24/09/2022 16:23 GMT+7

Hai mẹ con cùng đậu đại học và những ước mơ dang dở

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Người mẹ 59 tuổi quyết định xét tuyển và nhập học với quyết tâm sẽ tốt nghiệp đại học cùng con trai sau bốn năm nữa...

Hai mẹ con cùng đậu đại học và những ước mơ dang dở - Ảnh 1.

Cô Thu Hương và con trai Nhật Huy chính thức trở thành sinh viên Trường đại học Văn Lang sau khi hoàn thành thủ tục nhập học - Ảnh: TRÀ MY

"Vui lắm. Nhìn các bạn trẻ hồn nhiên trong ngày nhập học, tôi lại nhớ về thời học sinh của mình. Tôi chỉ tiếc là mình không quyết tâm học đại học sớm hơn" - tân sinh viên Nguyễn Thị Thu Hương (59 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Mẹ, con và những ước mơ dang dở

Cô Nguyễn Thị Thu Hương và con trai Nguyễn Nhật Huy vừa hoàn thành thủ tục nhập học, trở thành tân sinh viên Trường đại học Văn Lang, trong đó cô Hương là sinh viên đại học chính quy lớn tuổi nhất của trường. Cô Hương học ngành tâm lý học, trong khi con trai học thiết kế đồ họa. 

Tốt nghiệp y sĩ nha năm 1985, cô Hương làm việc tại Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh trước khi làm trưởng trạm y tế phường gần 10 năm đến khi nghỉ hưu. Cô từng theo học rất nhiều thứ, từ chương trình hóa bậc đại học (bỏ giữa chừng), cử nhân Anh văn, chứng chỉ tin học.

Nhưng với cô, ước mơ lớn nhất là trở thành bác sĩ răng hàm mặt. Nhiều năm tự ôn để chờ ngày Trường đại học Y Dược TP.HCM mở lớp chuyên tu cho y sĩ nha nhưng không có. Chờ mãi, chờ mãi cho đến khi... về hưu năm 2018.

Còn Nguyễn Nhật Huy (22 tuổi) thích vẽ từ nhỏ, và mẹ anh biết điều đó. Khi Huy học lớp 12, cô Hương hỏi con muốn học ngành gì, Huy nói muốn học vẽ. Cô Hương khi đó nói với con rằng con thích vẽ vẫn có thể đi học vẽ nhưng chỉ nên coi đó là đam mê, cần phải có nghề gì đó để sinh sống sau này.

"Mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy để con làm điều con thích, sống vui vẻ, ép uổng con rất tội"

Cô Nguyễn Thị Thu Hương

33 năm làm trong ngành y với những tình cảm đặc biệt, cô hướng con thi vào y dược. Năm đó Huy đậu vào ngành y học dự phòng. Nhưng xong năm thứ 2 đại học, Huy cảm thấy hoàn toàn không hứng thú với ngành này và xin bảo lưu. Qua năm thứ 4, Huy nói với mẹ và quyết định xin nghỉ học.

Thầy cô trong khoa khuyên hai mẹ con hãy tiếp tục bảo lưu, đừng vội nghỉ học. "Mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy để con làm điều con thích, sống vui vẻ, ép uổng con rất tội" - cô Hương nói khi ủng hộ quyết định nghỉ học của con.

Huy đi học vẽ để năm nay dự thi vào ngành thiết kế đồ họa. Cô Hương cũng dùng học bạ xét tuyển vào ngành tâm lý học. Huy được theo học ngành mình yêu thích nên vui hẳn lên. Cô Hương dù không thể hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ răng hàm mặt, nhưng học tâm lý cũng là cách để cô có thể cứu người khi cần thiết. 

Cô chia sẻ: bác sĩ biết dùng thuốc nhưng đôi khi không nắm tâm lý bệnh nhân. Người làm tâm lý lại không biết cách dùng thuốc. Cô hy vọng những gì học được từ ngành tâm lý và kinh nghiệm ngành y 33 năm có thể giúp cô hiểu được tâm lý những người xung quanh và hỗ trợ khi cần thiết.

Muốn học và tốt nghiệp cùng con

Con trai lớn cô Hương tốt nghiệp bác sĩ ngành răng hàm mặt và hiện đang học chuyên khoa 1. Thỉnh thoảng, con trai lớn vẫn nói đùa với cô: "Cái gì mẹ không làm được lại bắt con làm". 

Cô kể năm đó con đậu cả ngành công nghệ thông tin và răng hàm mặt, và cô đã định hướng con học răng hàm mặt "để mình có thể hỗ trợ, chia sẻ phần nào kinh nghiệm của mình". Nếu con học công nghệ thông tin, cô không thể giúp con được gì.

Nay đến lượt cô vào đại học, cậu con trai lớn động viên: mẹ hãy cứ làm những gì mẹ thích và chưa thể làm trước đây. Cậu con trai nhỏ cũng nói rất vui khi đi học cùng mẹ.

Nhìn những tân sinh viên hồn nhiên, vui tươi ngày nhập học, cô lại nhớ về thời đi học còn nhiều khó khăn của mình. "Nếu tôi không chần chừ, đi học ngay khi về hưu thì năm nay đã tốt nghiệp đại học rồi. Đó là điều đáng tiếc. Mặc dù bắt đầu trễ nhưng còn hơn là không" - cô Hương chia sẻ.

Người mẹ ấy dang dở giấc mơ đi học không phải chỉ một lần. Hồi con trai lớn học lớp 12, cô đã từng định sẽ ôn luyện để đi thi và học đại học cùng con. Thế nhưng đi học sẽ phải nghỉ làm, ai sẽ nuôi con? Vậy là cô đành gác lại.

Giờ được đi học cùng con, cô quyết tâm sẽ cùng con tốt nghiệp. "Tôi muốn học cùng con và sẽ quyết tâm để tốt nghiệp cùng lúc. Tôi muốn làm điều mà khi trẻ mình chưa thể làm được do không có điều kiện" - cô Hương nói thêm.

Tâm lý học rất quan trọng

F733830A-19A7-4B22-ACD4-234BEE47929F

Cô Hương chụp hình thẻ trong ngày làm thủ tục nhập học - Ảnh: TRÀ MY

Nói về lý do chọn ngành tâm lý học, cô Hương nói đây là ngành rất cần thiết trong điều kiện hiện nay. Mấy chục năm làm trong ngành y tế, cô băn khoăn nhiều bệnh nhận bị bệnh rất nặng nhưng họ rất khát khao sống. Trong khi đó rất nhiều người trẻ lại có những hành động dại dột, tự kết thúc cuộc sống của mình.

"Họ bị áp lực, trầm cảm do không chia sẻ, không có sự cảm thông của người nhà, bạn bè. Họ tự co cụm với những suy nghĩ tiêu cực và nó ngày càng trầm trọng. Nếu họ cởi mở, hướng ngoại hơn chút, có sự chia sẻ và được lắng nghe sẽ phần nào giải tỏa được và có thể ngăn những hành động như vậy" - cô Hương nói thêm.

Hồi hộp gọi điện nhắc thí sinh nhập học Hồi hộp gọi điện nhắc thí sinh nhập học

TTO - Nhiều trường đại học tiếp nhận thí sinh trúng tuyển nhập học ngay sau khi công bố điểm chuẩn. Một tuần đã trôi qua, số lượng thí sinh xác nhận và nhập học chưa nhiều.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên