Tuyên bố chiến thắng sớm của tỉ phú Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), với kết quả ấn tượng giành được 152 ghế, cùng với 141 ghế thuộc quyền kiểm soát của Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) ở Hạ viện là những minh chứng quan trọng cho nguyện vọng đổi mới và trở lại một chính phủ dân sự của người dân Thái Lan.
Kịch bản Pheu Thai 2019 lặp lại?
Tuy nhiên, thắng lợi về đầu phiếu dù mang tính áp đảo nhưng lại chưa mang đến những kịch bản quá lạc quan cho cả hai đảng MFP và Pheu Thai.
Chiếu theo hiến pháp được soạn thảo mới vào năm 2017, chức danh thủ tướng sẽ phải nhận hơn 50% tổng số phiếu bầu từ Quốc hội Thái Lan, bao gồm cả 500 thành viên vừa được bầu ở Hạ viện và 250 thành viên ở Thượng viện.
Cũng theo hiến pháp này, 250 ghế ở Thượng viện sẽ không bầu cử trực tiếp mà được ấn định dưới thời chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nên đều là các chính trị gia thân quân đội.
Vì vậy, các kịch bản cho diễn biến sắp tới trên chính trường Thái Lan đều đang không có lợi cho các đảng cấp tiến.
Mặc dù Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đã xác nhận sự dẫn đầu cuộc bầu cử Hạ viện của Đảng MFP, nhưng con số 152 ghế mà họ đạt được lại không khác biệt bao nhiêu so với thành tích dẫn đầu tương tự của Đảng Pheu Thai với 136 ghế vào năm 2019.
Đảng Pheu Thai sau đó đã tích cực vận động nhưng cuối cùng vẫn thua trong cuộc đua thành lập chính phủ về tay Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath hay PPRP) của ông Prayut Chan-o-cha.
Trong đó, 249 phiếu bầu cho ông Prayut từ nhóm chính trị gia thân với quân đội ở Thượng viện đã góp phần quan trọng vào con số hơn 251 phiếu tối thiểu ở Hạ viện của liên minh 19 đảng phái khác nhau. Liên minh do Đảng Palang Pracharath dẫn đầu này đã mang đến quyền thiết lập chính phủ của đảng này.
Nói cách khác, sự áp đảo hiện tại của MFP chỉ đang mở lại một "khe cửa hẹp" như khe cửa mà Đảng Pheu Thai đã trải qua vào năm 2019. Điểm khác ở đây chỉ nằm ở việc cả MFP và Pheu Thai đều đang dẫn hai vị trí đầu bảng sau cuộc bầu cử Hạ viện ngày 14-5.
Điều này khiến kịch bản MFP và Pheu Thai cùng vận động liên minh thành lập chính phủ sẽ có hiệu quả lớn hơn, khi đối thủ gần nhất của họ là Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) đứng thứ ba chỉ có 70 ghế.
Tuy nhiên, nỗ lực đạt được con số 376 phiếu để vượt quá bán tổng số 750 phiếu trong đợt bỏ phiếu ở quốc hội vào tháng 8 sắp tới dường như đã trở nên quá khó cho MFP, khi đảng này không thể hy vọng vào các thành viên Thượng viện vốn có truyền thống thân quân đội.
Kết quả liên minh hiện tại mà MFP tuyên bố đã vận động được bao gồm các Đảng Pheu Thai và bốn đảng nhỏ hơn khác chỉ đang đem về được 309 ghế ở Hạ viện, giúp liên minh này đủ tiêu chuẩn thành lập chính phủ dự kiến trước kỳ bỏ phiếu ở quốc hội chứ khó có thể đi xa hơn.
Đảng của ông Prayut còn cơ hội?
Với chiến thuật lập đảng mới là Đảng Quốc gia thống nhất (UTN) nhằm hậu thuẫn cho đảng cầm quyền PPRP đang bị mất uy tín, Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng đạt được 376 phiếu bầu ở quốc hội khi dường như ông đã chắc chắn nhận được 250 phiếu từ Thượng viện.
Theo khả năng này, chỉ cần vận động thêm 90 phiếu ở Hạ viện là Đảng UTN đạt đủ tổng số phiếu cần thiết. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi thiết lập liên minh giữa UTN (36 ghế) với các đối tác có cùng lập trường ủng hộ chính quyền quân sự là PPRP (40 ghế) và Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai, có đến 70 ghế và từng thuộc liên minh cầm quyền của PPRP).
Nhưng lúc này, UTN lại gặp đến hai điểm bất lợi. Thứ nhất, đó là liên minh của UTN không thể vận động đủ tối thiểu 251 phiếu ở Hạ viện để đạt tiêu chuẩn thành lập chính phủ trước kỳ bỏ phiếu bầu thủ tướng ở quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh các đảng đối lập của họ đã vận động được tất cả các đảng nhỏ có quan điểm trung lập vào liên minh của MFP và Pheu Thai.
Thứ hai, dựa trên nền tảng UTN khó có thể vượt qua vòng tiêu chuẩn ở Hạ viện. Đảng Bhumjaithai - với lập trường có thể tham gia bất kỳ bên nào - khả năng rất cao sẽ ngả về liên minh do MFP lãnh đạo, từ đó tạo nên tổng số phiếu 379 cần thiết cho liên minh các đảng cấp tiến này.
Nhìn chung, cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan năm nay có nhiều chỉ dấu sẽ mở ra một thắng lợi sát sườn cho các đảng cấp tiến nhằm thành lập một chính quyền dân sự mới với những cam kết cải cách kinh tế, phúc lợi và tạo điều kiện cởi mở dư luận hơn giai đoạn trước.
Tuy kết quả hiện vẫn chưa rõ ràng và nhiều kịch bản bất ngờ vẫn có thể diễn ra, ý chí và nguyện vọng đổi mới vẫn đang được khẳng định như một làn sóng chính trị không thể đảo ngược ở đất nước Thái Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận