TTCT - Ông Prabowo đã chính thức nhậm chức tổng thống Indonesia, nhưng cái bóng của người tiền nhiệm Jokowi vẫn còn đó... Ở tuổi 75, cựu tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tham gia chính trường đủ lâu để biết cách gửi gắm một thông điệp mà không cần nói thẳng ra.Trong sự kiện tháng trước nhân kỷ niệm thành lập Đảng Dân chủ Indonesia, ông bày tỏ lo ngại về tình trạng "hai mặt trời" ở nước này, theo Nikkei Asia. Ông Jokowi (phải) và ông Prabowo. Ảnh: setneg.go.id"Một đất nước, một tổ chức, bao gồm cả đảng chính trị, sẽ hỗn loạn khi có nhiều mặt trời - ông Yudhoyono nói - Cứ tưởng tượng, chỉ một mặt trời đã là đủ nóng. Sẽ thế nào nếu có hai, hay thậm chí ba mặt trời?".Trong bối cảnh ông Prabowo Subianto, 72 tuổi, chính thức tiếp nhận ghế tổng thống nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vào ngày 20-10, chính trường Indonesia đều hiểu: ông Yudhoyono ám chỉ cuộc giằng xé giữa tổng thống tiền nhiệm Joko "Jokowi" Widodo với tổng thống sắp nhậm chức Prabowo.Xây dựng ảnh hưởng sau từ nhiệmVới nhiều người quan sát, ông Yudhoyono có vẻ đang chỉ trích ông Jokowi, 63 tuổi, người được cho là đã có một loạt động thái nhằm tăng ảnh hưởng gần đây, khiến nhiều người lo ngại về nền dân chủ mong manh của Indonesia.Giai đoạn chuyển giao dài trước khi ông Prabowo nhậm chức được đánh dấu bởi "một tổng thống sắp ra đi cố gắng rất quyết liệt để giữ lại ảnh hưởng và một tổng thống sắp nhậm chức rất muốn củng cố quyền lực của mình", theo Sana Jaffrey, chuyên gia về chính trị châu Á ở Đại học Quốc gia Úc (ANU).Về việc ông Jokowi muốn tăng cường ảnh hưởng, giới quan sát nhắc về việc người đứng đầu đảng lớn thứ hai Indonesia bị lật đổ và việc thay lãnh đạo ở cơ quan quản lý cộng đồng doanh nghiệp. Trong vấn đề thứ nhất, ông Jokowi bị chỉ trích khi tìm cách giành quyền kiểm soát Đảng Golkar sau tranh cãi về cuộc bầu cử tổng thống với Đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P), nơi ông từ lâu vẫn là thành viên, khiến ông không còn căn cứ đảng.Trong chuyện thứ hai, một số chuyên gia cho rằng việc ông thay đổi lãnh đạo ở Phòng Thương mại Công nghiệp Indonesia (KADIN) ngay khi sắp rời ghế tổng thống cũng liên quan tới những sắp xếp "hậu sự". Trong năm nay, ông Jokowi cũng được cho là có dính dáng tới việc đổi luật nhằm giúp con ông ra tranh cử lãnh đạo địa phương (thay đổi sau đó đã bị tòa bác bỏ). Ngoài ra, việc thay đổi luật nhằm phục hồi cơ quan cố vấn tổng thống cũng bị chỉ trích là muốn quay về mô hình chính quyền độc tài của cố tổng thống Suharto giai đoạn 1966-1998.Andrew Delios, giáo sư tại Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore, nói các động thái của ông Jokowi và Prabowo là bình thường trong chính trị. "Các quan chức thắng cử đều muốn củng cố cơ sở chính trị của mình", Delios nói với Nikkei Asia. Ông cũng cho rằng áp lực chính trị sẽ là thuốc thử với các định chế dân chủ ở Indonesia. Mặt khác, theo ông Delios, việc tiếp tục tập trung quyền lực và theo đuổi chính sách hỗ trợ kinh tế như thời Jokowi của ông Prabowo có thể giúp "đẩy nhanh quá trình ra luật và chính sách hỗ trợ phát triển một cách hiệu quả như kiểu Singapore và Trung Quốc".Indonesia hiện đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,1% cho năm 2024 và 5,2% cho 2025, so với 5,05% của 2023. Ông Prabowo thậm chí đặt mục tiêu tham vọng tăng trưởng 8% vào năm 2029 cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.Ảnh: ReutersCùng hợp lực loại đối thủChiến thắng áp đảo của ông Prabowo trong bầu cử tổng thống hồi tháng 2 một phần nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Jokowi. (Con trai cả của ông Jokowi, Gibran Rakabuming Raka, là ứng viên phó tổng thống cùng ông Prabowo).Chuyên gia Jaffrey của ANU nói "lợi ích song trùng" giữa tổng thống đương nhiệm và tổng thống tương lai dẫn tới việc cả hai cùng hợp lực để loại các đối thủ trước bầu cử lãnh đạo địa phương vào tháng 11.Đáng chú ý nhất là việc loại Thống đốc Jakarta Anies Baswedan, đối thủ của ông Prabowo trong cuộc đua tổng thống, ra khỏi cuộc đua thống đốc. Dù trước đó dẫn trong các thăm dò rất xa, chiến dịch tái cử của ông Anies buộc phải dừng đột ngột sau khi ba đảng chính trị trước đó ủng hộ ông đột ngột chuyển hướng sang ủng hộ ông Prabowo. Động thái này được cho là nhằm ngăn trước cơ hội của ông Anies trong bầu cử tổng thống năm 2029."Mô típ rất quen thuộc - ông Anies nói với Nikkei - Chính phủ không nên can thiệp vào các quá trình chính trị đảng phái. Vai trò của các đảng phải chính trị cần được tôn trọng, nhưng… chúng ta đang thấy những áp lực với các đảng". Liên minh Indonesia tiến bộ của ông Prabowo, với sự ủng hộ của ông Jokowi, giờ đã có 13 đảng chính trị - bao gồm 7/8 đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện. Tổng cộng họ nắm tới 80% số phiếu ở quốc hội, trong khi Đảng PDI-P (đảng cũ của ông Jokowi) giờ đơn phương trong vai đối lập. Quốc hội 580 thành viên này đã nhậm chức vào ngày 1-10 vừa rồi.Mặc dù vậy, ông Prabowo vẫn không muốn thấy các đảng đối lập chống lại chính phủ: "Chúng ta cần hợp tác. Không cần phải học các văn hóa khác. Đối lập, cãi vã… là văn hóa phương Tây", ông nói hồi tháng 8. Hạ viện Indonesia hồi tháng 9 thay đổi luật cho phép tổng thống bổ nhiệm hơn 34 bộ trưởng, cao hơn trần trước kia, động thái mà giới quan sát cho rằng để có thêm ghế cho các thành viên trong liên minh ngày càng phình ra của ông Prabowo.Ujang Komarudin, giảng viên Đại học Al-Azhar Indonesia, nói nội các mới có "khoảng 50% là người của Jokowi. Đây là chính trị nhượng bộ của Prabowo". Ông Prabowo thì bảo vệ quyết định mở rộng nội các, một số báo chí nói nội các mới có thể tới 44 bộ trưởng. "Indonesia là nước lớn, tương đương với EU gồm 27 quốc gia. Nếu thượng tầng của Indonesia có thể hợp tác, Indonesia sẽ không thể bị cản trở".Cùng lúc, Indonesia sẽ bầu lãnh đạo vùng trên toàn quốc vào ngày 27-11. Cuộc đua sẽ bao gồm thống đốc 37 tỉnh, và người đứng đầu 508 cơ quan địa phương. Các cuộc đua này là bệ phóng cho những chính trị gia mới nổi để bước ra sân đấu toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh lớn như Jakarta, Tây Java và Trung Java. Kết quả bầu cử cũng sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định thành công với các chính sách của ông Prabowo. Chương trình bữa ăn miễn phí cho học sinh của ông chẳng hạn sẽ cần sự ủng hộ của chính quyền địa phương khi triển khai.Ảnh: Kilat SoloTrong khi đó, ông Jokowi - người theo hiến pháp không được làm quá hai nhiệm kỳ - lại đang tìm cách tìm vị trí cho riêng mình và gia đình trong chính quyền mới, theo giới quan sát. Những người ủng hộ ông đang nắm quốc hội và tháng trước đã đồng ý thay đổi luật về hội đồng cố vấn tổng thống.Luật mới phục hồi quyền lực của hội đồng này tương đương với các định chế cấp nhà nước, dấy lên phỏng đoán là ông Jokowi sẽ tham gia hội đồng sau khi từ nhiệm. Trước đó, ông vẫn nói là sẽ trở về quê nhà ở Solo, Trung Java, sau khi hết nhiệm kỳ."Luật pháp đang bị lèo lái, và hiến pháp hầu như bất lực trong đối phó với các bất công và sự tham lam của những người nắm quyền - cơ quan Transparency International ở Indonesia nói hồi tháng 8 - Chính trị đang bị lợi dụng để duy trì một triều đại chính trị sau 10 năm nắm quyền".Giới phân tích còn cho rằng tổng thống đã can thiệp để hạ bệ lãnh đạo KADIN hồi tháng trước, dấy lên lo ngại về việc chính quyền can thiệp vào các tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Jokowi thì bác bỏ mọi cáo buộc. Về cuộc tranh luận này, ông nói: "Đừng đá quả bóng cho tôi". Người phát ngôn của tổng thống nói các biến động là "vấn đề nội bộ của KADIN".Ông Jaffrey của ANU thì chỉ trích "các động thái rất mạnh tay" từ phía Jokowi nhằm đảo bảo vị thế sau khi ông rời nhiệm sở. "Có lẽ di sản lớn nhất mà Jokowi để lại là các cách thức cho chính trị mạnh tay kiểu này - ông Jaffrey nói - Prabowo sẽ tiếp quản một nền tổng thống quyền lực và ít chịu trách nhiệm giải trình hơn kể từ khi Indonesia chuyển sang thiết chế dân chủ từ năm 1998". ■ Vụ can thiệp rõ nhất của ông Jokowi là việc Tòa Thượng thẩm hồi tháng 5 mở đường cho con trai nhỏ tuổi nhất của ông Kaesang Pangarep, 29 tuổi, được tham gia tranh cử thống đốc ở tỉnh Trung Java, dù không đạt quy định về tuổi. Động thái này cũng giống với việc thay đổi luật năm ngoái để con trưởng Gibran, 36 tuổi, được tham gia tranh cử phó tổng thống, bất chấp quy định trước đó là phải đủ 40 tuổi.Tòa Hiến pháp hồi tháng 8 đã bác phán quyết của Tòa Thượng thẩm, dẫn tới việc các nghị sĩ ở địa phương đang tìm cách đổi luật ở cấp vùng, về bản chất là chống lại phán quyết của tòa. Các động thái này sau đó bị phản đối kịch liệt từ sinh viên và các nhóm dân sự, khiến ông Kaesang sau đó phải rút lui, không tranh cử nữa. Tags: Bầu cử tổng thống IndonesiaĐảng Dân chủ IndonesiaJokowiPrabowo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...