Chị Đoàn Thị Phái (chị dâu của trung tá Nghĩa) và bà Hoàn Thị An (mẹ trung tá Nghĩa) từng giờ ngóng tin người thân |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, nhận định hai máy bay này có thể rơi rất gần nhau vì đang cùng bay và cùng gặp sự cố.
Ưu tiên tìm kiếm hai phi công
Theo ông Tuấn, việc phát hiện được đuôi một trong hai máy bay là điều kiện thuận lợi để phát hiện phần còn lại của hai máy bay này.
Theo thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, đây là kết quả của quá trình tìm kiếm quy mô, với bốn tàu kiểm ngư, tàu CSB 2009, tàu pháo, tàu tên lửa 379, tàu vận tải của hải quân và 250 tàu cá của ngư dân cũng được thông báo để sẵn sàng tham gia tìm kiếm.
Ngoài ra, trên vùng trời khu vực tìm kiếm cứu nạn hai máy bay trực thăng của trung đoàn không quân 937 cũng luôn túc trực để phối hợp.
Tín hiệu đầu tiên xuất hiện vào khoảng 9g sáng khi tàu CSB 2009 phát hiện một vệt dài dầu loang. Khoanh vùng vị trí, đến chiều 17-4, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện đuôi của chiếc máy bay SU-22M4 đầu tiên.
Ngay lập tức, đặc công nước đã lặn xuống và xác định vị trí đuôi máy bay nằm cách mặt nước khoảng 35m. Tuy nhiên do trời tối nên việc trục vớt được dời lại vào sáng nay.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói dù đã tìm được đuôi máy bay SU-22M4 nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm kiếm tung tích hai phi công: trung tá Lê Văn Nghĩa và đại úy Nguyễn Anh Tú.
“Cho đến thời điểm này (tối 17-4), chúng tôi vẫn chưa tìm thấy hai phi công. Tôi chưa thể đưa ra nhận định nào lúc này nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa” - thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói.
Trắng đêm đợi con về
Trong căn nhà của mình, ông Nguyễn Văn Thi, cha của phi công Nguyễn Anh Tú, vẫn tỏ ra rất bình tĩnh khi tiếp các đoàn của lãnh đạo Quân chủng phòng không không quân, đồng đội và bạn bè đến chia sẻ.
Ông kể thường mỗi chuyến bay diễn tập của anh Tú bắt đầu lúc 10g sáng và hạ cánh lúc 12g trưa. Rồi thể nào tầm nửa tiếng sau anh Tú cũng gọi về cho bố và vợ con. Nhưng trưa 16-4, mãi sau ca bay rất lâu vẫn không có cuộc điện thoại nào.
Thức trắng đêm đợi tin con nhưng ông Thi vẫn nói với giọng bình tĩnh: “Tôi vẫn chờ em nó về... Nhưng cũng xác định là em nó đã làm tất cả vì Tổ quốc”.
Khác với người cha già, chị Oanh vợ anh Tú đã ngất lịm trước tin máy bay SU-22 mất tích và chị được các đồng đội của chồng đưa vào bệnh xá của trung đoàn 937. Việc trông bé Chíp (con anh Tú) mới 30 tháng tuổi trông cậy vào người cha già và các đồng đội.
Sáng qua, khi được ông nội đưa đến nhà trẻ, bé Chíp dường như đã quen với những lần bố vắng nhà vì ca trực, vẫn bi bô khoe với các chú, các bác đồng đội của bố Tú tấm ảnh của mình được phóng to, phía trên được ghép hình chiếc tiêm kích SU-22 mà bố Tú vẫn thường lái.
Ông Thi kể con trai mình trúng tuyển phi công từ khi đang học lớp 11, sau đó học xong phổ thông là xa gia đình vào Nha Trang, Tuy Hòa và Phan Rang, miệt mài theo những chuyến bay. Đồng đội của đại úy Nguyễn Anh Tú kể khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân Nha Trang với tấm bằng hạng ưu, Tú đã được giữ lại làm giảng viên của trường.
Nhưng ước mơ “phải sống với bầu trời” từ những ngày còn là học sinh đã đưa Tú về trung đoàn 937, thỏa chí với những chiếc tiêm kích thao dượt trên vùng trời Tổ quốc.
“Gần đây thấy sự cố máy bay hơi nhiều, tôi cũng lo nhưng cứ để trong bụng. Nhưng Tú cũng biết bố và vợ con lo nên cứ bay xong là lại điện về. Lần này thì chờ mãi mà chưa thấy...” - ông Thi nói, đôi mắt già nua cứ chơm chớp ngăn lại nỗi buồn.
Niềm tự hào của cả dòng họ
Trung tá Lê Văn Nghĩa, phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, quê ở thôn Xuân Đài, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Trong căn nhà ba gian của gia đình trung tá Nghĩa chỉ còn những người phụ nữ ngồi ngóng tin, mẹ ngóng tin con, chị ngóng tin em và em ngóng tin anh, xóm làng ngóng tin người cùng quê.
“Trưa nay, nơi chú ấy công tác có cử người về đón gia đình vào trong Cam Ranh, bố tôi và các em đều đi hết, chỉ còn mấy chị em dâu ở lại chăm mẹ, cầu mong cho chú ấy bình an” - chị Đoàn Thị Phái, chị dâu trưởng của trung tá Nghĩa, nói.
Giữa căn nhà toàn phụ nữ, ánh mắt bà Hoàn Thị An, mẹ trung tá Nghĩa, hướng chăm chăm tới bức hình chụp những chiếc máy bay giữa bầu trời xanh. “Lúc nhỏ nó cứ mơ ước được làm chủ bầu trời. Niềm vui đến, nó sướng đến nghẹn ngào khi được tuyển chọn làm phi công. Nó là niềm tự hào của dòng họ” - bà An nghẹn giọng.
Là chị dâu cả của gia đình, chị Đoàn Thị Phái vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người em mà chị gọi là “ưu tú” nhất trong gia đình.
“Có hỏi cả làng thì ai cũng chỉ một câu nói chú ấy là người con ngoan và giỏi từ nhỏ. Năm chú ấy học lớp 11 của Trường THPT Ứng Hòa B, khi có đoàn về khám tuyển phi công, chú ấy là người duy nhất đạt tất cả các tiêu chuẩn. Cả nhà tự hào lắm” - chị Phái kể.
Trong câu chuyện kể về trung tá Nghĩa, chị Phái không ngớt lời khen. “Mới có 42 tuổi mà đã là trung tá, phó trung đoàn trưởng, mỗi lần chú ấy về là nhà vui, xóm vui...” - chị Phái bỏ lửng câu nói.
Chị Lê Thị Thu Hiếu, em dâu trung tá Nghĩa, cho biết cả nhà đông anh em, trong nhà chỉ có bác Nghĩa và chú út là đỗ đạt. “Mỗi lần về quê bác ấy nhất mực chỉ nói có đói cũng phải cho con học, thiếu thốn bác phụ cho” - chị Hiếu tâm sự.
Là người cùng thôn, chị Lê Thị Thúy lặng lẽ qua phụ giúp công việc của gia đình trung tá Nghĩa. Chị Thúy kể ngày trước chị là người thường bế Nghĩa mỗi lúc rảnh. “Trưởng thành đi học xa, công tác xa, nhưng mỗi lần ghé về quê, dù bận cỡ mấy chú ấy cũng tới chào rồi mới đi” - chị Thúy nói.
Nghe chị Thúy nói, chị Phái lại nức nở: “Năm ngoái chú ấy về thăm nhà được hai lần. Lần đầu vào dịp 30-4, chú ấy về chốc lát rồi lại đi ngay. Lần hai chú ấy bận lắm nhưng cũng gắng về... Còn giờ thì chúng tôi chỉ biết cầu mong cho chú ấy, hi vọng chú ấy bình an”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận