Cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: ANH HỔ
Đến trưa 5-4, các nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vẫn đang tiếp tục vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo đại điện công ty, số cá vớt được trong hai ngày 3 và 4-4 khoảng 8 tấn, chủ yếu là cá rô phi, chép. Trong hôm nay 5-4, số cá chết vớt được ước khoảng 6 tấn nữa.
Trước đó, vào ngày 4-4, cá chết nổi trắng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đặc biệt từ đoạn cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) hướng về cầu số 1 (quận Tân Bình), cá chết (chủ yếu là cá rô phi, cá chép) kèm theo rác thải bốc mùi hôi nồng nặc. Bến nội đô thuyền Sài Gòn (đối diện 672 Hoàng Sa, quận 3) ế ẩm vì cá chết nổi lềnh bềnh quanh khu vực.
Từ sáng đến chiều 4-4, các nhân viên môi trường tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoạt động liên tục, cá chết kèm rác được vớt lên hàng chục ghe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Võ Thị Mộng Thu, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM, cho biết sau những cơn mưa, lượng rác từ các cống, kênh nhánh trôi ra khiến mặt nước bị che phủ, lượng dưỡng khí cần cho cá bị thấp xuống là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết.
Ngoài ra, mưa làm xộc lượng khí độc tích tụ dưới lớp bùn dưới đáy kênh trong mùa khô cũng khiến cá chết hàng loạt.
Cá chết chủ yếu là cá rô phi, chép - các loài cần nhiều oxy - Ảnh: ANH HỔ
Về kế hoạch tỉa thưa đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giảm mật độ đàn cá, tránh hiện tượng cá chết do không gian sống chật hẹp, thiếu dưỡng khí, bà Thu cho biết năm 2019 cơ quan chức năng đã thực hiện việc này.
"Đến năm 2020 thì chúng tôi dừng lại do mật độ đàn cá đã đạt chuẩn, trong năm nay tiếp tục khảo sát để xem có cần thực hiện hay không", bà Thu nói.
Còn theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương, bộ môn quản lý và phát triền ngành cá, khoa thủy sản Đại học Nông lâm TP.HCM, ngoài biện pháp tỉa thưa cần phối hợp nhiều giải pháp khác.
"Khi thủy triều xuống, cơ quan chức năng sẽ mở cống ra cho thủy triều rút kiệt nước xuống, khi thủy triều lên sẽ cho nước vào, hoạt động này nhằm thau rửa kênh. Nhưng khi thủy triều rút thấp cộng với việc nước kênh gần phơi đáy và xảy ra mưa lớn sẽ khiến bùn, rác và khí độc ở đáy kênh bị sục lên.
Cá chết lẫn trong rác nổi trên mặt kênh - Ảnh: CHÂU TUẤN
Thêm vào đó, nước từ hệ thống cống xung quanh đổ vào kéo theo chất ô nhiễm hữu cơ sẽ khiến các loài cá cần nhiều dưỡng khí như cá rô phi, cá chép chết dây chuyền trắng xóa kênh, gây ô nhiễm và mất mỹ quan", ông Lương nhận định.
Theo ông Lương, cơ quan quản lý cống ngăn triều cần theo dõi dự báo thời tiết để đóng mở cống cho hợp lý, có thể chấp nhận không thau rửa kênh và giữ nước để khi có mưa thì lượng nước trong kênh có thể dung hòa nước ô nhiễm từ hệ thống cống đổ vào.
Ngoài ra có thể phối hợp làm các đài phun nước, máy quạt nước tạo cảnh quan để tăng lượng oxy hòa tan vào nước. Oxy hòa tan này có thể phân hủy chất hữu cơ, tăng chất lượng môi trường nước, khi có sự cố môi trường có thể giảm thiểu thiệt hại đàn cá trong kênh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận