09/06/2015 15:19 GMT+7

Hài độc thoại: rất phổ biến nhưng gây tranh cãi

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Tại các nước phương Tây như Mỹ hay Anh, hài độc thoại (stand-up comedy) là hình thức giải trí hết sức phổ biến. Rất nhiều nghệ sĩ hài độc thoại trở thành triệu phú với các sô diễn bán vé đắt như tôm tươi.

Nghệ sĩ hài độc thoại Anh Michael McIntyre biểu diễn trên sân khấu - Ảnh: Telegraph

Hài độc thoại là thể loại hài kịch trong đó nghệ sĩ biểu diễn “sống” trước các khán giả, pha trò, kể những câu chuyện cười, độc thoại hài hước, thậm chí hát và làm ảo thuật. Nghệ sĩ hài độc thoại thường biểu diễn trong các câu lạc bộ hài, quán bar, hộp đêm, rạp hát... Hài độc thoại còn được phổ biến rộng rãi qua truyền hình, đĩa DVD, các trang mạng chia sẻ video như YouTube...

Hài độc thoại xuất hiện ở Anh từ thế kỷ 18 và bắt đầu phát triển tại Mỹ từ cuối thế kỷ 19. Từ thập niên 1950, các nghệ sĩ hài độc thoại Mỹ bắt đầu đưa yếu tố châm biếm xã hội vào những câu chuyện cười của mình, mở rộng ngôn ngữ và giới hạn của hài độc thoại, hướng đến những chủ đề nhạy cảm như chính trị, quan hệ chủng tộc, tình dục...

Nghệ sĩ Mỹ Lenny Bruce nổi tiếng với những màn chọc cười đậm chất tình dục và từng bị bắt, phải ra hầu tòa năm 1964 vì tội biểu diễn dung tục. Những người phản đối chỉ trích Lenny Bruce dùng những ngôn từ tục tĩu để gây sốc và câu khách.

Tuy nhiên phiên tòa xử Lenny Bruce trở thành một cột mốc đối với tự do ngôn luận tại Mỹ. Phong cách của Lenny Bruce ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ các nghệ sĩ hài độc thoại Mỹ sau này.

Nghệ sĩ hài độc thoại Lenny Bruce từng phải hầu tòa - Ảnh tư liệu

Rất nhiều nghệ sĩ hài độc thoại tại Mỹ và Anh thành công tới mức trở thành thương hiệu giải trí, tấn công vào truyền hình và điện ảnh, có thu nhập hàng triệu USD. Theo trang The Richest, nghệ sĩ Mỹ Jerry Seinfeld có tài sản lên tới 800 triệu USD. Hồi năm 2012-2013, ông kiếm được 27 triệu USD từ các buổi biểu diễn hài độc thoại. Nghệ sĩ Bill Cosby, người dính nhiều xìcăngđan tình dục, có tài sản tới 350 triệu USD.

Có những nghệ sĩ từ gốc hài độc thoại vươn lên thành những đạo diễn, diễn viên điện ảnh tầm cỡ thế giới. Có thể kể đến đạo diễn Mỹ Woody Allen từng đoạt bốn giải Oscar, nam diễn viên Robin Williams từng đoạt một giải Oscar và sáu giải Quả cầu vàng...

Người dẫn chương trình quen thuộc Ellen DeGeneres của các đêm hội Oscar, Grammy hay Emmy cũng đi lên từ nghề biểu diễn hài độc thoại.

Từ phương Tây, trong vài năm qua hài độc thoại đã bắt đầu xâm nhập châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc rộng lớn. Một số nghệ sĩ hài như Joe Wong hay Zhou Libo thành công tại Trung Quốc. Các buổi biểu diễn của họ thu hút rất nhiều khán giả, thậm chí họ còn liên tục xuất hiện trong các chương trình truyền hình quốc gia.

Đối với các nghệ sĩ hài độc thoại, phản ứng tức thời của khán giả là cực kỳ quan trọng. Các khán giả luôn mong muốn nghệ sĩ phải liên tục chọc cười họ, do đó người biểu diễn chịu áp lực thành công rất lớn. Khán giả không cười hoặc cười nhẹ là thất bại của người diễn viên. Diễn viên hài Mỹ Will Ferrell từng mô tả hài độc thoại là nghề “khó khăn, cô đơn và tàn nhẫn”.

Ellen DeGeneres đi lên từ hài độc thoại - Ảnh: huffingtonpost

Ở phương Tây, rất nhiều nghệ sĩ hài độc thoại văng tục trên sân khấu. Họ cũng thường xuyên kể những câu chuyện cười đậm chất tình dục. Nhiều nghệ sĩ hài khác gây tranh cãi khi châm chọc tôn giáo, chủng tộc và thiên hướng tình dục của người khác. Đối với khán giả phương Tây đã quá quen thuộc với hài độc thoại, đó không phải là điều gì xa lạ hay gây phản cảm.

Ví dụ, nghệ sĩ Mỹ da đen Reginald D Hunter thường xuyên dùng từ “mọi đen” rất bị người da đen căm ghét khi biểu diễn. Nghệ sĩ Anh Frankie Boyle hay Billy Connolly luôn văng tục trên sân khấu. Chris Rock hay Monique nổi tiếng với những câu chuyện đùa về tình dục.

Một nghệ sĩ cho rằng khán giả nên có sẵn máu hài hước trong người trước khi đến xem một buổi biểu diễn hài độc thoại. Nhiều khán giả khẳng định họ không cảm thấy khó chịu hay bị phản cảm khi nghe những câu chuyện đùa tục tĩu hay ngôn từ bậy bạ, đơn giản bởi “các nghệ sĩ chỉ cố tạo tiếng cười thôi chứ có làm gì to tát đâu”.

Nhưng cũng có không ít người cho rằng hài độc thoại cần phải “sạch”, nghĩa là không chửi bậy, không có những màn chọc cười mang tính chất tình dục, tránh xa những chủ đề “không phù hợp” đối với trẻ em. Và có những trường hợp nghệ sĩ chọc cười quá đà, bị dư luận phản đối dữ dội.

Có thể kể đến vụ nghệ sĩ Dane Cook chọc cười vụ thảm sát 12 người trong rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado (Mỹ) chỉ một tuần sau thảm kịch và bị chỉ trích, sau đó phải công khai xin lỗi.

Daniel Tosh từng trêu chọc một cô gái về việc bị cưỡng hiếp và lập tức trở thành tâm điểm của làn sóng chỉ trích về tình trạng phân biệt giới tính và nạn cưỡng hiếp tại Mỹ. Sau đó Tosh phải xin lỗi khán giả.

 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên