Lãi gộp Vietnam Airlines cải thiện, ghi nhận "thu nhập khác" hơn 3.600 tỉ đồng
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2024 vừa công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 27.964 tỉ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi giá vốn "khiêm tốn" hơn chỉ tăng xấp xỉ 11%. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp Vietnam Airlines cải thiện mạnh mẽ với mức tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 4.084 tỉ đồng.
Đóng góp đáng kể vào bức tranh lợi nhuận của Vietnam Airlines còn đến từ khoản "thu nhập khác" với 3.634 tỉ đồng, tăng gấp hơn 100 lần mức gần 36 tỉ đồng quý 1-2023.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản thu nhập khác phần lớn đến từ mục "xóa nợ" 3.030 tỉ đồng và thanh lý, nhượng bán tài sản cố định hơn 568 tỉ đồng, còn lại tiền phạt và thu từ hoạt động bán cho thuê lại máy bay không đáng kể…
Sau trừ chi phí và thuế, lãi ròng hợp nhất Vietnam Airlines đạt 4.441 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn còn lỗ 37 tỉ đồng.
Mức lãi nêu trên là lớn nhất hãng này trong một quý, kể từ khi công khai thông tin tài chính đến nay. Đồng thời cũng chấm dứt 16 quý liên tiếp thua lỗ kể từ khi đại dịch COVID-19 ập đến.
Theo giải thích chi tiết hơn từ đại diện Vietnam Airlines, "khoản thu nhập khác" tăng đột biến đến từ việc Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay.
Trước đó, trong quá trình đàm phán trả tàu, Pacific Airlines đã thành công trong việc thuyết phục chủ tàu xóa khoản nợ lên tới 220 triệu USD.
Đại diện hãng hàng không quốc gia cũng giải thích quý 1 là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không, thị trường vận tải phục hồi mạnh và mở thêm các đường bay mới…
Thêm hãng hàng không báo lãi "tăng bằng lần"
Nếu chưa gộp khoản thu nhập khác đột biến, thực tế công ty mẹ Vietnam Airlines đã lãi bao nhiêu và mức độ cải thiện biên lợi nhuận gộp hãng bay này ra sao so với trước dịch?
Tại báo cáo tài chính công ty mẹ Vietnam Airlines, doanh thu thuần đạt 21.868 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Còn lãi gộp đạt 3.482 tỉ đồng, tăng gấp gần 2,3 lần.
Biên lãi gộp ở mức gần 16%, cao hơn hẳn so với mức 8,6% vào quý 1-2023. Điều này cũng dễ lý giải trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa được phản ánh tăng cao dịp Tết.
Ngoài ra, "đối thủ" Bamboo Airways thu hẹp quy mô hoạt động, đã đem lại lợi thế đáng kể về sức cạnh tranh cho hãng hàng không quốc gia.
Thị trường hiện chỉ còn một hãng bay lớn khác ngoài Vietnam Airlines là Vietjet Air, nhưng hướng chủ yếu phân khúc giá rẻ. Sau trừ các chi phí và thuế, công ty mẹ Vietnam Airlines báo lãi ròng hơn 1.498 tỉ đồng, cùng kỳ còn lỗ hơn 137 tỉ đồng.
Không chỉ Vietnam Airlines, Vietjet Air (VJC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh hồi phục tích cực. Quý 1-2024, doanh thu hợp nhất của VJC đạt 17.791 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp của VJC cũng cải thiện từ mức 1.062 tỉ đồng cùng kỳ lên 1.745 tỉ đồng quý 1 năm nay. Nhờ vậy, hệ số biên lợi nhuận đạt 9,8%, tốt hơn mức 8,2% quý 1-2023. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VJC đạt 540 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Trong một diễn biến có liên quan ngành hàng không, ngày 3-5, Bộ Giao thông vận tải phát công văn yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao.
Cụ thể, công văn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng ký ban hành nêu rõ thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.
Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền; đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, tính đến cuối quý 1-2024, Vietnam Airlines vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 36.742 tỉ đồng sau một thời gian dài hoạt động lợi nhuận âm.
Trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả ngắn hạn hơn 57.555 tỉ đồng, dù đã có xu hướng giảm với gần 6% so với đầu năm, nhưng vẫn gấp 3,9 lần tổng tài sản ngắn hạn.
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn đang trong diện bị kiểm soát. Nêu lộ trình khắc phục, phía hãng bay cho biết đã hoàn thành đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Trong đề án, tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất, cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận