Theo thông báo từ chủ tọa, lúc 14h30 chiều nay (12-1), hội đồng xét xử sẽ công bố bản án sơ thẩm đối với 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh cùng 36 bị cáo trong vụ án liên quan Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Đây là vụ án đầu tiên ba cựu ủy viên trung ương cùng bị đưa ra xét xử gồm: cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long; cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Riêng ông Long bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD, còn ông Ngọc Anh và ông Thăng cũng nhận lợi ích vật chất cả trăm ngàn USD để "giúp sức" cho Việt Á.
Xem mức án viện kiểm sát đề nghị cho 38 bị cáo TẠI ĐÂY
35/38 bị cáo được đề nghị mức án dưới khung truy tố
Trong hơn một tuần xét hỏi và tranh tụng, các bị cáo đều thừa nhận hành vi theo cáo trạng mà viện kiểm sát truy tố, nói những lời ăn năn và xin được khoan hồng. Hai cựu bộ trưởng cùng một số người nộp lại toàn bộ số tiền nhận từ Việt Á.
Khi luận tội, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đưa ra các phân tích về tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội đưa và nhận hối lộ được thực hiện nhiều lần.
Đồng thời, viện kiểm sát cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, nhận "cảm ơn" từ Việt Á và sự ăn năn hối lỗi thành khẩn khai báo cùng thành tích trong công tác của các bị cáo.
Trong 38 bị cáo có 35 người được viện kiểm sát đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố. Lý do để cơ quan công tố đưa ra mức đề nghị này là các bị cáo đã "thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải".
Nhiều người được đánh giá tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án.
Thành tích trong quá trình công tác của các bị cáo cũng là căn cứ để viện kiểm sát đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Có hai người viện kiểm sát đề nghị mức án trong khung truy tố là tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt (bị đề nghị 30 năm tù cho hai tội danh) và phó tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp (16-18 năm tù).
Trong nhóm bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ, duy nhất cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị mức án 19-20 năm tù, mức án này vẫn nằm trong khung truy tố (20 năm tù, chung thân hoặc tử hình).
Còn lại tất cả các bị cáo ở nhóm tội này đều được đề nghị mức án dưới khung truy tố, mức thấp nhất 8-9 năm tù, mức cao nhất 14-15 năm tù.
Cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh và cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc bị đề nghị 3-4 năm tù. Hai ông bị đưa ra xét xử về tội "vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" với khung hình phạt truy tố từ 10-20 năm tù.
"Vụ Việt Á gây thiệt hại rất lớn, là tiền thuế của người dân đóng góp"
Trong phần luận tội, cơ quan công tố đánh giá vụ án Việt Á là "một điển hình cho lợi ích nhóm" và "thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống".
Theo viện kiểm sát, đó là sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp với người có thẩm quyền vì lợi ích vật chất để trục lợi, gây thiệt hại tài sản nhà nước đặc biệt nghiêm trọng.
"Sự cấu kết này còn xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và làm cho một bộ phận cán bộ công chức bị thoái hóa biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân" - bản luận tội nêu.
Hành vi của Phan Quốc Việt bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng, trong đó gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 431 tỉ đồng.
Tổng số tiền mà Việt hối lộ các cựu quan chức trong vụ án này hơn 106 tỉ đồng.
Khi trình bày bài bào chữa, nhiều luật sư cho rằng mức án đề nghị với các bị cáo quá cao. Phản bác lại quan điểm này, viện kiểm sát cho rằng trong 5 nhóm tội danh, mức án cao nhất cho tội nhận hối lộ lên đến tử hình, vi phạm quy định đấu thầu cũng chung thân, "nhưng trong vụ án này đều đề nghị mức án thấp hơn rất nhiều, có bị cáo chỉ 18 tháng tù, cho hưởng án treo".
Viện kiểm sát cũng đã áp dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, "đánh giá công là công, tội là tội".
Theo viện kiểm sát, thiệt hại của vụ án là rất lớn, đây là ngân sách của Nhà nước, tiền thuế của nhân dân đóng góp. "Nếu số tiền này đóng góp cho chống dịch, cho người dân thì rất ích lợi", viện kiểm sát nhấn mạnh khi nêu quan điểm đối đáp.
Nhận hối lộ chứ không phải chỉ là "chia sẻ lợi nhuận"
Suốt quá trình diễn ra phiên tòa, lý do chung được các bị cáo đưa ra biện minh cho việc thực hiện hành vi đưa và nhận hối lộ vì nghĩ rằng "chỉ là chia sẻ lợi nhuận".
Chỉ sau khi bị bắt thì các bị cáo mới biết việc đưa và nhận tiền này là vi phạm pháp luật. Thế nhưng số tiền hối lộ mà các bị cáo gọi là "chia sẻ" này lên đến 106 tỉ.
Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ lên đến 2,25 triệu USD thì khai rằng khi cựu thư ký Nguyễn Huỳnh đưa tiền cho mình đều nói "do Việt Á làm ăn được nên cảm ơn".
Ông Long nhiều lần khẳng định "không gợi ý, không đòi hỏi, không yêu cầu Phan Quốc Việt đưa tiền". Tuy nhiên, trong những lần được tòa cho đối chất, cựu thư ký Nguyễn Huỳnh đều khẳng định cựu bộ trưởng là người gợi ý Phan Quốc Việt đưa tiền "để lo công việc", và mỗi lần gợi ý cụ thể đưa 1 triệu USD.
Nhận hối lộ số tiền 27 tỉ, cựu giám đốc CDC tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến khai nghĩ rằng số tiền này là "chia sẻ phần trăm hậu đãi" nên "nhận tiền không vi phạm pháp luật". Tuy nhiên tòa đánh giá lời khai này mâu thuẫn với việc ông phải mượn số tài khoản của bạn bè, người thân để Việt Á chuyển tiền.
Phản bác lại ý kiến các luật sư và lời khai các bị cáo không có sự câu kết, thỏa thuận chi phần trăm, hoa hồng, viện kiểm sát khẳng định "các bị cáo có sự câu kết rõ ràng".
Đại diện cơ quan công tố đưa ra nhiều phân tích khẳng định nhóm bị cáo ở bộ ngành đã thông đồng cấu kết với các bị cáo khác, liên lạc, hỗ trợ, tác động cơ quan, cá nhân khác giúp Việt Á có được giấy phép, sản xuất, bán được kit xét nghiệm với giá đã bị nâng khống.
Từ chối nhận tiền, cựu giám đốc CDC Bình Dương được đề nghị mức án thấp nhất
Trong vụ án này có 6 người được đề nghị cho hưởng án treo. Họ đều là nhân viên tại CDC một số tỉnh thành hoặc nhân viên của công ty thẩm định giá. Họ bị xét xử về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Duy nhất ông Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương, được đề nghị mức án bằng với thời gian tạm giam (10 tháng 4 ngày tù). Ông cũng là người được đề nghị mức án nhẹ nhất trong vụ Việt Á.
Sở dĩ được đề nghị mức án trên bởi ông Danh được đánh giá "không vụ lợi", là người duy nhất trong các bị cáo biết từ chối, không nhận tiền "cảm ơn" từ Việt Á.
Sau khi Việt Á được thanh toán các gói thầu, nhiều lần nhân viên của công ty này liên hệ đặt vấn đề "cảm ơn" song ông cương quyết từ chối vì "không muốn liên quan".
Dù nhiều lần được mời đi cà phê, đi uống bia, ông khai lấy lý do "không muốn tiếp xúc gần" để gián tiếp từ chối hưởng lợi ích từ Việt Á.
Vì nhiều lần bị ông Danh từ chối nên nhân viên Việt Á phải chuyển lại số tiền 4,2 tỉ đồng về công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận