<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Phóng to
“Không bổ trên cũng bổ dưới”
Là lời quả quyết của <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam “khịt”, bởi theo lời Nam, thì cho dù là huyết của con gì - nhất là rắn - khi uống vào cơ thể, đều có tác dụng kiểu “ông uống bà khen”.
Nhận lời mời của Nam, tôi đến một quán nhậu trên đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận. Đón tôi trong căn phòng Vip, máy lạnh chạy rù rù, vài em “chân dài” phục vụ tỏa mùi thơm ngát. Nam chỉ vào thành phần bạn nhậu giới thiệu từng người một, y như cái kiểu trong các cuộc họp. Sau lời giới thiệu là bợm nhậu đứng lên chào mọi người rất bài bản.
“Hôm nay cho ông nhậu đặc sản rắn hổ mang, gồm có cháo hổ nấu đậu xanh, gỏi rắn hổ rút xương, và món đặt biệt là huyết rắn hổ pha rượu vodka”. Nói rồi Nam ra hiệu cho các em chân dài mang mồi và rượu huyết rắn lên. Mồi nhậu thì không có gì để nói, nhưng nhìn mấy chai rượu vodka loại 500ml, ướp lạnh, đỏ lòm, tanh mùi máu, tôi nổi cả da gà. Thế nhưng cả nhóm bạn nhậu của Nam vẫn hồn nhiên nốc ừng ực.
Nhưng hãi nhất là lúc các bợm đề nghị: “Uống huyết không bổ bằng uống mật, nên bây giờ chuyển qua uống mật cho bổ”. Thế là một chai rượu vodka ướp lạnh ngâm với mật rắn được mang ra. Mùi tanh của huyết, cộng với mùi tanh, vị đắng của mật tạo thành một thứ mùi hôi khó tả. Nhận ly rượu từ tay Nam, đưa lên tới mũi tôi đã muốn nôn ra, vậy mà Nam và nhóm bạn quất liên tù tì đến hai chai loại 500ml như người ta uống nước lã.
Lần khác, theo Hoàng - một bợm nhậu ghiền “kính thưa các loại huyết” - tôi cùng hắn đến một quán nhậu tít ở Củ Chi. Thấy tôi thắc mắc vì đi xa, Hoàng giải thích: “Ở Sài Gòn, không có quán nào có đặc sản huyết dơi như ở đây, uống một lần là ông ghiền luôn. Mà uống rượu pha tiết thì không bổ trên cũng bổ dưới, công hiệu hơn cả nhân sâm”. Đó là một quán nhậu bình dân, nhưng mồi ở đây, theo lời chủ quán thì “Sài Gòn, chỉ có một mình em”.
Nói rồi gã chủ quán kêu nhân viên mang lên một chiếc lồng có hơn 20 con dơi đang bay loạn xạ, kêu gào thảm thiết. Chọn lấy 5 con dơi to nhất lồng, gã chủ quán cười cầu tài, miệng liến thoắng: “Thịt luôn hả anh? Hiếm lắm mới có được dơi to, chứ bình thường, dơi to bị các lái lùng mua trên đường vận chuyển hết”.
Nói rồi gã bắt dơi ra và cắt cổ như người ta cắt cổ gà. Nhìn con dơi kêu éc éc, giãy giụa, máu chảy xuống chiếc xoong, tôi thấy rùng mình với kiểu “hành quyết” kinh dị của tay “đao phủ” kiêm chủ quán. “Năm con này pha một lít là vừa rồi, uống đậm đặc mới ngon, chứ nhiều cha tham lam, pha nhiều, uống nhạt như nước lã”. Vừa “hành quyết” dơi, gã vừa nói.
Lấy lý do “nhìn thấy tận mắt cảnh làm thịt dơi nhậu mới đã”, tôi theo gã xuống bếp. Đập vào mắt tôi là vô số chai rượu có màu đỏ như máu để dưới nền nhà loang lổ rác thải cạnh sàn nước. Cầm lên một chai, tôi định mở nắp ra thì gã giật lại bảo: “Anh mở ra là hư hết rượu của em, số rượu đó mấy ông khách Sài Gòn đặt hàng cả tuần nay rồi”.
Vào sâu bên trong bếp, tôi thấy có hơn chục bịch huyết heo. Thấy tôi nhìn nhìn, gã cười giả lả chép miệng bảo: “Anh biết rồi, em chẳng giấu gì, đó là tiết heo em mua ngoài chợ về pha rượu giao cho khách ở xa (khách đặt hàng ở Sài Gòn chẳng hạn), chứ anh em mình quen biết thì toàn chơi đồ xịn”. “Làm thế lúc uống người ta không nhận ra à?” - Tôi hỏi. “Sao mà nhận được, nếu nhận ra em vỡ mồm từ lâu rồi. Mấy bố nhà giàu cứ nghĩ mình có tiền là có tất cả, nên ỷ lại vào đồng tiền lắm. Tiết dơi chứ có phải heo, bò đâu mà lắm thế. Nên bọn em phải “luồn” thì mới sống được.” - Gã thật thà cho biết.
Coi chừng bổ ngửa
Đã qua rồi cái thời các bợm nhậu pha rượu với nước tăng lực, la hán quả, hay ngâm với vài vị thuốc Bắc thông thường. Ngày nay, do nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, nên người ta không ngại “ném tiền qua cửa sổ” để mua những hủ rượu ngâm dạng thập cẩm như rắn, bìm bịp, cá ngựa, tắc kè, thậm chí là bào thai động vật cũng bị đưa vào ngâm để phục vụ như cầu hưởng thụ. Mà đa phần, người ta chỉ nghe theo lời đồn kiểu như “ngâm con này bổ não, ngâm con kia tốt cho gân cốt...” chứ hoàn toàn không có tài liệu, hay công bố nào của các cơ quan chuyên môn khẳng định rằng ngâm như thế là tốt.
Tại một con hẻm nhỏ trên đường Tên Lửa quận 6, tình cờ tôi chứng kiến hơn chục người đàn ông bu đen bu đỏ quanh người bán rượu bổ... dạo. Nhìn chiếc xe gắn máy cà tàng, đeo bên hông hai chiếc lu loại lớn chứa rượu bổ, cùng lỉnh kỉnh hơn chục chiếc bình nhựa loại 1-2 lít dùng đựng rượu bán cho khách. Thấy khách bu đen nhưng chưa ai mua, ông ta liền “lặn” tay trần xuống đáy lu, lôi lên đủ thứ rễ cây các loại mà ông cho là “vị thuốc Bắc gia truyền” vứt tênh hênh trên nắp chiếc lu.
Và có lẽ như thấy các loại rễ cây “thuốc Bắc gia truyền” không đủ làm xiêu lòng khách hàng, ông lại lặn tay xuống đáy lu một lần nữa, lôi lên con cù lần, hai con bìm bịp, với lời quảng cáo: “Rượu bổ gia truyền, toàn ngâm với động vật quý hiếm, bán rẻ làm quen cho bà con uống thử chỉ 20.000đ 1/lít”. Nói xong, ông thọc chiếc ca nhựa xuống lu múc rượu lên mời khách “uống thử trước rồi mua sau”.
Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy” nên sau lời “quẳng cáo” ấy, khách hàng mua ồ ạt, người 2 lít, kẻ 5 lít, chẳng mấy chốc mà 2 chiếc lu rượu bổ chỉ còn trơ đáy. Tò mò, nhân lúc ông đang thu dọn “chiến trường” để chuẩn bị về, tôi nhìn vào lu, và hoảng hồn khi thấy bên trong toàn là gián và cả một cái “bỉm” em bé.
Nhìn quanh chỉ còn mình tôi, ông lấy chiếc bỉm ra vứt xuống lề đường gãi đầu giải thích: “Chắc tối qua nhà cúp điện, mụ vợ thay tã cho con xong làm biếng mang xuống, đứng trên gác quăng đại xuống đây mà”. Nói rồi, ông cười vẻ thần bí và tiếp: “Cũng may khách mua rượu về hết không còn ai, chứ họ mà thấy chắc cả nhà uống rượu thay cơm”.
Lần khác, trong vai một lái chuyên đi mua rượu tận lò về bỏ mối cho các tỉnh miền Tây, tôi theo chân L. một thanh niên hành nghề bỏ mối rượu ngâm cho các quán nhậu, tôi vào nhà trọ của hắn tít trong con hẻm lầy lội ở quận 12. Đó là một căn phòng nhỏ, mùi hôi của xác chết động vật bốc lên thường trực. Từ trong bếp lên tận gầm giường, nhìn đâu cũng thấy la liệt các chai rượu ngâm và lồng nhốt rắn, bò cạp, tắc kè.
Nhưng kinh khủng nhất là cách pha chế rượu bổ của L. Một chiếc thau nhựa dùng để ngâm áo quần dơ trong buồng tắm, L. mang ra để hứng tiết rắn mà không thèm rửa, cứ thế, hết con rắn này đến con rắn khác bị cắt đuôi cho tiết chảy xuống chiếc thau bên dưới, cắt tiết hơn chục con, L. mang can rượu vừa mua về đổ ào chung vào thau tiết rắn, đổ thêm ít phẩm màu đỏ vào thau cho “lên màu”, sau đó đưa nguyên bàn tay bẩn thọc vào khuấy quanh thau vài lần cho đều, sau đó L. mang ra một thau các loại rễ cây, táo Tàu đổ chung vào thau rượu và múc cho vào can loại 20-30 lít để mang đi bỏ mối cho quán nhậu.
“Ngâm toàn thuốc tốt không, vậy sao có lời?” - Tôi hỏi. Cười hè hè, L. trả lời: “Thuốc tốt gì đây, toàn sái thuốc mua lại của mấy cửa hàng thuốc Bắc, chứ mua thuốc chưa ngâm lấy gì mà ăn, các quán nhậu khu vực quận 12 và giáp ranh này, toàn tiêu thụ rượu của tui không”. “Mình bỏ cho các quán mỗi lít chỉ trên dưới 20.000đ, nhưng khi chủ quán bán ra cho bợm nhậu thì giá đội lên từ 10.000đ cho đến vài chục ngàn một xị tùy theo loại. Nhưng nói cho cùng, thì dù có gắn lên đó cái mác gì, cũng toàn là lấy rượu của tui không hà” - L. tiết lộ thêm.
Viện lý do để về tìm hiểu kỹ thị trường, tôi chuẩn bị ra về thì L. hiến kế: “Dân Miền Tây nhậu ác lắm, ông cứ lấy rượu của tui về, dán nhãn rượu bổ lên, người ta mua ầm ầm chứ gì”.
Tuổi Trẻ Cười số 434 (15-08-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận