Ông Nguyễn Văn Đệ - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - báo cáo giải trình nội dung công tác quản lý hồ thủy lợi, thủy điện được cử tri tỉnh Nghệ An quan tâm - Ảnh: DOÃN HÒA
Tại phiên chất vấn, các đại biểu dự kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 đặt nhiều câu hỏi của cử tri về các nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ.
Qua các đợt lũ lụt ở miền tây Nghệ An và ngập lụt vùng trung du, thành phố trong thời gian qua, người dân đặt dấu hỏi về sự minh bạch hoạt động xả lũ của các nhà máy thủy điện; thông báo đến người dân có kịp thời để chủ động phòng tránh mưa lũ hay chưa?
Báo cáo giải trình các nội dung đại biểu chất vấn, ông Nguyễn Văn Đệ - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa thủy lợi và 22 hồ thủy điện, trong đó có 687 hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa có thiết bị đo đạc, quan trắc, cảnh báo an toàn đập và xây dựng bản đồ ngập lụt.
Mưa lớn gây ngập úng tại TP Vinh tháng 11-2022 - Ảnh: DOÃN HÒA
Giải thích việc ngập lụt vùng hạ du xảy ra trên diện rộng ngày càng nhiều, ông Đệ cho rằng có tình trạng người dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang tiêu thoát lũ, thu hẹp dòng chảy.
"Ở đây có sự buông lỏng của chính quyền cơ sở, để người dân xây dựng nhà cửa, công trình lấn sông nên vào mùa mưa, nước không thoát ra được ra cửa biển nên gây ngập lụt. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm về lấn chiếm hành lang thoát lũ", ông Đệ nhấn mạnh.
Theo ông Đệ, việc vận hành 22 hồ chứa thủy điện đang hoạt động tại Nghệ An đều tuân thủ theo quy trình đã được phê duyệt. Các dữ liệu này được kết nối trực tuyến hằng ngày với bộ, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh để theo dõi, giám sát.
"Qua kiểm tra cho thấy các chủ hồ, địa phương cơ bản đã thực hiện đúng quy định khi xả lũ như bằng điện thoại, văn bản, loa phát thanh cho người dân và thông báo người dân tối thiểu trước 4 giờ", ông Đệ nói.
Ông Thái Thanh Quý - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - đề nghị các sở ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án thủy điện cần minh bạch hơn trong quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện - Ảnh: DOÃN HÒA
Kết luận phần chất vấn, ông Thái Thanh Quý - bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - cho rằng Nghệ An là tỉnh có hồ thủy lợi, thủy điện lớn nhất nước (chiếm 15%), lại chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong khi đó, các hồ đập xuống cấp, thiếu thiết bị quan trắc lượng mưa, bản đồ ngập lụt - đây là vấn đề được tỉnh, cử tri quan tâm, lo lắng.
Ông Quý nêu ví dụ, theo quy trình xả lũ phải thông báo trước 4 giờ cho người dân nhưng có nhà máy thủy điện báo lúc 2h sáng, lúc đó người dân đang ngủ, sao họ trở tay kịp?
"Các nhà máy thủy điện phải tính toán được lưu lượng nước về hồ để điều tiết đón, xả lũ cho phù hợp, tránh rơi vào thế bị động gây thiệt hại khó lường cho Nhà nước và nhân dân", ông Quý đề nghị.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tại Nghệ An đã làm chết 11 người, bị thương 1 người, 98 nhà bị sập, 973 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gây thiệt hại lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu…
Chỉ tính riêng đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vào tháng 10-2022, thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận