2h sáng, tiếng sóng bỗng cuộn lên dữ dội. Những tiếng rít của gió kèm tiếng cót két của mấy xà gỗ như sắp rớt chà xát vào mảng tường vôi khiến mẹ con bà Nguyễn Thị Hường không thể chợp mắt được.
Ôm chăn mùng, chạy sóng biển giữa đêm
Bà Hường bật dậy cầm chiếc đèn pin, cố thật khẽ để hai đứa con đang nằm bên bà không thức giấc. Nhưng chúng cũng chẳng ngủ được. Sóng gió ầm ầm dữ dội quá.
Bà Hường thò đầu nhìn qua tấm cửa kính ngăn từ sân vào nhà. Nhưng giờ tấm kính đó đang là thứ ngăn cách cuối cùng cho mẹ con bà giữa bên ngoài là sóng lớn đang đổ vào, bên trong này là tấm nệm, chiếc bếp gas, tủ lạnh và kệ sách vở học tập của con.
Ngôi nhà hướng biển từng đẹp như tranh. Những gốc dừa cao tỏa bóng xuống bãi cát mịn che chở cho ngôi nhà của hai vợ chồng cùng hai cậu con giờ chỉ còn thòi lại một gian từng làm chỗ để xe máy.
Bước qua cửa kính giờ đây không còn là phòng khách, lối đi xuống bếp, phòng ngủ nữa mà tất cả chỉ còn lại gạch đá đổ nát và vực sâu sa chân xuống chân sóng. Nền nhà đã bị ăn sâu ¾, chỉ còn lại gian ngoài, phía sau đã hở hàm ếch và như chờ cơn sóng cuối cùng tới hốt đi.
Ông Lý Xuân Hiếu, chồng bà Hường, làm nghề lái xe, có cuộc gọi nên phải đi giữa đêm. Ngôi nhà chỉ có người phụ nữ 37 tuổi và hai cậu con chưa qua 10 tuổi. Sóng xiết ghê gớm, mỗi đợt gào thét lên của sóng như muốn nuốt chửng phần nhà còn lại đang mong manh che chở cho ba mẹ con.
Gần 4h, một đợt sóng dữ cuốn từ ngoài khơi tràn vào rồi đổ ầm vào nhà. Rầm! Một mảng tường gần cả chục mét vuông bị xé nát. Lúc này thì nỗi sợ hãi không thể chịu đựng nổi nữa, bà Hường thúc hai con dậy, ôm vội quần áo, sách vở, cuốn lại tấm nệm để chạy khỏi sóng dữ giữa đêm.
"Anh ơi, nhà mình sập rồi, em và con sợ lắm, giờ phải chạy lên nhà mẹ đây" - tiếng hoảng loạn thất thanh vang lên đầu bên kia điện thoại.
Khi ông Hiếu về tới nơi, ngôi nhà thân yêu đã đổ sập gần như hoàn toàn. Ông chạy qua mấy căn bên cạnh. Tất cả cũng chẳng còn gì. Cả xóm bỗng tiêu điều, xác xơ.
Những người không còn lựa chọn
Biển Cẩm An nằm ngoài TP Hội An về hướng Đà Nẵng là một trong những nơi dữ dội nhất dọc biển miền Trung phải chịu đựng sự xâm thực tàn khốc của sóng trong vài năm trở lại đây.
Bãi biển từng lọt vào danh sách một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh nhưng giờ đây đang là cơn ác mộng thực sự đối với chủ các khách sạn, villa, nhà hàng và đặc biệt là nhà dân.
Từ cửa biển Cửa Đại ở Đồn biên phòng Cửa Đại, men theo bãi cát ngược lên hướng Đà Nẵng tới khúc biển Hà My (thị xã Điện Bàn) đâu đâu cũng cảnh hoang tàn đổ nát.
Những resort sang trọng, từng dập dìu ánh nến, những bữa tiệc sang trọng hay lễ cưới ngoài trời bình yên trước biển thì nay chỉ còn lại đống đổ nát. Nhiều nơi chấp nhận bỏ hoang phòng ốc, nhà cửa, bể bơi...
Nhưng cũng ở trước biển, có những con người không có quyền lựa chọn. Trước sóng, họ chỉ còn cách chạy lánh nạn tạm thời rồi về tìm cách rượt đuổi cùng sóng để be cát, đắp bờ giữ lấy ngôi nhà. Sức người với sức tàn phá thiên nhiên không cân sức nhưng họ không còn cách nào khác.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hường là một trong bốn hộ còn lây lất bám trụ lại ở rìa biển Cẩm An để cố giữ đất, tài sản khỏi sóng dữ.
Dù gần như toàn bộ nhà đã sập, chỉ sót lại một phần mái phía trước rộng chừng 5m2 để làm chỗ che mưa nắng nhưng theo bà Hường thì gia đình bà vẫn còn... may mắn. Có nhiều người đã mất hẳn nhà cửa, phải khăn gói ôm con cái đi ở trọ từ trước rồi.
Người phụ nữ này kể chỉ chưa đầy ba năm, từ 2020 tới nay đã lần lượt chứng kiến những ngôi nhà ở xóm bị sóng giật sập, chỉ trong vài tiếng chẳng còn gì. Nếu tính từ 2020 tới nay thì biển đã lấn vào đất liền cả chục mét.
"Như nhà tui đây nằm sâu nhất trong đất liền, trong mấy căn nhà. Nhà làm phía sau, còn khoảnh vườn làm chỗ kinh doanh giải khát cho khách Tây, phía trước giáp biển chiều dài cả 20 - 30m thì nay cũng chẳng còn gì", bà Hường nói.
Tháng 10 là thời điểm thềm dông bão khắc nghiệt của miền Trung. Đứng ở xóm biển Tân Thịnh (Cẩm An), nơi nhà bà Hường và mấy căn nhà khác, bỗng có cảm giác chênh vênh và bất an.
Những ngôi nhà bị giật sập một nửa, nhô phần tường nứt và tôn bị vặn xéo ra mép sóng với cảnh người ngồi trong lo lắng nhìn ra. Nhiều người xót của, dù biết sẽ là "dã tràng xe cát" nhưng vẫn đi nhặt gạch đá và các khối bê tông để về cho vào rọ thép xếp chồng ngăn sóng.
Bên nhà bà Hường là nhà vợ chồng ông Nguyễn Văn Phụng giờ chỉ còn lại vài cái ghế gỗ với mấy tấm nệm vứt chỏng chơ. Cả gia đình này đã mất nhà cửa, dắt díu nhau chạy vào sâu trong đất liền để thuê trọ ở.
Cạnh đó, nhà ông Nguyễn Long cũng bị sóng giật sập hôm mùng 4 Tết năm nay. Căn nhà che chở cho một gia đình mới chớm đã tiêu tan trước sóng. Ông Long cũng đưa vợ và hai con đi ở ké nhà em ruột, ban ngày thì chạy về nhà tìm đá bỏ rọ kè chân đê, rồi đổ cát đắp lên nền nhà để cố giữ lại miếng đất ngày càng mong manh trước sóng biển.
Mỗi ngôi nhà, mỗi hoàn cảnh và số phận tại những ngôi làng biển chơ vơ bên mép sóng ở TP Hội An là mỗi câu chuyện khác nhau.
Nhưng tất cả đều có một điểm chung mà nghe quá xót xa: dù hiểm nguy chực chờ, dù phải giật mình hoảng sợ giữa những đêm mất ngủ vì sóng dữ nhưng họ không thể đi nơi khác để ở. Lý do thật đơn giản: đó là quê hương, là mảnh đất cắm dùi duy nhất của họ. Đi đâu bây giờ?
Không còn nơi để đi
Nguyên cả xóm nhà bà Hường dù bà con đã ở ổn định từ trước 1975 nhưng tới nay trên giấy tờ vẫn là đất xây dựng trái phép. Những ngày cuối tháng 10, có mặt ở khu vực này, đâu đâu cũng thấy cảnh tiêu điều, tan nát.
Bà Hường cùng những người đang cố nán lại trước biển nói rằng họ không biết phải xoay xở ra sao khi không có nhà, đất đai nào khác để tái định cư. Trong khi đó, nhiều năm qua các hộ dân này đã có đơn đề nghị Nhà nước hỗ trợ chỗ ở nhưng tới nay mọi việc vẫn không đi tới đâu.
Một cán bộ phường Cẩm An cho biết đã có nhiều đoàn trực tiếp đến khảo sát, kiểm tra và ghi nhận hiện trạng tại các khu dân cư bị sạt lở dọc biển.
Tuy nhiên, phương án hỗ trợ các hộ dân cho tới nay vẫn là điều khó khăn vì TP Hội An và phường có quỹ đất tái định cư rất hạn hẹp, thủ tục cũng không đơn giản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận