19/04/2013 07:30 GMT+7

Hai câu hỏi để bảo vệ người dân

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Khi bị hành hung, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng, liệu người dân có thể tìm thấy sự che chở, an toàn ở lực lượng công an địa phương? Ngành công an sẽ làm gì để bảo vệ được người dân?

Tuổi Trẻ xin tiếp tục giới thiệu một số ý kiến chuyên gia.

* Thạc sĩ Lê Nguyên Thanh (giảng viên khoa Luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM):

Cảnh sát không thể nói “chỉ làm theo quy trình”

Khi người dân phản ảnh chuyện bị đe dọa thì việc đánh giá tình huống của người tiếp nhận là rất quan trọng. Có đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng mới có thể có phương án xử lý thích hợp. Nếu nạn nhân từng đến cơ quan công an để trình báo nhiều lần vì bị đe dọa giết và có cơ sở thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án về tội đe dọa giết người. Cũng có một thực tế là các tin báo được đưa đến công an có nhiều tin bị thổi phồng, thậm chí là tin sai. Lực lượng cảnh sát 113 đã thống kê rồi, có đến 50% tin báo được gọi đến số điện thoại của 113 là dạng tin này. Thế nên có thể tạo tâm lý hơi chủ quan cho cơ quan công an.

Về mặt nghiệp vụ, công an được đào tạo để đánh giá đúng mức độ nguy hiểm cũng như tình huống người dân đến báo. Nếu không áp dụng nghiệp vụ và cho rằng cứ làm theo quy trình thì hóa ra người dân nào cũng có thể làm cảnh sát được?

Trách nhiệm của công an là giữ gìn trật tự xã hội, nếu chỉ làm mỗi việc mời người bị tố cáo, còn họ lên, không lên mặc kệ thì sẽ là vô trách nhiệm. Khi nhận tin trình báo, công an phải xuống tận địa bàn để xác minh, từ nhiều nguồn.

Để bảo vệ một người khỏi nguy cơ thành nạn nhân, ngoài cơ quan công an còn có trách nhiệm của các tổ chức khác như hội phụ nữ, ủy ban dân số gia đình và trẻ em và nhiều đoàn thể khác ở địa phương. Các cơ quan đoàn thể này kiến nghị với công an thì tiếng nói sẽ mạnh mẽ hơn là một cá nhân đơn độc.

Ở các nước trên thế giới, những người yếu thế được bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhất là phụ nữ và trẻ em. Các tổ chức phi chính phủ có thể có những ngôi nhà tạm lánh để nạn nhân đến ở và được tư vấn tâm lý, pháp luật, cách ứng xử... Ở VN thì sự phối hợp cộng đồng còn kém. Về lâu dài cần một cơ chế đồng bộ.

* Thẩm phán Vũ Phi Long (phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM):

Phải lập biên bản khi tiếp nhận tin báo

MvvcEzS6.jpg
Ông Vũ Phi Long - Ảnh: Chi Mai
Công an địa phương và các ban ngành đoàn thể cần phải đánh giá được mức độ nghiêm trọng của tin báo để có biện pháp bảo vệ người bị đe dọa.

Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự tại Tòa án nhân dân TP.HCM, tôi đã gặp không ít trường hợp đến trình báo tại công an phường và được tạm lánh ngay tại đơn vị này để được bảo vệ. Tôi cũng biết có rất nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc hỗ trợ cho người dân mỗi khi người dân cần được bảo vệ. Cũng có một số trường hợp nạn nhân bị hăm dọa thanh toán nhưng không báo công an vì cho rằng sự việc chưa xảy ra, còn đang nằm trong dự định thì cơ quan chức năng cũng không can thiệp được.

Về phía người dân khi trình báo phải trung thực và nêu lên được yêu cầu của mình. Còn về phía công an phường, tôi cho rằng vấn đề không ở lương bổng, lực lượng mỏng hay dày, yếu hay mạnh... mà trách nhiệm của cán bộ công an là đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân và bảo đảm trật tự trị an trong khu phố mình phụ trách. Cho dù có gặp khó khăn, gian khổ cũng phải thể hiện tinh thần hết lòng với người dân trên mọi phương diện.

Đối với cơ chế tiếp nhận tin báo cầu cứu, về nguyên tắc là phải lập biên bản và có phương án giải quyết. Người tiếp nhận tin báo phải ghi chép đầy đủ, cẩn thận những dấu hiệu nguy hiểm nếu có và yêu cầu của nạn nhân. Nếu chỉ tiếp nhận thông tin như “nghe chuyện” rồi đánh giá chủ quan là không có gì thì khi có chuyện xảy ra, không có cơ sở để ràng buộc trách nhiệm.

* Thạc sĩ Vũ Thị Thúy (giảng viên khoa Luật hình sự Đại học Luật TP.HCM):

Vấn đề gây bức xúc

Việc cô gái bị người yêu cũ chém chết sau khi đi trình báo công an là vấn đề đang gây ra nhiều bức xúc và tranh cãi trong sinh viên cũng như các giảng viên khoa Luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM. Nói về lý thuyết thì dễ lắm, ví dụ như sau khi người dân trình báo thì phải cử người bảo vệ người dân giống như các nước phát triển hiện nay. Nhưng đưa ra một giải pháp như thế ở VN là không tưởng.

Làm gì khi bị đe dọa?

Thượng tá Nguyễn Xuân Thủy - phó trưởng Công an Q.11, TP.HCM - cho biết: Khi người dân bị đe dọa, trong trường hợp khẩn cấp cần gọi ngay số điện thoại của lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh 113 để được giúp đỡ. Khi nhận tin báo, lực lượng cảnh sát 113 thông báo cho công an phường, xã xác minh thông tin có thật hay không. Nếu thông tin thật, sẽ có lực lượng trực tiếp của phường và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan của quận, huyện hoặc TP sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hành vi ngay lập tức, sau đó tùy tính chất, mức độ mà xử lý người đe dọa.

Nếu là những trường hợp bị đe dọa nhưng chưa có khả năng xảy ra tức thời, người dân có thể tới công an phường, xã mình cư trú để trình báo. Công an phường, xã nhận tin báo sẽ tùy tính chất, mức độ của tin báo đó mà lập hồ sơ ban đầu, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra thụ lý theo thẩm quyền. Trên thực tế, hầu hết các vụ người dân trình báo việc bị đe dọa tới tính mạng tại Q.11, công an phường đều báo cáo ngay lập tức cho lãnh đạo công an quận để chỉ đạo các điều tra viên, trinh sát tới tận nơi xem xét, đánh giá và tổ chức lực lượng truy xét, xử lý.

Những trường hợp người dân trình báo bị đe dọa, có khả năng bị truy sát ngay tức thời, lực lượng công an có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của người trình báo ngay, thậm chí phải tổ chức lực lượng đưa người trình báo về an toàn. Nếu nguy cơ kẻ đe dọa có thể gây án rõ ràng, chúng tôi sẽ bố trí lực lượng bảo vệ người bị đe dọa, ém sẵn để bắt giữ khi kẻ đe dọa chuẩn bị ra tay. Tuy nhiên, lực lượng công an sẽ không bao giờ có đủ để bảo vệ từng người dân 24/24 giờ. Do đó trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng công an sẽ tính toán để xử lý tình huống tốt nhất, đảm bảo an toàn cho người dân.

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên