29/06/2020 10:30 GMT+7

Hai chiếc cổng gạch mới phát hiện ở Kinh thành Huế: Có thể là chỗ đặt đại bác

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Theo thông tin từ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, hai chiếc cổng nhỏ bằng gạch vừa được phát hiện ở Kinh thành Huế có thể là chỗ đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy quan.

Hai chiếc cổng gạch mới phát hiện ở Kinh thành Huế: Có thể là chỗ đặt đại bác - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa khảo sát thực địa chiếc cổng nhỏ bằng gạch nằm khuất sau một nhà dân chưa được giải tỏa khỏi Kinh thành Huế sáng 29-6 - Ảnh: NHẬT LINH

Sáng 29-6, thông tin từ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết sau khi đối chiếu nguồn tư liệu chữ Hán của Đại Nam nhất thống chí, hai cánh cổng nhỏ bằng gạch vừa phát hiện trên có thể là chỗ (lỗ) đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy quan.

Trước đó, hai cổng gạch nhỏ trên được phát hiện nhờ việc di dời một hộ dân, trả lại mặt bằng cho di tích Kinh thành Huế.

Theo nguồn tài liệu trên, đây là hai lỗ đặt đại bác phòng thủ trái và phải Đông thành Thủy quan với tên gọi Đại pháo xưởng môn. Vị trí này được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830).

Đoạn phiên âm chữ Hán theo Đại Nam nhất thống chí ghi: "Đông thành Thủy quan: Gia Long sơ giá mộc vi kiều, danh Thanh Long kiều. Minh Mạng thập nhất niên, thiết thạch, kiều hạ thiết áp vi quan, thượng thế hộ lan can, cập ĐẠI PHÁO XƯỞNG MÔN, nhân cải kim danh. Tây thành Thủy quan: Minh Mạng thất niên thiết, diệc hạ thiết áp, thượng thiết ĐẠI PHÁO XƯỞNG, tứ kim danh."

Nguồn tư liệu này cũng cho biết theo Đại Nam nhất thống chí ghi lại ở vị trí hai cổng có đặt nơi chứa đạn pháo và có 20 lính canh giữ, bảo vệ Đông thành Thủy quan.

Nguồn tư liệu này cũng nhận định có thể sau năm 1885 (biến cố thất thủ kinh đô), người Pháp chiếm đồn Mang Cá (vào năm 1886) nên vị trí phòng thủ này không còn được sử dụng nữa. Có thể do vậy nên linh mục Léopold Michel Cadière khi ghi vào cuốn "Kinh thành Huế: địa danh" đã ghi thông tin là 2 cửa này bị bít lại.

Hai chiếc cổng gạch mới phát hiện ở Kinh thành Huế: Có thể là chỗ đặt đại bác - Ảnh 2.

Chiếc cổng gạch này, theo tài liệu từ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế là lỗ đặt đại bác phòng thủ Đông thành Thủy quan - Ảnh: NHẬT LINH

Ông Võ Lê Nhật, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết hiện trung tâm đang nghiên cứu, lên phương án bảo tồn, phát huy giá trị của hai chiếc cổng gạch nói trên. Việc này nằm trong kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị toàn hệ thống Kinh thành Huế sau khi di dời dân cư.

Cũng trong sáng 29-6, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa đã đến khảo sát thực địa chiếc cổng gạch đang nằm khuất sau nhà một hộ dân chưa di dời. Theo quan sát, ông Hoa nhận định vị trí của chiếc cổng được xây dựng sau khi hệ thống Kinh thành Huế được xây dưới thời Gia Long.

Nhận định trên được đưa ra sau khi nhà nghiên cứu này quan sát, so sánh màu sắc giữa các khối gạch của bức tường đặt chiếc cổng và gạch ở bức tường thành bên cạnh. Do thời gian và nhiều nguyên nhân khác, bức tường gạch đặt chiếc cổng đã gần như bị nứt rời ra khỏi hệ thống thành trì.

Ông Hoa cho biết dù chiếc cổng gạch này được xây dựng với chức năng gì thì đây hoàn toàn là một điều vô cùng thú vị.

"Hàng chục năm nay do người dân sinh sống ở khu vực Kinh thành Huế nên việc tiếp cận nhiều vị trí ở đây để nghiên cứu rất khó khăn. Sau khi thực hiện di dời dân cư, nhiều điều thú vị mới dần lộ ra mang lại cho giới nghiên cứu, bảo tồn cũng như du lịch nhiều thông tin về hệ thống Kinh thành Huế" - ông Hoa nói.

Chiếc cổng kỳ lạ tuyệt đẹp vừa phát lộ ở kinh thành Huế: Không chỉ có một Chiếc cổng kỳ lạ tuyệt đẹp vừa phát lộ ở kinh thành Huế: Không chỉ có một

TTO - Theo người dân địa phương, không chỉ có một, còn một chiếc cổng nhỏ kỳ lạ tuyệt đẹp giống hệt cái vừa phát lộ nằm sau nhà một hộ dân chưa di dời khỏi kinh thành Huế.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên