. Niềm hạnh phúc của hai mẹ con rất đơn sơ.

Đó là những lúc đi làm thuê chung, mẹ con trò chuyện đủ điều hoặc những bữa cơm đầm ấm với món canh chua hoặc món kho do dì nấu, với những con cá tươi sống do mẹ chài có được.

Thầy Nguyễn Minh Thiện - hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) - chia sẻ: “Tuy gia cảnh khốn khó nhưng Hậu vẫn bám trường, bám lớp, quyết liệt học cho đến hôm nay. Hoàn cảnh em đặc biệt khó khăn nên trường ưu tiên dành học bổng, tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để giúp em phần nào trang trải cuộc sống”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên