03/04/2016 11:40 GMT+7

Hai chị em và chiến dịch cấm túi nhựa ở Bali

D.KIM THOA (Theo Ted) (duongkimthoa@tuoitre.com.vn)
D.KIM THOA (Theo Ted) ([email protected])

TTO - Từ năm 2013, hai chị em Melati và Isabel Wijsen, lúc đó mới 12 và 10 tuổi đã tổ chức chiến dịch Bye bye plastic bags (Tạm biệt túi nhựa) tại Bali.

Hai chị em (phía trước ảnh) và chiến dịch Bye bye plastic bags tại Tanah Lot, Indonesia - Ảnh: Ytimg
Hai chị em (phía trước ảnh) và chiến dịch Bye bye plastic bags tại Tanah Lot, Indonesia - Ảnh: Ytimg

Thành công mới nhất của họ là Bali sẽ cấm dùng túi nhựa từ năm 2018.

​Ở ngôi trường có cái tên rất vui: Trường Xanh (Green School), ngôi trường không chỉ khác biệt vì được xây toàn bằng tre, mà còn độc đáo trong cách giảng dạy, hai chị em Melati Wijsen và Isabel Wijsen được dạy rằng Bali của họ là hòn đảo của các vị thần, là thiên đường xanh.

Nhưng hai cô bé cũng nhận thức được rằng thiên đường đó đã bị đánh cắp khi giờ đây Bali còn là một đảo rác.

Nói không với túi nhựa

Ở Bali, mỗi ngày người ta thu thập được tới 680m3 rác thải là túi nhựa. Số lượng rác chất cao bằng một tòa nhà 14 tầng. Và trong đó, chỉ gần 5% được tái chế. Khi hiểu tất cả số rác này rốt cuộc sẽ đổ vào các kênh mương, sông suối và kéo ra biển, hai chị em nghĩ rằng họ phải làm gì đó.

Hai chị em tìm hiểu thông tin về túi nhựa, càng nghiên cứu càng nhận ra túi nhựa chẳng có gì tốt đẹp, thậm chí người ta hoàn toàn không cần dùng tới nó.

Trong quá trình tìm hiểu, Melati và Isabel đặc biệt ấn tượng với những chiến dịch nói không với túi nhựa ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Hawaii tới Rwanda, và ở nhiều thành phố khác như Oakland và Dublin.

Vậy là chiến dịch Bye bye plastic bags hình thành.

Trong suốt ba năm qua, hai chị em và những người tham gia chiến dịch đã nỗ lực kêu gọi mọi người nói không với túi nhựa tại hòn đảo quê hương và gặt hái một số thành công quan trọng. Họ cũng đã đúc rút được những bài học thật sự quan trọng trong quá trình ấy.

Bài học đầu tiên là bạn sẽ không thể làm tất cả mọi việc một mình. Bạn cần có một nhóm những người khác có chung ý tưởng. Đó là lý do khiến Bye bye plastic bags quy tụ tất cả trẻ em quan tâm tới chiến dịch trên hòn đảo, thuộc cả trường quốc tế lẫn trường địa phương.

Cùng với nhau, những bạn trẻ đã chia chiến dịch hành động thành nhiều “mũi tấn công”: vận động mọi người ký vào đơn kiến nghị tập thể cả trên mạng và trong thực tế, tổ chức các chương trình tuyên truyền tại trường học, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề này tại các khu chợ, lễ hội và các đợt dọn sạch bãi biển, phân phát các loại túi thay thế được làm bằng 100% vật liệu hữu cơ.

Nỗ lực không ngừng

Chiến dịch đã tiến hành thí điểm tại một ngôi làng có 800 hộ gia đình. Người đứng đầu làng này trở thành người bạn đầu tiên của hai chị em, ông sẵn lòng giúp đỡ. Tới nay, ngôi làng đã vượt qua 2/3 chặng đường trở thành một nơi không còn túi nhựa.

Những nỗ lực đề xuất nói không với túi nhựa của hai chị em gửi tới chính quyền Bali thoạt tiên đều thất bại. Hai cô bé nghĩ, “nếu có lá đơn kiến nghị với 1 triệu chữ ký của mọi người, hẳn họ sẽ không thể phớt lờ chúng ta”.

Nghĩ là làm. Hai cô bé đã nghĩ tới sân bay Bali với 16 triệu khách đến và đi mỗi năm. Nhưng làm sao để tiếp cận sân bay này và làm được việc mình cần lại là câu chuyện khác.

Bài học thứ hai đã đến, đó là sự nhẫn nại. Từng bước một, họ đã thuyết phục được từ người gác cổng cho đến giám đốc.

Bài “diễn thuyết” của hai chị em về chiến dịch Bye bye plastic bags hôm đó đã thuyết phục hoàn toàn vị giám đốc thương mại của sân bay và ông ta tuyên bố cho phép họ tiến hành lấy chữ ký của mọi người tại sân bay.

Nhờ ngôi Trường Xanh độc đáo, hai chị em có cơ hội gặp nhiều người nổi tiếng, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.

Ông Ban Ki Moon cho biết mặc dù trong cương vị hiện tại, ông không thể ký vào những lá đơn kiến nghị tập thể, nhưng ông đã giúp chiến dịch của hai chị em truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người ủng hộ. Và hiện tại, Melati và Isabel đang hợp tác thân thiết với cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Đỉnh điểm của chiến dịch là khi hai chị em quyết định noi gương người anh hùng Mahatma Gandhi của Ấn Độ tuyệt thực để yêu cầu thống đốc Bali cho phép tới gặp ông và trao đổi về vấn đề túi nhựa.

Nhờ truyền thông và mạng xã hội giúp sức, rốt cuộc tới ngày nhịn ăn thứ hai, cảnh sát đã đưa hai chị em đến gặp thống đốc Bali. Và tất nhiên, hai cô bé đã lại vượt qua được cửa ải cuối cùng trong chiến dịch vận động.

Sau tất cả những nỗ lực không ngừng, gần đây thống đốc đã ban hành quy định cấm sử dụng túi nhựa tại Bali kể từ năm 2018.

Sớm hơn mốc thời gian đó, sân bay quốc tế Bali, một trong những đơn vị ủng hộ chiến dịch Bye bye plastic bags, đã quyết định chính sách nói không với túi nhựa từ năm 2016.

Chia sẻ trên diễn đàn TED hồi đầu năm nay, Melati và Isabel nói: “Chúng tôi sẽ không nói với bạn rằng việc đó là dễ dàng. Chúng tôi sẽ bảo bạn là việc đó rất đáng làm. Trẻ em chúng ta chỉ chiếm 25% dân số thế giới, nhưng chúng ta là 100% tương lai”.

D.KIM THOA (Theo Ted) ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên