07/03/2021 06:33 GMT+7

Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM được tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngày 6-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngày 8-3 Việt Nam sẽ tiêm những mũi vắc xin đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM...

Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM được tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên - Ảnh 1.

Lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Lượng vắc xin đợt này không nhiều nên chúng tôi ưu tiên cho 13 tỉnh thành có dịch vừa qua, bên cạnh đó Bộ Y tế đang tích cực làm việc với COVAX để tháng 3 này lô vắc xin khoảng 1,3 triệu liều của COVAX về Việt Nam, tháng 4 và 5 tới vắc xin về sẽ dồi dào hơn" - ông Long nói.

Phải đảm bảo an toàn tối đa

Thực hiện nghị quyết 21 của Chính phủ về 11 nhóm đối tượng ưu tiên và địa bàn ưu tiên tiêm ngừa, ông Long nói đợt đầu tiên này sẽ ưu tiên cán bộ y tế tại 21 cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, là nơi nguy cơ lây nhiễm cao nhất, kế đến là các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM...

"Bộ Y tế cũng chưa tiêm đợt này mà đợi đợt sau, đợt này ưu tiên cho các khu vực trực tiếp chống dịch. Bà con cứ bình tĩnh, ngay khi lô vắc xin sau về chúng tôi sẽ tổ chức tiêm ngay" - ông Long cho biết.

Đây là vắc xin mới, lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam nên theo ông Long, "phải bảo đảm an toàn tối đa" mặc dù nguy cơ phản ứng phụ sau tiêm là có. "Chúng tôi rất cẩn trọng khi triển khai tiêm chủng, do vắc xin này rất mới vì thế chúng tôi đã phải đợi Hàn Quốc gửi giấy chứng nhận xuất xưởng, Việt Nam cũng đã tiến hành kiểm định chất lượng lại và đánh giá mức độ an toàn của vắc xin" - ông Long khẳng định.

Tổ chức tiêm thế nào?

Vắc xin ngừa COVID-19 sử dụng đợt này là AstraZeneca, mỗi lọ đóng 10 liều, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 12 tuần.

Các điểm tiêm chủng sẽ được tổ chức tại bệnh viện, bệnh xá, trạm y tế, điểm tiêm lưu động nhưng đó phải là nơi đã được tập huấn về tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Mỗi điểm tiêm chỉ tiêm dưới 100 người/buổi tiêm chủng để thực hiện đầy đủ các bước khám sàng lọc, hỏi tiền sử, người có sốt, ho sẽ tạm hoãn đợi buổi tiêm kế tiếp.

Bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết người được tiêm chủng sẽ là nhóm từ 18 tuổi trở lên, bao gồm cả người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính. 

Cũng theo bà Hồng, hiện chưa có bằng chứng về tuổi tối đa không có chỉ định tiêm vắc xin, có nghĩa là chỉ hoãn tiêm với nhóm đang bị bệnh cấp tính, bệnh mãn tính tiến triển, đã sử dụng kháng thể điều trị COVID-19 hoặc từng mắc bệnh COVID-19 và khỏi dưới 6 tháng, những đối tượng khác ngoài nhóm này thuộc nhóm được tiêm ngừa.

Hiện có thông tin về một số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vắc xin, theo bà Hồng, có khoảng 10% người được tiêm có những phản ứng tại chỗ tiêm như sưng nóng đỏ đau tại vị trí tiêm, khoảng 10% gặp các phản ứng như ớn lạnh, sốt, có thể sốt cao trên 38oC, bồn chồn... Tuy nhiên bà Hồng cho rằng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vắc xin và các phản ứng này.

TP.HCM: nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiêm đầu tiên

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sẽ là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 trong đợt này.

Theo đó, sẽ có hơn 900 nhân viên y tế của bệnh viện, là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, vốn là nơi thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa cho người dân, do đó quy trình tổ chức tiêm vắc xin tại đây được đánh giá đảm bảo, bởi có nhân sự giàu kinh nghiệm; có các phác đồ chống sốc cùng các trang thiết bị để hồi sức.

Trước khi tiêm vắc xin, ban giám đốc bệnh viện đã có các "kịch bản" và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã gửi Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP.HCM kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn. TP.HCM hiện không có ổ dịch trong cộng đồng nên không xác định địa bàn ưu tiên tiêm chủng.

TP.HCM xác định có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 trong đợt đầu tiên này với 44.175 người, bao gồm: 285 nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện; 388 thành viên tổ truy vết; 1.362 nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; 600 người thuộc lực lượng quân đội; 1.042 công an; 38.000 người tổ COVID-19 cộng đồng; 1.710 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; 513 nhân viên khu cách ly tập trung; 275 cán bộ trực tiếp tiêm chủng vắc xin COVID-19.

HOÀNG LỘC

Đã tiêm vắc xin, vẫn có thể mắc COVID-19

Theo ông Long, vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca đạt hiệu quả miễn dịch là 76% sau khi tiêm mũi 1 và 81% sau tiêm mũi 2, vì thế có thể có người đã tiêm vắc xin vẫn mắc bệnh nhưng tình trạng bệnh lúc này sẽ nhẹ hơn và không có tử vong.

Đáng chú ý, theo ông Long, người được tiêm chủng sẽ được cập nhật thông tin trên "hồ sơ sức khỏe cá nhân" và thông tin đã tiêm vắc xin có liên thông quốc tế để thực hiện vai trò "hộ chiếu vắc xin" trong thời gian tới đây.

Hơn 44.000 người ở TP.HCM sẽ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là những ai? Hơn 44.000 người ở TP.HCM sẽ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là những ai?

TTO - Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện TP không có ổ dịch trong cộng đồng, do đó TP không xác định địa bàn ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19, chỉ xác định những đối tượng được ưu tiên tiêm chủng.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên