Mảnh vỡ đủ cỡ từ hai chiếc máy bay rơi trong buổi biểu diễu bay ở sân bay Dallas Executive ngày 12-11-2022 - Ảnh: AP
Theo Đài CBS News, tổ chức phi lợi nhuận Commemorative Air Force - đơn vị tổ chức sự kiện biểu diễn bay "Wings Over Dallas" - cho biết có sáu người trên hai chiếc máy bay vào thời điểm xảy ra tai nạn giữa chiếc Boeing B-17 và chiếc Bell P-63 Kingcobra.
Chiếc Bell P-63 Kingcobra chỉ có một phi công, trong khi chiếc Boeing B-17 có năm người trên khoang. Không có khách tham quan nào trên máy bay.
Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra lúc 13h20 trưa 12-11 (giờ địa phương). Theo trang Dallas Morning News, lực lượng cứu hộ lập tức đến hiện trường vụ tai nạn tại sân bay Dallas Executive.
Anh Anthony Montoya (27 tuổi), người tham dự sự kiện và nhìn thấy hai máy bay đâm vào nhau, nói với Đài ABC News: "Tôi chỉ biết đứng sững tại chỗ. Tôi hoàn toàn bị sốc và không thể tin được. Mọi người xung quanh đều há hốc mồm. Chúng tôi đều bật khóc. Tất cả đều bị sốc".
Hai máy bay thời thế chiến đâm nhau trong sự kiện biểu diễn máy bay ngày 12-11 ở Mỹ - Nguồn: BNO News
Hai máy bay gặp nạn do Commemorative Air Force sở hữu. Các phi công tình nguyện tham gia sự kiện là những người đã được huấn luyện bài bản, thường là các phi công về hưu.
Ngày 13-11, nhóm các nhà điều tra của Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia sẽ đến hiện trường vụ tai nạn để điều tra.
Máy bay B-17, nền tảng của sức mạnh không quân Mỹ trong Thế chiến thứ II, là một máy bay ném bom bốn động cơ khổng lồ được sử dụng trong các cuộc không kích chống lại Đức.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu Kingcobra được các lực lượng của Liên Xô sử dụng chủ yếu trong chiến tranh.
Đa số các máy bay B-17 đã bị loại bỏ vào cuối Thế chiến thứ II và chỉ còn lại một số ít cho đến ngày nay. Phần lớn được trưng bày tại các bảo tàng và triển lãm hàng không, theo Boeing.
Các đoạn clip trên mạng xã hội cho thấy chiếc Kingcobra dường như đã lao vào chiếc B-17. Sau đó, hai máy bay lao xuống đất và phát nổ.
Hai máy bay thời thế chiến đâm nhau trong sự kiện biểu diễn máy bay ngày 12-11 ở Mỹ - Nguồn: JASON WHITELY
Chị Aubrey Anne Young, 37 tuổi, sống ở Leander, Texas, người chứng kiến vụ tai nạn máy bay, cho biết: "Thật sự kinh hoàng khi chứng kiến vụ tai nạn xảy ra".
Theo ABC News, vấn đề an toàn của các buổi bay biểu diễn - đặc biệt là với các máy bay quân sự cũ - đã được nêu ở Mỹ trong nhiều năm qua.
Năm 2011, 11 người đã thiệt mạng ở Reno, Nevada, khi một chiếc P-51 Mustang lao vào khán giả. Năm 2019, một máy bay ném bom bị rơi ở Hartford, Connecticut, khiến bảy người thiệt mạng.
Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia cho biết họ đã điều tra 21 vụ tai nạn kể từ năm 1982 liên quan đến máy bay ném bom thời Thế chiến II, khiến tổng cộng 23 người chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận