Phóng to |
Anh Trương Ngọc Hải, thôn Cầu Đất, xã Hải Long, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), thu hoạch cam tại trang trại đồi rừng của gia đình - Ảnh: Hà Đồng |
Ấy vậy mà tôi đã khóc khi hằng tuần vợ tôi đạp xe vượt 20km đường đá lởm chởm đầy ổ gà, ổ voi đến trại thăm, động viên tôi. Cô ấy đã giúp tôi rất nhiều trên bước đường trở về làm người lương thiện...” - lời tâm sự của anh Trương Ngọc Hải, 43 tuổi, trú tại thôn Cầu Đất, xã Hải Long, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), cuốn chúng tôi vào câu chuyện.
Nước mắt “Hải cụt”
Năm 1987, sau khi phục vụ trong quân đội, Hải xuất ngũ về địa phương. Thôn Cầu Đất bấy giờ là vùng đất trống đồi trọc, đời sống còn muôn vàn khó khăn. Với suy nghĩ cần phải kiếm tiền, nhiều thành phần giang hồ tìm đến Hải thề “sống chết có nhau” cùng làm ăn. Từ đó, anh trở thành tay buôn bán lâm sản có tiếng trên địa bàn. Với bàn tay trái bị mất một đốt ở ngón tay út, vóc dáng nhỏ thó, khuôn mặt lạnh lùng nên giới giang hồ gọi anh bằng biệt danh “Hải cụt”.
Bỏ lại đằng sau những tiếng thở dài của bố mẹ, vợ con, ngoài việc làm ăn ra Hải uống rượu, rồi có mặt trong các vụ giải quyết theo luật giang hồ giữa các “hội” với nhau. Vốn bản tính nóng như lửa, “Hải cụt” sẵn sàng “quyết chiến” với những kẻ dám cản bước đi của mình. Sau một lần đụng độ với một số thanh niên trong vùng, “Hải cụt” đã bị Tòa án nhân dân huyện Như Xuân (trước đây) tuyên phạt 15 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích.
Đưa mắt nhìn ra khu vườn tràn ngập màu xanh hoa trái trước nhà, anh Hải kể lại:
- Ngày tôi bị công an còng tay đưa về trại giam Thanh Phong là lúc vợ tôi phải nhập viện vì bệnh chảy máu dạ dày. Tôi bước đi không nổi khi đằng sau mình là hai đứa con còn thơ dại. Đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ mới được hơn một tháng. Ở trại, nhiều đêm tôi không ngủ được, nước mắt ướt đẫm vì thương vợ con, thương bố mẹ già. Quyết tâm lấy lại danh dự cho gia đình và bản thân, trong trại giam tôi cố gắng chấp hành án, rèn luyện tốt, mong sớm trở về với cuộc sống thường nhật.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - vợ anh Hải - tâm sự:
- Khi anh Hải bị bắt vào trại giam, tôi đang là giáo viên của lớp mầm non ở thôn Cầu Đất. Lúc bấy giờ tôi chỉ nặng có 34kg, quanh năm ốm đau. Nhiều hôm xuống thăm anh ở trại, lúc về gặp trời đổ mưa sầm sập, tôi đạp xe đi như kẻ mộng du. Lúc đó, giận anh Hải bao nhiêu tôi lại càng thương anh bấy nhiêu. Gia đình tôi ngày đó khó khăn lắm, không đủ gạo để nuôi hai con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu.
Tôi phải đi xin ngô, nhặt hạt mít người ta bỏ đi mang về luộc rồi rang khô, nghiền nhỏ làm món ăn mang xuống trại cho anh. Mỗi lần vợ chồng gặp nhau, tôi động viên anh cải tạo tốt để sớm đoàn tụ với gia đình. Anh ấy lặng lẽ giấu những giọt nước mắt, động viên tôi cố gắng chăm sóc bố mẹ, con cái cho tốt. Mồng 6 tết năm 1993, anh Hải mãn hạn tù, được trở về sum họp với gia đình. Con đường từ trại giam về nhà chỉ dài 20km nhưng anh ấy đã phải mất nhiều tháng để tìm về với chính mình trong niềm tin yêu của gia đình.
Thành đạt
“Ngày tôi mới ra tù trở về địa phương, nhiều người trong xã không mặn mà với việc gặp tôi. Người tỏ thái độ miệt thị, người lánh mặt. Lúc đó, ước mơ về một cuộc sống bình thường, giản dị, sáng lên đồi trồng cây, chiều chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, tối dạy con học bài, vui vầy bên người thân... thật khó khăn đối với tôi. Bi quan, mặc cảm, bất cần, tôi bỏ nhà theo đám bạn bè xấu lang thang khắp vùng đi buôn bán lâm sản. Cái tên “Hải cụt” lại được giới giang hồ nhắc đến trong các vụ đánh nhau. Nhiều hôm tôi trở về nhà trong trạng thái say rượu, quát mắng vợ con. Lúc tỉnh rượu mới thấy thương vợ con vô cùng” - anh Hải tâm sự.
Được bố mẹ rồi người vợ hiền hết mực thương yêu, động viên, khuyên nhủ, anh Hải xóa bỏ dần mặc cảm để làm lại từ đầu. Năm 1996, từ nguồn vốn 3 triệu đồng vay của ngân hàng thông qua hội cựu chiến binh xã, anh nhận 7,5ha đất đồi hoang hóa để phát triển kinh tế trang trại. Anh đào ao, thả cá và bắt đầu những ngày “ăn, ở trên đồi” khai hoang, phục hóa...
Anh Hải nhớ lại:
- Ngày tôi bắt tay vào làm kinh tế trang trại cũng là lúc bố mẹ đã già yếu. Vợ tôi thì theo học lớp sơ cấp rồi trung cấp mầm non; hai đứa con đến trường. Một mình tôi vật lộn với các quả đồi toàn những cây cỏ gai, đất đá lởm chởm. Gần nửa năm trần lưng phát quang cỏ dại, tính toán trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Khi trồng được 200 gốc vải thiều xen với cây đậu, lạc, dứa, mía; rồi tiếp tục trồng luồng, keo, kết hợp với nuôi cá, nuôi dê, trâu... tôi thầm nghĩ mình đã thành công và mơ ước mang sản phẩm làm được bán ra thị trường. Giờ nghĩ lại những ngày tháng cật lực cày cuốc đó tôi còn rùng mình.
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại vườn rừng của gia đình, anh Hải không giấu được niềm vui:
- Bây giờ có bát ăn, bát để, nhớ lại những ngày giang hồ mà thấy lãng phí cuộc đời. Nhìn lại chặng đường lắm nỗi gian truân đã qua, tôi thầm cảm ơn người vợ yêu vì cô ấy đã gồng mình chắn những đợt sóng gió do tôi gây ra để giữ bình yên cho gia đình. Tôi cảm ơn cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đồng bào địa phương đã giúp tôi trên con đường hoàn lương. Trang trại của gia đình tôi hiện cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, đủ sống để làm việc và cống hiến cho công tác xã hội.
Trở thành cán bộ xã Ngoài việc làm kinh tế trang trại cho gia đình, anh Hải đã phát huy năng khiếu kẻ, vẽ, viết kịch bản tiểu phẩm cho các hoạt động văn hóa - văn nghệ của địa phương. Năm 2000, anh được UBND xã mời làm cán bộ chuyên trách văn hóa. Chỉ với mức phụ cấp 100.000 đồng/tháng cho công việc này, nhưng anh thật sự hạnh phúc khi được bà con, chính quyền tin tưởng. Tháng 5-2003, anh trở thành trưởng thôn Cầu Đất. Anh đã vận động người dân xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở, tuyên truyền, vận động đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Với những cống hiến, phấn đấu bền bỉ và được sự rèn luyện, theo dõi, giúp đỡ của Chi hội nông dân thôn Cầu Đất, tháng 11-2006, anh Hải chính thức được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản VN. Tháng 6-2007, anh được bầu làm phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Long. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận