11/03/2011 08:47 GMT+7

Hai giá đất phát sinh tiêu cực

PHÚC HUY - D.NGỌC HÀ
PHÚC HUY - D.NGỌC HÀ

TT - Hội nghị tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2003 của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã diễn ra tại TP.HCM sáng 10-3. Hoạt động này nhằm chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới.

HknJbh9Y.jpgPhóng to
Giá đất là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nếu tiếp tục tồn tại hai giá đất sẽ phát sinh nhiều tiêu cực - Ảnh: H.TR.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên cho biết từ khi thực hiện Luật đất đai năm 2003 đến nay, Chính phủ đã ban hành 13 nghị định và các bộ ngành liên quan đã có hơn 200 văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như các chính sách pháp luật về đất đai.

“Quyền trưng mua”

Kiến nghị thu hồi 1 triệu m2 đất

Báo cáo của Sở TN-MT TP.HCM cho biết từ khi Luật đất đai có hiệu lực (1-7-2004) đến nay ngành thanh tra TP đã tổ chức thực hiện 533 cuộc thanh tra, kiểm tra nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai, nhà xưởng, bến bãi... Thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế 756 tỉ đồng, hơn 2 triệu m2 đất, 944 căn nhà, 466 lượng vàng và kiến nghị thu hồi 656 tỉ đồng, gần 1 triệu m2 đất, 450 lượng vàng... Đã thu hồi cho ngân sách nhà nước 176 tỉ đồng, 105.000m2 đất...

Ông Đào Anh Kiệt, giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết TP có khoảng 260 dự án bồi thường theo Luật đất đai 2003 (có hiệu lực từ 1-7-2004), diện tích trên 2.000ha, với khoảng 36.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Nhìn chung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại TP cơ bản phù hợp với các quy định. Tuy nhiên thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thường kéo dài, phát sinh nhiều khiếu nại.

Với những trường hợp đất chưa có giấy tờ, nhà thuộc sở hữu nhà nước... do quy định không rõ ràng nên quan điểm giữa các cơ quan còn khác nhau trong việc đền bù, hỗ trợ. Bên cạnh giá đất nông nghiệp ở quận nội thành được cộng thêm 40% giá đất ở thì đất nông nghiệp ở huyện ngoại thành không được áp dụng chính sách này.

Ông Kiệt cho rằng cần có cơ chế thực hiện việc điều tiết hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư khi triển khai các dự án. Theo chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, nên đưa quy định “quyền trưng mua” của Nhà nước đối với đất của dân vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đất đai sắp tới, đảm bảo tính bình đẳng đối với người sử dụng đất, thay vì chỉ có hình thức thu hồi đất như hiện nay. Nếu người dân không đồng ý có thể kiện ra tòa án để giải quyết.

Đề cập bảng giá đất, luật sư Nguyễn Thị Cam, Đoàn luật sư TP, nói rằng giá đất là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Hiện nay TP.HCM đang tồn tại hai loại giá đất: giá do UBND TP ban hành hằng năm và giá đất thị trường (luôn cao hơn giá đất nhà nước). Nhưng nhiều người không định nghĩa được giá thị trường là giá nào.

Nếu tiếp tục tồn tại hai giá đất sẽ phát sinh nhiều tiêu cực vì phần lớn phụ thuộc vào một số cán bộ có thẩm quyền. Doanh nghiệp cũng khó hoạt động vì không thể biết mình đầu tư hết bao nhiêu tiền cho một sản phẩm. “Nên xác định một bảng giá đất, giá đó có thể thấp hơn giá thị trường ở VN nhưng là một công cụ định hướng cho giá đất thị trường và có thể làm giảm giá bất động sản vốn đã quá cao so với thế giới” - luật sư Cam đề xuất.

Theo ông Kiệt, việc ban hành bảng giá đất hằng năm không cần thiết. Còn theo Sở TN-MT Đồng Nai, việc thay đổi bảng giá đất liên tục hằng năm khiến người dân không an tâm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vì dự án thường kéo dài nhiều năm. Đơn vị này đề nghị cần áp dụng bảng giá đất từ 3-5 năm, trong thời gian này khu vực nào có biến động lớn thì điều chỉnh giá.

Đề nghị bỏ hạn điền

Vấn đề hạn điền đối với đất nông nghiệp được nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị. Luật đất đai 2003 quy định: hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tại các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng không quá 3ha cho mỗi loại đất. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10ha tại vùng đồng bằng, không quá 30ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

Theo ông Nguyễn Văn Được - giám đốc Sở TN-MT Long An, Nhà nước đang khuyến khích người dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại nhưng nếu đầu tư quy mô lớn lại vướng hạn điền theo quy định trên. Ông kiến nghị có thể xem xét bỏ hạn điền trong giao đất nông nghiệp nhằm khuyến khích người dân đầu tư, mở rộng quy mô trang trại.

Về thời hạn cho thuê đất trồng cây hằng năm cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định là 20 năm. Ông Được cho biết ở Long An có khoảng 1,2 triệu thửa đất nông nghiệp, được giao đất thời hạn 20 năm tính từ năm 1993. Đến năm 2013 sẽ hết thời hạn sử dụng đất nên nhiều hộ gia đình không yên tâm đầu tư lâu dài trên đất.

Hơn nữa, việc gia hạn thời gian sử dụng, điều chỉnh hàng trăm ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức của cán bộ và người dân. Ông Được cho rằng nên giao đất lâu dài hoặc kéo dài thời hạn giao đất lên 50 năm, nhằm ổn định tâm lý cho người dân để đầu tư vào đất nông nghiệp.

PHÚC HUY - D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên